6. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Vai trò của nhãn các-bon trong giảm phát thải khí nhà kính
Nhãn các-bon được xếp vào nhóm nhãn đơn tiêu chí, điều này có nghĩa nhãn tập trung vào tiêu chí phát thải các-bon của sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ. Hay nói cách khác, tiêu chí đánh giá của nhãn chính là lượng phát thải các- bon của một sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ trong suốt vòng đời (từ nguồn liệu đầu vào, sản xuất, lưu thông, sử dụng và thải bỏ).
Theo Trung tâm thương mại quốc tế [23], việc tính toán được lượng phát thải của sản phẩm trong suốt vòng đời (dấu chân các-bon) sẽ giúp doanh nghiệp:
- Xác định các điểm nóng (hay công đoạn) phát thải KNK nhiều (thường gắn liền với việc tiêu thụ năng lượng) và các cơ hội để đạt được mức giảm phát thải qua vòng đời sản phẩm, ví dụ: bằng cách tăng hiệu quả sản xuất;
- Xác định các cơ hội tiết kiệm chi phí (thông qua việc giảm định mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu đầu vào và tái sử dụng);
- Hiểu biết hơn về phát thải KNK từ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp để chuẩn bị cho tác động có thể có trong tương lai và tham gia các sáng kiến chính sách quốc gia hoặc quốc tế (khi có các yêu cầu bắt buộc về giảm phát thải KNK); - Tạo điểm chuẩn để giám sát và đo lường mức giảm phát thải và khả năng thực hiện các biện pháp cải thiện tác động khí hậu của sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất hay cung cấp;
- Tích hợp vấn đề giảm phát thải KNK vào việc ra quyết định, ví dụ: lựa chọn vật liệu, thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, v.v hay tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn;
- Tham gia với các nhà cung cấp trong toàn chuỗi cung ứng nhằm giảm dấu chân các-bon hay lượng phát thải KNK;
- Thể hiện sự đi đầu trong trách nhiệm về môi trường của doanh nghiệp đối với cả các bên liên quan và người tiêu dùng;
- Cho phép tiếp thị và xây dựng thương hiệu xanh, có tác động tích cực đối với môi trường sống;
- Trao quyền cho người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có mức phát thải các-bon thấp hơn các sản phẩm cùng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng tăng.
Theo Cơ quan quản lý KNK của Thái Lan (TGO) thì những lợi ích của sản phẩm các-bon [32] (bao gồm cả nhãn các-bon thấp và nhãn dấu chân các-bon), có thể tóm tắt như sau:
(a) Đối với khách hàng/người tiêu dùng:
Các sản phẩm dánh nhãn các-bon thấp cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về lượng phát thải KNK mà sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ gây ra, hỗ trợ họ trong việc đưa ra quyết định mua sắm và tạo cơ hội để người tiêu dùng tham gia vào việc quản lý phát thải KNK, đặc biệt là góp phần giảm phát thải KNK thông qua lựa chọn tiêu dùng của mình.
(b). Đối với nhà sản xuất:
Nhãn các-bon có thể được sử dụng để thúc đẩy các sản phẩm phát thải thấp trên thị trường và giúp tạo dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp/tổ chức cam kết hướng đến giảm phát thải KNK.
Thông qua việc triển khai hoạt động dán nhãn các-bon, nhà sản xuất sẽ chuẩn bị tốt hơn đối với việc áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc như ISO14067 (tiêu chuẩn về phát thải KNK của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế) và các tiêu chuẩn môi trường khác mà các quốc gia phát triển đặt ra (ví dụ, ưu tiên tiêu dùng các sản phẩm dán nhãn các-bon cho các sản phẩm nhập khẩu nhà sản xuất có lợi thế cạnh trạnh hơn khi sản phẩm của mình dán nhãn các-bon).
