Lục bát Lục Vân Tiên

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại (Trang 101 - 106)

Chƣơng 3 GIÁ TRỊ CỦA THƠ LỤC BÁT TRUYỀN THỐNG

3.3. Thơ lục bát truyền thống những trường hợp điển hình

3.3.5. Lục bát Lục Vân Tiên

Đầu những năm 50, thế kỷ XIX, trong lịch sử văn học chữ Nôm miền Nam Việt Nam xuất hiện tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Đây là truyện thơ Nôm xuất bản lần đầu năm 1889 do Trương Vĩnh Ký cấp phép, năm 1899 được dịch giả Abel des Michels chuyển ngữ sang tiếng Pháp với tên gọi Lục Vân Tiên cổ tích truyện.

Nội dung tác phẩm đề cập đến chủ nghĩa nhân văn, luân lý, lối sống, đạo làm người theo quan niệm văn dĩ tải đạo. Tác giả hướng con người đến với cương thường, đạo nghĩa qua tấm gương của các nhân vật đời xưa. Hơn nữa, để tạo sự thân thiết, gần gũi với quần chúng, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng thể lục bát để dẫn dắt và tường giải câu chuyện. Tuy nhiên, do quá trình xuất bản, tái bản nhiều lần nên tác phẩm đã xuất hiện nhiều dị bản khác nhau, được thêm, bớt cả trăm câu thơ. Văn bản phổ biến và thường được dùng ngày nay chính là bản truyện có kết cấu lối chương hồi, gồm 2.082 câu thơ lục bát.

Trong các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên là tác phẩm xuất sắc nhất được viết theo kiểu truyện thơ Nôm, qua hình thức tự sự, truyện kể. Kết cấu truyện có tính chất ước lệ khuôn mẫu, khắc họa, xây dựng môtíp nhân vật với những phẩm chất cao cả, đẹp đẽ như Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Tác giả đã lựa chọn sử dụng ngôn ngữ bình dân, gần gũi với mọi tầng lớp trong xã hội để ai cũng có thể đọc, hiểu, nhớ và thuộc lòng nhiều đoạn dù ngắn, dài, hay cả truyện thơ. Chính điều này khiến cho tác phẩm có sức sống lâu bền qua mọi thế hệ, trường tồn và khẳng định giá trị bất biến đến tận ngày nay. Sức lan tỏa của truyện thơ này rất rộng rãi, không chỉ ở những

hình thức sinh hoạt văn hóa như “kể thơ”, “nói thơ Vân Tiên”, “hát Vân Tiên” ở Nam Kỳ, Nam Trung Kỳ, mà còn trong cả nước.

Mở đầu truyện, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng những câu thơ như lời nhắn nhủ tóm lược toàn bộ nội dung tư tưởng của truyện:

Trước đèn xem truyện Tây minh Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le Hỡi ai lẳng lặng mà nghe?

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau Trai thời trung hiếu làm đầu Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình

Vốn xuất thân là nhà nho bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những tư tưởng Khổng, Mạnh, Trang, lại được sinh ra và lớn lên trong vùng quê hương Nam Bộ, gắn bó cuộc sống với người nông dân chân lấm tay bùn, giàu tình yêu thương, thật thà, chất phác, ông hiểu được tâm tư, nguyện vọng và luôn muốn giúp đỡ họ. Sau khi sự nghiệp học hành dang dở, thi cử không được như mong muốn, ông đã trở về bốc thuốc chữa bệnh, cứu người, dạy học để truyền tri thức và đạo lý răn dạy người đời, con cháu. Do vậy, những nội dung về “trung - hiếu - tiết - nghĩa” của Nho giáo được ông xen lồng trong đạo lý “nhân - nghĩa” của dân tộc. Nhằm phổ biến những đạo lý tốt đẹp đó, trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông đã sáng tác Lục Vân Tiên.

Truyền thống con người Việt Nam lấy nhân nghĩa để trau dồi, rèn giũa đạo đức nhân dân, là gốc rễ sâu bền cho bản sắc dân tộc. Truyền tải những điều đó vào thơ ca một cách tự nhiên, gần gũi, chân thật với người dân và đặc biệt là người dân vùng Nam Bộ, các hình tượng được xây dựng trong tác phẩm đã toát lên vẻ đẹp tư tưởng và những sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao, tuyệt vời của người thi sĩ.

Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng tuyến nhân vật chính diện, anh hùng, hào hiệp với những tố chất của bậc quân tử khỏe mạnh, giỏi giang, xuất

thân thường dân nhưng vẫn có ước mơ, hoài bão thi cử đỗ đạt, làm quan, giúp vua, giúp nước. Lục Vân Tiên chính là một nhân vật như vậy, là bậc tráng sĩ luôn nêu cao chính nghĩa và lẽ công bằng, sẵn sàng đứng ra bảo vệ, bênh vực kẻ yếu:

Tôi xin ra sức anh hào

Cứu người cho khỏi lao đao buổi này

Khi gặp giặc Phong Lai, chàng đã xông lên bẻ cây làm gậy, dũng cảm tả xung hữu đột, đánh cho chúng tan tác.

