CHƯƠNG 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1. Quan điểm hoàn thiện quản lý chi thường xuyên NSNN tỉnh Nghệ An
4.1.1. Bối cảnh hiện nay tác động đến công tác quản lý chi thường xuyên
Về yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu thế nổi bật của kinh tế thế giới đương đại. Xu hướng hội nhập quốc tế đòi hỏi sự minh bạch trong quản lý chi NSNN nói chung và quản lý chi thường xuyên nói riêng phải đạt được mục tiêu chuẩn hóa, chuyên nghiệp theo chuẩn mực.
Đối với tỉnh Nghệ An, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế; tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình hoạt động đối ngoại tỉnh Nghệ An năm 2016; nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và đề cương Đề án được phê duyệt theo Quyết định số 3103/QĐ-UBND ngày 12/7/2017 với các nội dung chính:
Hội nhập kinh tế quốc tế được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa với hội nhập trong các lĩnh vực khác. Lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm nhiệm vụ trọng tâm nhằm từng bước mở rộng thị trường đi đôi với nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp; tranh thủ tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tri thức, công nghệ, kỹ năng quản trị và các nguồn lực quan trọng khác, đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh Nghệ An đến năm 2025
Đảm bảo đồng bộ giữa đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, chủ động xử lý các vấn đề nảy sinh, giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả quá trình thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đa dạng về hình thức, phong phú về lĩnh vực với sự tham gia của nhiều chủ thể trên cơ sở khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng, hài hòa lợi ích các chủ thể có liên quan.
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 về việc “phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội miền tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020” với các nhiệm vụ chủ yếu:
Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, đất đai khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An nhằm thu hút đầu tư, tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến để góp phần tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, giải quyết việc làm và phân công lại lao động trên địa bàn.
Phát huy cao độ nội lực của miền Tây Nghệ An cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương và các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư để phát triển; tập trung nguồn lực để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Phát huy yếu tố con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao; có cơ chế khuyến khích phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là đội ngũ công chức, đội ngũ doanh nhân và người lao động.
Phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; bảo vệ môi trường sinh thái.
Về yêu cầu cải cách hành chính
Nhận thấy cải cách tài chính công và cải cách hành chính nhà nước có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, những biến động của bộ phận này luôn tác động kéo theo sự thay đổi của bộ phận kia. Do vậy, cải cách tài chính công phải đặt trong mối quan hệ tổng thể của chương trình cải cách hành chính nhà nước, phải đáp ứng được các yêu cầu của cải cách hành chính và hỗ trợ cho quá trình này. Đối với cải cách hành chính cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý; tăng cường phối hợp giữa các Cơ quan trong hoạt động quản lý nhà nước.
Dự án điển hình cái cách hành chính công trong việc quản lý NSNN là việc xây dựng hệ thống Thông tin tích hợp quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS - Treasury and Budget Managemet Information System) và vẫn đang được sử dụng tới nay để hỗ trợ quá trình ngân sách, kiểm soát, giám sát và các cấp chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, các hệ thống phục vụ theo dõi công tác chấp hành, dự toán tại các địa phương được Bộ Tài chính xây dựng nhằm mục tiêu cải cách hành chính trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Bộ Tài chính đã xây dựng chương trình Kho thu chi ngân sách nhà nước hỗ trợ việc quản lý ngân sách tại Trung ương lẫn địa phương và đồng thời đẩy nhanh việc điều hành trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Về yêu cầu công khai ngân sách
Công tác công khai ngân sách đang dần được hoàn thiện trong các quy định, văn bản hướng dẫn. Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 343/QĐ-BTC ngày 30/12/2016 hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách nhằm mục tiêu kiểm soát các hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước đồng thời đảm bảo được dự toán ngân sách đưa ra sát với thực tế. Mức độ công khai ngân sách nhà nước của cả 63 tỉnh thành tính tới năm 2019 đã được cải thiện và chỉ còn 9 tỉnh có mức độ công khai thấp với POBI (chỉ số công khai ngân sách) dưới 25 điểm.
Tỉnh Nghệ An năm 2018 chỉ đạt 47,42 điểm POBI xếp hạng 42 trong số 63 tỉnh thành. Để có thể nâng chỉ số công khai ngân sách, việc cải thiện công tác quản lý ngân sách đòi hỏi tuân thủ nghiêm túc từ khâu dự toán, chấp hành và quyết toán.
