6. Phương pháp nghiên cứu
1.2. Khái niệm về nhãn các-bon
Trên thế giới, Vương quốc Anh có thể được xem là quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu và xây dựng nhãn sinh thái nói chung, nhãn các-bon nói riêng. Nếu như nhãn sinh thái là nhãn chỉ ra tính ưu việt về mặt môi trường của một sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại dựa trên đánh giá vòng đời sản phẩm thì nhãn các-bon, hay dấu chân các-bon (cacbon footprint) là một dạng của nhãn sinh thái [33, 34]. Thuật ngữ dấu chân các-bon phát triển từ đề xuất “Food Miles” bởi Giáo sư Tim Lang của đại học London, sau đó chính thức sử dụng lần đầu tiên và những năm 2000.
Nhãn các-bon hay dấu chân các-bon là khái niệm nhằm xác định tổng lượng khí nhà kính phát thải từ khâu sản xuất đến khi sử dụng và thải bỏ sản phẩm, được đánh giá thông qua vòng đời sản phẩm (LCA), được quy đổi sang CO2. Thông qua nhãn các-bon những nhà quản lý mong muốn người tiêu dùng xác định được những sản phẩm thân thiện với môi trường để lựa chọn sử dụng, qua đó thay đổi thói quen tiêu dùng, định hướng thị trường, và quay trở lại định hướng sản xuất cho doanh nghiệp, nhằm hướng tới giảm phát thải các-bon, giảm BĐKH và hướng
tới phát triển bền vững.
Hình 1.4. Mối quan hệ giữa nhãn sinh thái và nhãn các-bon
Nguồn: Tổng hợp từ bài viết của Tiantian Liu và cộng sự (2016) [21]
Tóm lại có thể hiểu “Nhãn các-bon là một loại nhãn môi trường trong đó ghi thông tin về mức độ giảm phát thải KNK của sản phẩm với mục đích khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm các-bon thấp nhằm hướng tới đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính”.
Năm 2001 Chính phủ Anh đã hỗ trợ thành lập Quỹ Tín thác Các-bon gọi là Carbon Trust (CT). Mục đích hoạt động của CT là thúc đẩy sự chuyển dịch sang nền kinh tế các-bon thấp. CT đã triển khai các hoạt động khác nhau, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để giảm thiểu phát thải các-bon, cung cấp các luận giải và lợi ích lâu dài khi đầu tư vào phát triển, chuyển giao công nghệ cũng như hoạt động kinh doanh ứng phó với biến đổi khí hậu. Kể từ năm 2006, CT đã cùng với các doanh nghiệp tham gia đo lường, giảm thiểu và truyền thông về phát thải các- bon xuyên suốt chuỗi cung ứng. Ngay khi bắt đầu, CT gặp phải tình trạng không thống nhất trong việc đo lường dấu chân các-bon của các sản phẩm - do công nghệ và quy trình sản xuất khác nhau. Vượt qua những khó khăn ban đầu, CT đã hỗ trợ các đối tác là Chính phủ và các công ty ở Úc, Đài Loan và Thái Lan xây dựng các chương trình cấp, dán nhãn các-bon tại các quốc gia này [20].
Theo Tan và cộng sự (2014), dù việc dán nhãn các-bon là tự nguyện, nhưng đã được áp dụng tại một số quốc gia như Anh, Hà Lan và Nhật Bản. Đặc biệt là sự tham gia của các công ty không muốn mình bị đẩy lùi lại phía sau các đối thủ
cạnh tranh trên thị trường sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường [25]. Nhãn các-bon được kỳ vọng cung cấp cho người tiêu dùng cơ hội để đưa ra lựa chọn mua sắm phù hợp và có trách nhiệm, đặc biệt là khi yêu cầu về giảm phát thải KNK đã trở thành mối quan tâm toàn cầu. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia triển khai dán nhãn các-bon (Hình 1.6).
Hình 1.6. Các quốc gia đã triển khai việc dán nhãn các-bon trên thế giới trong giai đoạn 2007 - 2010
Nguồn: Tổng hợp từ bài viết của Tiantian Liu và cộng sự (2016) [34]