Hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động môi giới bất động sản nhà ở do công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh bất động sản hải phát phân phối tại thành phố hà nội​ (Trang 35 - 37)

Chương 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.5. Hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam

Lịch sử nghề môi giới bất động sản gắn liền với việc tư hữu về bất động sản và sự phát triển của xã hội. Khi thị trường mua bán bất động sản hình thành, nhu cầu bán và nhu cầu mua tự bản thân nó sinh ra một nghề giúp kết nối người mua và người bán gặp nhau để thực hiện giao dịch.

Môi giới bất động sản hình thành và tồn tại được một phần do sự bất đối xứng thông tin giữa các bên tham gia và song hành với nó là yếu tố chuyên môn, như hiểu biết về quy trình giao dịch, thủ tục pháp lý và kỹ năng đàm phán để tìm được đồng thuận giữa người bán và người mua giúp cho quá trình giao dịch đi đến việc hoàn tất.

Tuy nhiên, so với thế giới, nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam là một nghề còn khá non trẻ. Về khung pháp lý, dù đã được luật hóa, nhưng quy định về nghề này còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên khi xảy ra xung đột về lợi ích. Hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiện có khá nhiều môi giới hoạt động không có bằng cấp hoặc được đào tạo chuyên môn sơ sài. Nhiều người đến với nghề bởi điều kiện tham gia quá dễ dãi, hay với cảm xúc nôn nóng của lợi nhuận, hoa hồng mang lại.

Sau quãng thời gian khủng hoảng, thị trường bất động sản trở lại mạnh mẽ với nguồn cung và thanh khoản gia tăng. Sự e dè khi nghĩ đến việc mua để ở, chứ chưa hẳn đầu tư trước đó của người mua đã thay bằng niềm tin vào thị trường bất động sản. Theo đó, lĩnh vực môi giới bất động sản cũng ngày càng mở rộng, chuyên viên môi giới đã có nhiều hiểu biết và chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, đi cùng với đó, trong quá trình cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp, cả doanh nghiệp môi giới và chủ đầu tư không tuân thủ các quy tắc, dối trá trong kinh doanh, đưa khách hàng vào thế “tiền mất, tật mang” sau khi đã đạt được mục đích. Chính vì thế, thay vì tin vào doanh nghiệp hay những chuyên viên tư vấn, khách hàng khi có nhu cầu mua bất động sản thường tìm

kiếm thông tin và hỏi những người xung quanh mình đã từng mua bất động sản… Trong khi đó, thay vì trung thành với dự án một cách tuyệt đối từ đầu đến cuối, nhiều đơn vị môi giới thường chỉ tham gia vào những giai đoạn đầu, rồi đa phần bỏ mặc chủ đầu tư ở những giai đoạn cuối với những mâu thuẫn, căng thẳng với khách hàng.

Phải thừa nhận một thực tế rằng, hầu hết môi giới bất động sản của các nước phát triển có tuổi đời trung bình khá cao từ 35 - 50 tuổi, còn ở Việt Nam thì độ tuổi môi giới tham gia lại rất trẻ, từ 23 - 30 tuổi. Chính vì khác biệt cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm, dẫn đến việc trong một lĩnh vực đòi hỏi niềm tin và uy tín được đưa lên hàng đầu, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay luôn đối diện với sự "bấp bênh" và khó phát triển bền vững khi giữa cả 3 bên chủ đầu tư, nhà môi giới và khách hàng không có sự gắn kết một cách chặt chẽ. Điều này cũng dẫn đến cách kiểm tra và giám sát của các nhà quản lý cũng trở nên khó khăn, thậm chí đôi lúc khiên cưỡng và không sát với thực tế (Trịnh Tuấn Anh, 2019).

Vậy để những người thực sự yêu nghề và mang lại giá trị cho xã hội cần có một lộ trình học tập và tích lũy kinh nghiệm theo thời gian. Cần có những thương hiệu môi giới uy tín mang lại giá trị hữu ích cho khách hàng. Chỉ có thể làm được như vậy thì nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam mới thực sự được xem là một nghề được xã hội coi trọng (L. Wood Gate, 2020).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động môi giới bất động sản nhà ở do công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh bất động sản hải phát phân phối tại thành phố hà nội​ (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)