Công nghệ và phương pháp sản xuất phát thải thấp được khuyến khích áp dung thông qua sử dụng nhãn các-bon, về lâu dài sẽ mang lại những lợi ích kinh tế cho các nhà sản xuất (đi đầu về công nghệ, giảm chi phí nguyên nhiên liệu, đặc biệt là trong trường hợp giá năng lượng tăng cao).
Hiện nay trên thế giới có 4 loại nhãn các-bon cơ bản, gồm:
- Loại 1 là một nhãn chứng nhận thể hiện sản phẩm có mức phát thải lượng các-bon thấp hơn so với sản phẩm cùng loại (còn gọi là nhãn các-bon thấp).
- Loại 2 là nhãn thể hiện mức độ giảm phát thải theo tiêu chuẩn vàng, bạc, đồng hoặc thể hiện tỷ lệ giảm phát thải KNK mà không thể hiện lượng phát thải KNK của sản phẩm (nhãn so sánh)
- Loại 3 là nhãn đưa ra các thông số về lượng các-bon phát thải của sản phẩm/dịch vụ (nhãn dấu chân các-bon).
- Loại 4 là nhãn các-bon bồi hoàn (off-set) thể hiện lượng các-bon được bồi hoàn (Nhãn bồi hoàn- thông qua các dự án, phương thức giảm phát thải các-bon khác).
Dù là loại nhãn các-bon nào thì mục đích cuối cùng là giúp người tiêu dùng biết được lượng các-bon phát thải hay mức độ phát thải các-bon của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được dán nhãn so với sản phẩm không dán nhãn. Thông qua việc dán nhãn các-bon, các giải pháp về kiểm toán năng lượng (trên cơ sở đánh giá vòng đời), tiết kiệm năng lượng, đối ưu hóa quy trình sản xuất được áp dụng. Bên cạnh đó, nhãn các-bon giúp cho người tiêu dùng thay đổi hành vi tiêu dùng thông qua đánh giá những tác động đến môi trường của sản phẩm mình mua (ví dụ, so sánh lượng phát thải KNK) so với các sản phẩm khác cùng loại trên thị trường. Việc dán nhãn các-bon còn giúp doanh nghiệp, nhà quản lý biết được sản phẩm phát thải nhiều nhất ở giai đoạn nào (nguyên liệu đầu vào, sản xuất, lưu thông, sử dụng hay thải bỏ) để từ đó có thể đề xuất được những giải pháp giảm phát thải phù hợp gắn với từng doanh nghiệp, quy trình sản xuất.
Theo kết quả thực hiện dự án hợp tác giữa (1) Tổ chức quản lý khí nhà kính của Thái Lan (TGO), (2) Trung tâm công nghệ vật liệu và kim loại quốc gia (MTEC) và (3) Cục phát triển công nghệ và khoa học quốc gia Thái Lan thì mục tiêu của nhãn dấu chân các-bon cho các sản phẩm (CFP) là cung cấp lựa chọn thay thế, để các khách hàng đóng góp vào việc giảm phát thải KNK thông qua mua sắm và sử dụng các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ phát thải thấp. Điều này có nghĩa nhãn các-bon cuối cùng sẽ hướng đến mục tiêu thúc đẩy và tăng cường tính cạnh tranh của ngành công nghiệp Thái Lan trên thị trường toàn cầu, đồng thời giúp thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK quốc gia [32].
Dán nhãn các-bon cho các sản phẩm vẫn còn trong giai đoạn phát triển ban đầu dù các công ty, tổ chức cấp nhãn và cơ quan quản lý nhà nước đã thử nghiệm phương pháp tính toán và thiết kế nhãn. Trong khi các phương pháp, quy trình tính toán đã được chuẩn hóa nhằm tính toán dấu chân các-bon (tổng phát thải các- bon) của một sản phẩm, tiếp cận trong dán nhãn vẫn chưa có tiêu chuẩn chung.
