1.2. Cơ sở lý luận về quản lý chi thường xuyên NSNN cấp tỉnh
1.2.4. Các yếu tố ảnh hưởng quản lý chi thường xuyên cấp tỉnh
1.2.4.1. Yếu tố chủ quan
Một là năng lực của người lãnh đạo: công tác chỉ đạo, ra quyết định trong hoạt động ngân sách; đưa ra được các kế hoạch triển khai các công việc hợp lý, rõ ràng; tạo nên một cơ cấu tổ chức hợp lý, có hiệu quả, có sự phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn giữa các cán bộ, cũng như giữa các khâu, các bộ phận của bộ máy quản lý chi NSNN ở địa phương. Đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo trong công tác tổng hợp, xác định dự toán phù hợp, hợp lý để HĐND thẩm định và phê duyệt. Nếu lãnh đạo UBND, HĐND có chỉ đạo không phù hợp với thực tế sẽ làm giảm hiệu quả trong việc quản lý chi tiêu nguồn lực tài chính công, dễ gây ra tình trạng chi vượt quá thu, phân bổ chi thường xuyên không hợp lý; có thể dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí ngân sách, không thúc đẩy được sự phát triển của nền kinh tế, đảm bảo các vấn đề xã hội.
Hai là quy trình quản lý CTX: Các quy trình quản lý phải rõ ràng, không rườm rà và tránh sự chồng chéo về trách nhiệm, quyền hạn của các bộ phận. Đối với cấp tỉnh, các quy trình lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán đều thông qua Sở Tài chính nên số bước thực hiện phụ thuộc nhiều vào bộ máy tổ chức tại Sở Tài chính. Thời gian xử lý phụ thuộc vào số lượng các bước thực hiện trong quy trình. Thực tế, nếu quy trình có nhiều bước thực hiện, kiểm duyệt thì thời gian xử lý càng lâu nhưng tính chặt chẽ, chính xác của kết quả sẽ được đảm bảo và ngược lại. Chính vì vậy, quy trình quản lý cần phải có chọn lọc đối với từng trường hợp cụ thể để khi cần kiểm soát chặt thì qua nhiều cấp phê duyệt hoặc khi cần nhanh chóng thì giảm thiểu cấp phê duyệt.
1.2.4.2. Yếu tố khách quan
Một là điều kiện tự nhiên: Điều kiện tự nhiên là yếu tố khách quan quyết định đến hầu hết mọi hoạt động kinh tế - xã hội của một khu vực, địa phương. Ở mỗi khu vực, điều kiện tự nhiên là khác nhau nên cơ cấu kinh tế, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng và dân cư là khác nhau. Nếu điều kiện tự nhiên thuận lợi thì kinh tế phát triển,
nguồn thu NSNN dồi dào, việc chi NSNN đa dạng và rõ ràng hơn. Hầu hết các công trình, cơ sở giáo dục, y tế,… trọng điểm trong tỉnh đều chịu sự quản lý của cấp tỉnh do đó việc chịu ảnh hưởng từ điều kiện tự nhiên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý ngân sách cấp tỉnh. Nếu điều kiện tự nhiên khắc nghiêt thì kinh tế kém phát triển, mức sống người dân và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nguồn thu NSNN thấp và việc chi NSNN sẽ khó khăn do nhiều khoản mục phát sinh như xây dựng đê kè, phòng chống lụt bão, chi phí vận chuyển,… gây áp lực cho quản lý ngân sách cấp tỉnh.
Hai là yếu tố pháp luật: Do ràng buộc của những văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước chi phối hoạt động của các cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý chi thường xuyên. Quan trọng nhất kể đến chính là Luật NSNN sử dụng làm căn cứ để kiểm soát chi NSNN nói chung và chi thường xuyên nói riêng.
Ba là chế độ, tiêu chuẩn định mức chi NSNN: Hệ thống chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN là căn cứ quan trọng để xây dựng dự toán và là cơ sở không thể thiếu để KBNN kiểm soát các khoản chi tiêu từ NSNN. Để công tác kiểm soát chi có chất lượng cao thì hệ thống chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi phải đảm bảo tính chất sau: tính đầy đủ, nghĩa là nó phải bao quát hết tất cả các nội dung chi phát sinh trong thực tế thuộc tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; tính chính xác, nghĩa là phải phù hợp với tình hình thực tế; tính thống nhất, nghĩa là phải thống nhất giữa các ngành, các địa phương và các đơn vị sử dụng NSNN.
Bốn là quy trình của cán bộ kiểm soát chi tại Kho bạc nhà nước: Quy trình kiểm soát chi là nhân tố quan trọng tới chất lượng công tác kiểm soát chi. Nếu quy trình quá chặt chẽ thì thời gian xử lý hồ sơ, kiểm soát hồ sơ sẽ kéo dài dẫn đến chậm tiến độ dự án, công trình làm cho công tác giải ngân nguồn ngân sách gặp khó khăn; nếu quy trình quá lỏng thì có thể tạo ra nhiều kẽ hở về mặt pháp lý khiến chất lượng đầu ra giảm đáng kể. Vì vậy, quy trình kiểm soát chi phải đủ chặt chẽ để thời gian xử lý đủ nhanh và có độ linh hoạt trong quá trình thực hiện nhưng cũng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của Nhà nước.
Năm là năng lực, trình độ của cán bộ thực hiện nhiệm vụ chi tại đơn vị sử dụng ngân sách: Mỗi đơn vị sử dụng NS có tổ chức bộ máy và cán bộ riêng để thực hiện các chức năng của mình. Đa số các cán bộ của các đơn vị sử dụng ngân sách cấp tỉnh đều được qua tuyển chọn và có trình độ chuyên môn tốt nhưng khối lượng công việc và trách nhiệm tương đối lớn. Hiệu quả xử lý công việc và khả năng chịu áp lực cán bộ có tác động rất lớn tới quản lý chi thường xuyên NSNN cấp tỉnh. Nếu cán bộ có hiểu biết, ý thức chấp hành theo đúng chế độ quy trình và đảm bảo công việc hiệu quả thì sẽ giúp công việc quản lý, điều hành ngân sách đạt được kết quả tốt.