Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng. Thông thường người ta phân rủi ro tín dụng thành ba nhóm: nguyên nhân thuộc về ngân hàng, nguyên nhân thuộc về người đi vay và nguyên nhân khác.
Nguyên nhân thuộc về ngân hàng:
Thứ nhất: sự yếu kém của đội ngũ cán bộ, sự yếu kém ở đây bao gồm cả về năng lực và đạo đức. Nếu một các bộ tín dụng non kém về trình độ, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm thì sẽ không có khả năng thẩm định và xử lý thông tin, đánh giá khách hàng thiếu chính xác, mức vay, lãi suất và kỳ hạn không phù hợp, dẫn đến chất lượng tín dụng thấp, rủi ro cao. Ngoài ra, nếu cán bộ tín dụng không tuân theo đúng quy trình tín dụng như giải ngân trước khi hoàn thành chứng từ hay không giám sát kiểm tra việc sử dụng vốn của người vay, thì việc mất vốn rất dễ xảy ra. Hơn nữa, cán bộ tín dụng mà phẩm chất đạo đức kém, không có tin thần trách nhiệm, dễ bị cám dỗ thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngân hàng bằng cách cho vay chỉ
dựa trên mối quan hệ với khách hàng, dựa trên những lợi ích cá nhân mà bỏ qua nhưng điều kiện và thủ tục cần thiết.
Thứ hai: sự giám sát của các cấp quản lý trong ngân hàng là thiếu sát sao. Cán bộ tín dụng cần có sự phê duyệt của lãnh đạo trước khi giải ngân. Vậy nếu cấp trên không có sự kiểm tra, đánh giá xem quyết định của cán bộ đã thực sự chính xác chưa thì nguy cơ rủi ro tín dụng sẽ rất là cao. Hơn nữa, sau khi giải ngân rồi cán bộ tín dụng vẫn phải tiếp tục theo dõi khách hàng để sớm phát hiện ra các dấu hiệu của những khoản nợ có vấn đề. Tuy nhiên, việc theo dõi này của nhiều cán bộ chỉ mang tính hình thức. Do vây, nếu các cấp quản lý không có sự giám sát với cán bộ tín dụng, hoạt động của các cán bộ tín dụng không hiệu quả, thậm chí dẫn đến những sai phạm đạo đức trong cho vay và thu nợ. Ngoài ra, các cơ quan cấp trên không quan tâm đến thực trạng tín dụng của ngân hàng thì sẽ không có những chỉ đạo kịp thời để ngăn ngừa và xử lý những rủi ro xảy ra.
Thứ ba: ngân hàng chưa đa dạng hóa các danh mục đầu tư. Một công cụ luôn được nhắc đến trong quản trị tín dụng ở tất cả các ngân hàng trên thế giới là quản trị danh mục đầu tư. Quản trị danh mục làm cân đối và kiềm chế rủi ro bằng cách nhận dạng, dự báo và kiểm soát mức độ rủi ro của từng thị trường, khách hàng, loại sản phẩm tín dụng và điều kiện hoạt khác nhau. Nhiều chuyên gia ngân hàng tin rằng đa dạng hóa là giải pháp phòng ngừa rủi ro tín dụng hữu hiệu nhất. Mặc dù hiểu rõ được tầm quan trọng của đa dạng hóa danh mục đầu tư, song rất nhiều ngân hàng chỉ cho vay một hoặc hai ngành hoặc chỉ cho vay một vài doanh nghiệp lớn, nhóm kinh doanh đơn lẻ. Một danh mục đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào một ngành hoặc một một loại mặt hàng là rất nguy hiểm vì không có ngành nào là không có rủi ro.
Thứ tư: định giá khoản vay không theo mức độ rủi ro của khách hàng. Về cơ cấu, lãi suất cho một khoản vay phải được xác định ở mức độ đảm bảo bù đắp được chi phí vốn đầu vào, chi phí quản lý, phần lợi nhuận mong muốn và phần bù đắp rủi ro của khoản vay. Khách hàng được đánh giá ở mức độ rủi ro cao, phần bù rủi ro càng lớn. Nhưng vì cạnh tranh nên một số ngân hàng có thể chấp nhận mức cho vay thấp, thậm chí chi đủ chi phí đầu vào và chi phí quản lý doanh nghiệp, không tính
đến phần bù rủi ro. Việc làm đó trong dài hạn không những làm giảm lợi nhuận và còn tăng tính rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Thứ năm: do ngân hàng không giải quyết hợp lý quan hệ giữa nguồn vốn huy động và nguồn vốn sử dụng, ngân hàng dự trữ vốn quá ít so với nhu cầu bảo đảm thanh toán từ đó sẽ dẫn đến mât khả năng thanh toán nếu khách hàng có nhu cầu rút vốn nhiều hoặc ngân hàng dự trữ vốn quá nhiều, gây ứ đọng vốn, lãng phí trong sử dụng vốn.
