1.2 .Cuộc đời và văn nghiệp Lê VănThảo
1.2.2 .Văn nghiệp
1.3. Hành trình sáng tác và quan niệm nghệ thuật của Lê VănThảo
1.3.1. Hành trình sáng tác.
Lê Văn Thảo tên khai sinh là Dương Ngọc Huy. Ông sinh ngày 01/10/1939 tại Long An. Khi Lê Văn Thảo đang học năm thứ ba ban Toán – Lý, trường Đai Học Khoa Học Sài Gòn, chàng sinh viên Dương Ngọc Huy cũng như bao thanh niên khác nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã tạm gác bút nghiên, cuộc sống sung sướng nơi phồn hoa đô hội, cùng người em trai là nhà văn Lê Văn Duy lên rừng tham gia cách mạng theo truyền thống gia đình. Lúc đầu, Lê Văn Thảo không nghĩ mình lên rừng để trở thành nhà văn. Nhưng chính trong những ngày ở chiến trường đạn bom ác liệt đã ươm mầm cho những sáng tác đầu tay và thôi thúc Lê Văn Thảo cầm bút viết. Chính môi trường ác liệt của chiến tranh mà Lê Văn Thảo đang phải chứng kiến và trải qua ấy đã giúp ông cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn nữa với cuộc đời. Lê Văn Thảo quan niệm “yêu nước,
chiến đấu không chỉ là cầm súng mà có thể cầm bút”. Những tác phẩm đầu tay là tập Bút kí chiến trường, những bài viết về những khó khăn, vất vả, mất mát của chiến tranh, những truyện ngắn về vùng quê Long An, Đồng Tháp Mười. Mặc dù những tác phẩm đầu tay của ông chưa thu hút được sự chú ý, chưa tạo được ấn tượng trong lòng bạn đọc nhưng càng về sau ông viết càng hay và đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng người tiếp nhận. Lê Văn Thảo là một trong ít những nhà văn của Nam Bộ có khả năng viết bền bỉ, dẻo dai, đều đặn ở các thời điểm. Ông luôn có thái độ cầu thị, tinh thần học tập từ những nhà văn thế hệ trước như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Thi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng... Đồng thời, ông cũng là người chịu khó đọc những sáng tác của những cây bút trẻ nhằm khuyến khích, động viên và tiếp thêm niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật của thế hệ các nhà văn trẻ. Trong cuộc nói chuyện với phóng viên, Lê Văn Thảo nhận xét về thế hệ nhà văn trẻ: “Tôi không đồng ý với nhiều người khi cho rằng văn chương trẻ hiện nay nhạt. Tôi thích văn của một số bạn. Văn chương của họ có nhiều nét mới. Thế hệ chúng tôi nhìn đời đau đáu, thế hệ bây giờ nhìn cuộc đời nhẹ nhàng và phóng khoáng hơn...” [61.tr.98]. Lê Văn Thảo cho rằng những cây bút như Trần Nhã Thụy, Đỗ Duy, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang...là những cây bút viết hết sức sâu sắc. Chính vì thế mà khi còn làm Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM, Lê Văn Thảo đã mời nhiều cây bút không phải là hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật TPHCM tham dự. Vì ông cho rằng: “Nhà văn là người viết có tác phẩm hay, có tâm huyết và có tài, không dứt khoát cứ phải vào hội mới là nhà văn...” [61.Tr.86]. Điều đó cho chúng ta thấy ông là nhà văn vừa có tâm lại vừa có tầm và có tấm lòng vị tha.
Lê Văn Thảo đã dành cả cuộc đời mình cho niềm đam mê văn chương nghệ thuật. Hơn 50 năm ông miệt mài lao động nghệ thuật, một thời gian đủ dài để khẳng định niềm đam mê, vị trí, tài năng của nhà văn Nam Bộ này trên văn đàn. Hành trình sáng tạo của Lê Văn Thảo có thể chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất từ trước năm 1975 - đến 1988: Giai đoạn sáng tác truyện ngắn.