Về yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng đã và đang là mối quan tâm thường trực của mọi nhà, mọi tổ chức, quốc gia và nhân loại. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với chi ngân sách nhà nước, lãng phí thể hiện ở việc sử dụng quá mức chi thường xuyên NSNN như tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm nước ngoài mặc dù không thực sự cần thiết; tổ chức nhiều lễ hội, lễ khởi công, khánh thành các công trình không quá quan trọng; kinh phí dành cho tiếp khách quá nhiều;…
Đối với tỉnh Nghệ An, việc thực hiện yêu cầu tiết kiệm, phòng chống lãng phí được đề ra gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm tại Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2017 – 2020 trong đó đẩy mạnh tập trung vào quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Do đó, Tỉnh đã ban hành các văn bản quy định về các chế độ, định mức chi thường xuyên NSNN như sau:
Tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 27/2016/NQ-HĐND về việc “quy định một số chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An” ngày 4/8/2016 để đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm gồm các khoản chi: Chi phục vụ kỳ họp HĐND; Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị; Chi hoạt động giám sát, khảo sát; Chi hoạt động tiếp xúc cử tri; Chi tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo; Chi phụ cấp đại biểu HĐND kiêm nhiệm; Chi hỗ trợ đối với đại biểu HĐND các cấp; Chi công tác phí và xăng xe; Một số chế độ chi khác phục vụ hoạt động của HĐND các cấp.
Tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 về việc “ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách địa phương năm 2017, ổn định đến năm 2020”. Mục
tiêu của các điều chỉnh trong nguyên tắc, tiêu chí và định mức nhằm hệ thống hóa, đồng bộ các chế độ định mức trên cơ sở các quy định của Trung ương, địa phương đã có, tránh việc lãng phí và chi sai mục đích.
4.1.2. Mục tiêu của tỉnh Nghệ An đối với quản lý chi thường xuyên NSNN trong thời gian tới
Bám sát định hướng và mục tiêu chung của Chính phủ; trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng và mục tiêu của tỉnh bằng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách đến năm 2015 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy việc quản lý CTX NSNN phải luôn luôn không ngừng cải cách đổi mới nhằm góp phần tạo nên một cấp ngân sách địa phương để phát triển nền kinh tế - xã hội phấn đấu đạt được những mục tiêu và định hướng đã đề ra.
Do đó, việc đổi mới quản lý CTX NSNN nói riêng phải gắn liền với quản lý NSNN đảm bảo các mục tiêu chủ yếu sau:
Một là, cải thiện cân đối ngân sách nhà nước, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay. Hàng năm sử dụng nguồn kết dư và phấn đấu tăng thu để trả nợ vay, không bố trí nội dung chi mới ngoài dự toán đã được HĐND tỉnh phê duyệt khi chưa trả nợ vay. Thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Hai là, thực hiện quản lý ngân sách theo mục tiêu phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ưu tiên trong việc cải thiện cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển những dự án sử dụng công nghệ mới, tiên tiến, đảm bảo về môi trường mà Tỉnh đã đề ra. Ưu tiên công tác phòng, chống lụt bão và quản lý đê điều, đảm bảo an toàn hệ thống đê, kè, cống và các công trình thủy lợi.
Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tập trung cho đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả đầu tư công nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án; xử lý nghiêm túc các dự án chậm triển khai.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tiền lương, giáo dục - đào tạo, y tế, dân số. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục - đào tạo cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách. Thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ.
Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp; UBND tỉnh với các cơ quan của Đảng, HĐND, các đoàn thể tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát đồng thời thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp đề ra.
Sáu là, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công khai minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, khoáng sản, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước và nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật; chú trọng xử lý sau thanh tra, kiểm tra, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bảy là, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật NSNN ở tất cả các cấp ngân sách và các đơn vị sử dụng ngân sách, trong tất cả các khâu từ xây dựng dự toán, phân bổ, phân cấp và điều hành quản lý đến việc thực hiện thanh toán, thanh tra, kiểm
tra, kiểm toán, quyết toán NSNN, đổi mới cơ cấu ngân sách nhằm tăng tính chủ động trong quản lý và sử dụng NSNN, thực hiện thu, chi ngân sách theo đúng quy định.