Nguyên nhân thuộc về người vay:
Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới rủi ro tín dụng, có thể chia nhóm này thành hai nhóm chính:
Thứ nhất: do khách hàng kinh doanh thua lỗ nên mất khả năng trả nợ. Trường hợp này rất phổ biến do khách hàng có trình độ yếu kém trong dự đoán về các vấn đề kinh tế, yếu kém trong năng lực quản lý, sử dụng vốn sai mục đích, sản phẩm chất lượng thấp không bán được… Hơn nữa có rất nhiều người vay sẵn sàng lao vào những cơ hội kinh doanh mạo hiểm với kỳ vọng thu được lợi nhuận cao, mà không tính toán kỹ hoặc không có khả năng tính toán những bất trắc có thể xảy ra nên khả năng xảy ra tổn thất với ngân hàng là rất lớn.
Thứ hai: do khách hàng cố tình chiếm dụng vốn của ngân hàng. Để đạt được mục đích thu được lợi nhuận, nhiều khách hàng sẵn sàng tìm mọi thủ đoạn để ứng phó với ngân hàng như mua chuộc hoặc cung cấp cáo tài chính sai lệch. Trong trường hợp này nếu không phát hiện ra, ngân hàng sẽ đánh giá sai về khả năng tài chính của khách hàng và cho vay vốn với khối lượng và thời hạn không hợp lý, dẫn đến rủi ro tiềm ẩn là rất cao. Ngoài ra, cũng có những trường hợp người kinh doanh có lãi song vẫn không trả nợ cho ngân hàng đúng hạn mà cố tình kéo dài với ý định không trả nợ hoặc tiếp tục sử dụng vốn càng lâu càng tốt.
Nguyên nhân khác:
Thứ nhất:chất lượng thông tin chưa cao. Các thông tin mà ngân hàng thu thập thường liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính của khách hàng, tình hình kinh tế xã hội, cạnh tranh trên thị trường, sau đó dựa vào các
thông tin thu thập được để cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải lúc nào các thông tin ngân hàng thu thập được đều có tính chính xác, đầy đủ và kịp thời. Do vậy, nếu hệ thống thông tin tín dụng của ngân hàng hoạt động không hiệu quả, cập nhận được những thông tin đáng tin cậy thì tất yếu dẫn đến việc ngân hàng thất thoát vốn khi cho vay.
Thứ hai: Những biến động kinh tế không dự báo trước được. Khi nền kinh tế ổn định, tăng trưởng lành mạnh thì nhu cầu đầu tư trong xã hội có xu hướng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, khi xuất hiện những biến động kinh tế như lạm phát, gia tăng một số mặt hàng nào đó làm ảnh hưởng đến một nhóm ngành thì rủi ro tín dụng đối với ngân hàng là rất lớn. Nhiều người vay có thể thích ứng và vượt qua khó khăn đó, nhưng cũng rất nhiều người bị đình trệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ nên khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng là không được đảm bảo. Còn đối với các cá nhân vay vốn sẽ bị thất nghiệp, thu nhập giảm sút nên cũng khó có khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Thứ ba: Sự thay đổi trong các chính sách kính tế, pháp luật. Sự thiếu nhất quán trong các chính sách kinh tế pháp luật cũng gây ảnh hưởng tới ngân hàng cũng như các doanh nghiệp có sử dụng vốn vay ngân hàng. Hoạt động kinh doanh sẽ không ổn định khi có những thay đổi trong quy định về thuế, vốn... hoạt động của ngân hàng cũng bị tác động bởi nhiều văn bản pháp luật về tài sản đảm bảo, dự trữ, trích lập,…như vậy các chính sách kinh tế, pháp luật không hoàn chỉnh cũng gây ra khó khăn cho doanh nghiệp về khả năng trả nợ cũng như đe dọa đến sự an toàn của ngân hàng cho vay.