Thời gian mới lên rừng, Lê Văn Thảo vừa tham gia kháng chiến vừa tập viết với thể loại bút kí ghi lại dấu ấn trên chiến trường, sau đó ông chuyển sang viết truyện ngắn. Tư tưởng sáng tác của nhà văn Lê Văn Thảo cũng cùng với dòng chảy văn học nước ta thời kì trước năm 1975 đó là văn học sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Hòa chung không khí chiến đấu của cả nước sôi sục đánh Mỹ, cũng như nhiêu tác giả khác, Lê Văn thảo đã viết về những con người sống và chiến đấu vì lí tưởng cao cả,vì cái chung của cộng đồng, của dân tộc. Chỉ với ba năm thôi (1965-1968) vừa chiến đấu, vừa cầm bút, Lê Văn Thảo đã cho ra đời tập truyện ngắu Đêm Tháp Mười do Nhà xuất bản Giải phóng ấn
hành năm 1972. Tuy là tập truyện đầu tay nhưng đã khẳng định được tài năng, tên tuổi của mình. Với lối viết tự nhiên, nhẹ nhàng, giản dị, Lê Văn Thảo đã cho chúng ta thấy khung cảnh chiến đấu ác liệt mà ở đó các nhân vật đều ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước. Tất cả các nhân vật đều hiện lên với những phẩm chất anh dũng, kiên cường, bất khuất ... điều đó thật đáng trân trọng và tự hào. Sau năm 1975, đất nước được độc lập, non sông thu về một mối, nhân dân được sống trong cảnh thanh bình, Lê Văn Thảo vẫn cần mẫn, miệt mài như con ong chăm chỉ viết và ngày càng có chiều sâu hơn. Vẫn giữ lối viết nhẹ nhàng giống như các truyện ngắn viết trước năm 1975 nhưng các tác phẩm giai đoạn này đi sâu vào khám phá, phản ánh hiện thực, cảm hứng thế sự đời tư. Đó là nỗi đau của những nạn nhân trong cuộc chiến đấu chống Mỹ. Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những vết thương mà nó để lại không dễ gì lành được. Bên cạnh đó còn là nỗi đau, niềm trăn trở, suy tư về những con người đã từng sống và chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc và cả những con người mang nỗi đau của thời bình. Nhìn chung, những sáng tác của Lê Văn Thảo trước năm 1988 đều miêu tả, phán ánh không khí của cuộc chiến đấu của dân tộc ta tuy đau thương nhưng cũng rất hào hùng.
Giai đoạn thứ hai từ sau năm 1988: giai đoạn sáng tác thành công của tiểu thuyết.
Như chúng ta đã biết, từ năm 1986, đất nước ta bắt tay vào công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang phát triển nền kinh
tế hàng hóa nhiều thành phần. Và văn học Việt Nam cũng với tinh thần đổi mới đã có nhiều thay đổi lớn về tư duy nghệ thuật. Nếu như giai đoạn 1945-1975 là giai đoạn văn học mang tính sử thi thì văn học sau năm 1986 có thể coi là văn học mang cảm hứng thế sự - đời tư. Đó là sự thay đổi mang tính tất yếu của cuộc sống hậu chiến luôn đặt ra những điều mới mẻ đòi hỏi các nhà văn phải tham gia phản ánh, xử lí theo cách riêng của mình. Các nhà văn phản ánh cuộc sống bằng khuynh hướng nhận thức lại hiện thực và cảm hứng phê phán trên tinh thần nhân bản. Nhiều góc khuất của cuộc sống đã được các nhà văn đi sâu vào phản ánh, phanh phui. Hòa chung không khí rộn ràng của đổi mới văn học, Lê Văn Thảo là một trong những nhà văn trẻ nhiệt tình đi khơi dòng cảm xúc mới. Ông đã tìm được cho mình hướng đi riêng để khẳng định tài năng của mình trên văn đàn cũng như trong lòng đọc giả. Nếu như một số nhà văn khác thích khai thác về những vấn đề mang tầm cỡ lớn lao, về quốc tế dân sinh thì Lê Văn Thảo không tập trung đi vào khai thác những đề tài lớn lao “mang tầm cỡ thời đại”, những vấn đề kinh tế, chính trị mà ông chỉ viết về những điều hết sức bình thường, giản dị, gần gũi. Truyện ngắn của Lê Văn Thảo không cốt hành văn mà chủ yếu nói về tính cách, tâm trạng con người, đặc biệt là người dân Nam Bộ. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của ông đều là những con người bình thường, những thân phận hẩm hiu, cô độc, bất hạnh, những người dưới đáy xã hội. Có thể nhận thấy rõ điều này trong các truyện ngắn Thằng Cung, Cô gái đến từ của sau, Đứa cháu
gái, Anh cà kheo ghé qua làng, Bốn cô gái trong đêm giao thừa... Qua các truyện
đó, ta có thể thấy phong cách viết truyện ngắn của Lê Văn Thảo. Ông viết từ sự thôi thúc của bản thân, từ những rung cảm trong lòng, viết bằng cả trái tim, khối óc hướng về con người, nâng niu trân trọng con người. Mặc dù giai đoạn này hình ảnh người lính vẫn được phản ánh và xuất hiện nhiều trên trang viết của ông nhưng với tất cả đều hiện lên với hiện thực phức tạp vốn có của cuộc sống. Điều đó đã tạo nên sự khác biệt về phong cách nhà văn Lê Văn Thảo không pha lẫn với nhà văn khác.