Câu chuyện còn khiến người đọc thêm nhiều lần xúc động hơn nữa bởi ở người anh hùng Lục Vân Tiên ấy luôn trọn chữ hiếu, vẹn chữ tình. Trong lúc chàng đang trên đường đi thi, chợt nhận tin mẹ qua đời, Vân Tiên liền bỏ thi để về chịu tang, trên đường về vì quá thương xót mẹ nên chàng đã khóc đến lâm bệnh, mù mắt. Dù như vậy nhưng nỗi sầu vẫn không thể nguôi ngoai: Ôi thôi! Con mắt đã mang lấy sầu

Mịt mù nào thấy gì đâu

Nói đến nhân vật Kiều Nguyệt Nga, người đọc thấy ngay tinh thần nêu gương phẩm chất tiết hạnh dành cho người phụ nữ. Là người phụ nữ truyền thống, nàng luôn giữ tấm lòng thủy chung son sắt, dành tình yêu lấy chữ nghĩa làm gốc trao trọn cho Vân Tiên. Vốn là con gái của quan tri phủ, được dạy dỗ lễ tắc, giáo dục chu đáo và phẩm chất tiết hạnh, trong một lần trên đường đi gặp cướp, Nguyệt Nga được Vân Tiên cứu thoát, cảm tạ ân nhân, nàng rất cảm kích và dành cho Vân Tiên những lời nói ân tình:

Lâm nguy chẳng gặp giải nguy Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi

Kể từ cuộc gặp tình cờ đó, Kiều Nguyệt Nga ngày đêm một lòng một dạ thủy chung với Vân Tiên, coi chàng như chồng. Khi hay tin chàng thác sinh, nàng đã vẽ bức tượng thờ. Dù bị vua cha bắt đưa đi cống phiên cho giặc Ô Qua, nàng đã ôm bức tượng Vân Tiên mà nhảy xuống sông tự vẫn,

nhưng được bà lão trong rừng cứu sống. Nàng một lòng một dạ tôn thờ Lục Vân Tiên.

Lục Vân Tiên là truyện kể đề cao tư tưởng nhân nghĩa, đạo lý dân tộc và những giá trị giáo lý của Phật giáo. Xuyên suốt câu chuyện, qua những khổ thơ lục bát mượt mà, truyện dẫn dắt người đọc đến với thuyết nhân quả, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, đó là tư tưởng đạo lý gần gũi với cuộc sống người bình dân. Lối sử dụng gieo vần, ngắt nhịp của lục bát ở truyện này được Nguyễn Đình Chiểu sáng tạo mang màu sắc của ngôn ngữ bình dân vùng Nam Bộ, đồng thời cũng tuân thủ các cấu trúc gieo vần lưng, vần chân và luật bằng - trắc của lục bát truyền thống.

Trong một xã hội đầy rẫy những cái xấu xa, những cái tốt cần được tôn vinh và cái xấu phải bị lên án và trừng trị thích đáng. Cái xấu cuối cùng cùng cũng phải nhận về những kết cục thê thảm xứng đáng dành cho nó: Võ Thể Loan bị cọp bắt bỏ vào hang đến chết; Trịnh Hâm bị sóng thần nhấn chìm thuyền và bị cá nuốt sống. Hạnh phúc, an lành và cuộc sống tốt đẹp cuối cùng cũng sẽ đến với người tốt bởi những chân giá trị luôn tỏa sáng dù qua nhiều sóng gió, oan trái:

Từ đây toại chí muôn phần Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai

Trong truyền thống dân tộc và dân gian Việt Nam, những tư tưởng nhân nghĩa, nhân quả, ác giả ác báo, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão… đã thấm sâu trong tâm thức người dân lao động, một lần nữa lại được tái hiện đậm đà, sâu sắc hơn trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Ông đã đề cao tinh thần bảo vệ đạo ông bà, nghĩa cha con, tình vợ chồng, tình bạn bè, nghĩa khí anh hùng ra tay ngăn chặn cái xấu, bảo vệ cái thiện. Việc thiện nghĩa luôn là việc cần làm đối với bậc quân tử; truyện của Nguyễn Đình Chiểu mang màu sắc tư tưởng của Nho giáo nhưng cũng vô cùng gần gũi với Phật giáo và quan niệm dân gian Việt Nam, rất khó có thể tách bạch rạch ròi.

Những giá trị, lý tưởng, đạo lý trân quý của dân tộc ta nói trên đã không ngừng được bồi đắp để trở thành các thang giá trị cao quý, mang thuần phong, mỹ tục và bản sắc người Việt bao đời. Mượn thể thơ lục bát để kể chuyện đời thường mà vươn tới tầm cao mới trong lịch sử văn học nước nhà, Lục Vân Tiên chính là tác phẩm đáng dành làm bài ca hát ru con trẻ, làm lời ngâm tặng vợ chồng son, làm lời nghiêm răn những kẻ ăn ở hai lòng... Nguyễn Đình Chiểu cùng với Nguyễn Du một lần nữa lại góp phần làm sáng lên lục bát - như một viên ngọc quý trong kho tàng thể loại thơ ca dân tộc.

Tiểu kết chƣơng 3

Đến với thơ lục bát chính là đến với truyền thống, đến với những giá trị được chắt lọc, bảo lưu, phát triển và biến đổi qua nhiều thời đại nhưng vẫn có sức sống lâu bền. Thơ lục bát truyền thống đã truyền tải giá trị hiện thực, tinh thần yêu nước, nhân đạo, bản sắc văn hoá của dân tộc. Lục bát ca dao, dân ca, lục bát truyện thơ Nôm, lục bát kinh sách Phật giáo, lục bát Truyện Kiều, lục bát Lục Vân Tiên chính là những hiện tượng tiêu biểu, những giá trị cốt lõi của thơ lục bát truyền thống. Tuy nhiên, những giá trị truyền thống tự ngàn xưa không tránh khỏi ít nhiều hạn chế trong bối cảnh hiện đại, do vậy cần có sự cải biến. Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại chính là phản ánh quá trình đó - một quá trình đầy cam go, sự nối tiếp của quá khứ được trân trọng, hiện tại kế thừa và tương lai tiếp bước.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Thơ lục bát từ truyền thống đến hiện đại (Trang 101 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)