Việc dán nhãn các-bon ở góc độ nào đó đã tạo ra áp lực, yêu cầu các nhà sản xuất và phân phối phải cắt giảm lượng phát thải KNK trong quá trình sản xuất và lưu thông các sản phẩm hàng hóa của mình. Cohen và Vandenbergh (2012) chỉ ra rằng phương pháp xác định lượng phát thải các-bon của các sản phẩm và khung pháp lý chưa hoàn chỉnh về nhãn các-bon là những thách thức trong việc xây dựng một chương trình dán nhãn các-bon hiệu quả, việc phân tích cẩn trọng và lựa chọn nhóm sản phẩm để dán nhãn có thể làm giảm đáng kể lượng phát thải các-bon theo cách tối ưu về chi phí cũng như thống nhất với các tiêu chuẩn thương mại quốc tế [26].
Để nhãn các-bon trở thành một công cụ hiệu quả trong việc giảm nhẹ phát thải KNK và thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển, người tiêu dùng có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề người tiêu dùng quan tâm hiện nay trong việc quyết định mua các sản phẩm dán nhãn các-bon là “rò rỉ phát thải” do việc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác. Vì thế lượng
các-bon thực tế không giảm đi mà còn gia tăng nếu được tính toán toàn bộ lượng phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm. Ví dụ, David Watson and Stephan Moll (2008) đã ước tính lượng giảm phát thải các-bon ở nước Anh trong đoạn 1990- 2005 là 15%, tuy nhiên thực tế nếu tính theo chuỗi cung cấp thì lượng phát thải các-bon tăng 19% [20]. Trong khi ảnh hưởng trực tiếp của việc dán nhãn đến giảm phát thải các-bon ở mức độ nào đó còn khó kiểm chứng, thì việc dán nhãn các- bon được xem là một trong những giải pháp hạn chế gia tăng phát thải khí nhà kính [26, 27, 28] thông qua nâng cao trách nhiệm của các công ty sản xuất trong đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất và phân phối. Vì vậy, để thúc đẩy việc dán nhãn các-bon nhằm giúp giảm phát thải KNK trên toàn cầu cần phải hạn chế tình trạng rò rỉ các-bon. Phương pháp tiếp cận đánh giá vòng đời (Life Cycle Assessment –LCA) nhằm xác định dấu chân các-bon cho một sản phẩm hàng hóa có thể là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh nhiều lo ngại của người tiêu dùng về tình trạng rò rỉ các-bon [25, 28, 33].
Một vấn đề khác xuất hiện đối người tiêu dùng các sản phẩm dán nhãn các- bon là việc dịch chuyển các hành vi tiêu dùng khác của họ kém thân thiện với môi trường hơn do tác giả cho rằng việc dùng sản phẩm dán nhãn các-bon đã thực hiện trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường [26]. Đây gọi là hiệu ứng hồi phục. Trong nghiên cứu của Jacobsen và cộng sự năm 2012 ở Memphis, Tennessee, Hoa Kỳ cho thấy những người mua điện từ nguồn năng lượng xanh (có dán nhãn các- bon) có xu hướng sử dụng nhiều lượng điện hơn vì vậy tổng lượng các-bon phát thải có xu hướng tăng hơn khi sử dụng nguồn điện thông thường [26]. Chính vì vậy, việc xác định được những sản phẩm dán nhãn và phương pháp đo lường lượng phát thải các-bon phù hợp sẽ giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin khi lựa chọn, đảm bảo rằng việc mua sản phẩm dán nhãn các- bon/nhãn các-bon thấp là trực tiếp đóng góp vào việc hạn chế lượng phát thải các- bon trên phạm vi toàn thế giới [29, 33]. Việc dán nhãn phải đảm bảo nguyên tắc không làm tăng lượng phát thải các-bon trong suốt chuỗi cung cấp. Hay nói cách khác, các sản phẩm xuất khẩu đến thị trường có tính cạnh tranh cao thì việc dán
nhãn sẽ giúp sản phẩm cạnh tranh tốt hơn trong điều kiện người tiêu dùng đề cao trách nhiệm với môi trường. Vì vậy, việc dán nhãn các-bon thấp sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu, phù hợp với xu hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.