Trong cuộc đời cầm bút sáng tạo nghệ thuật của mình, Lê văn Thảo sáng tác khá đa dạng, từ kí, truyện ngắn, đến tiểu thuyết. Nhưng bạn đọc biết đến ông
trước hết là tác giả của những truyện ngắn. Có thể nói, Lê Văn Thảo được xem là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học đương đại Viêt Nam. Bên cạnh đó, thể loại tiểu thuyết cũng đem lại rất nhiều thành công và giải thưởng lớn có giá trị: Một ngày và một đời đạt giải A của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1997, Cơn giông đạt giải B của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2003, Năm 2006 ông được nhận giải thưởng văn học Đông Nam Á với tác phẩm Cơn giông (2002):
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuât : Tiểu thuyết Một ngày và một đời
(1997) và Tiểu thuyết Cơn giông (2002), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học
nghệ thuật năm 2012 trao tặng cho cuốn tiểu thuyết Con đường xuyên rừng (1994-2010) và Tuyển tập truyện ngắn Lê Văn Thảo. Để đạt được những giải
thưởng văn học nghệ thuật cao quý trên, đòi hỏi nhà văn ấy phải có tài năng và phong cách riêng của mình và Lê Văn Thảo đã khẳng định được điều đó. Ông viết từ sự rung cảm, đòi hỏi, thôi thúc của bản thân, viết bằng cả tấm lòng trân trọng, nâng niu, đồng cảm với mọi cảnh đời. Có thể nói, Lê Văn Thảo là nhà văn sáng tác bền bỉ. Tên tuổi của ông không gây xôn xao trên văn đàn như một số cây bút từng trải như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn minh Châu... và còn có nhiều cây bút tự sự mới xuất sắc như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hòa Vang, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Bùi Hoằng Vị, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần… Nhưng ngòi bút của ông vẫn đều đặn viết, và viết càng ngày càng hay, lặng lẽ viết, lặng lẽ xuất bản tác phẩm mới mà tác phẩm nào cũng có giá trị văn học nhất định. Bởi ông đã vận dụng tốt lối viết nhẹ nhàng, dung dị để phản ánh hiện thực đa diện, nhiều chiều, phức tạp. Những vấn đề ông viết tuy giản dị nhưng ẩn sau đó là những bài học về cách làm người , giáo dục con người dù sống trong môi trường nào, hoàn cảnh nào thì cũng luôn hướng tới cái Chân - Thiện –Mĩ. Đề tài mà nhà văn Lê Văn Thảo khai thác theo góc nhìn đời tư của những người bình dân nhưng đều có nhân cách cao đẹp. Mặc dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hi (77 tuổi) rồi, lại cộng thêm bệnh căn bện ung thư quái ác với những cơn đau vật vã luôn hành hạ thực thân xác, nhưng Lê Văn Thảo vẫn đọc, vẫn nghĩ và vẫn viết.
Có thể nói, những sáng tác của Lê Văn Thảo sau năm 1988 đã thực sự đi sâu hơn vào hiện thực của cuộc sống và phản ánh hết sức phong phú dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Lê Văn Thảo lặng lẽ quan sát cuộc sống một cách tỉ mỉ rồi trầm tư, day dứt trước sự đổi thay của con người và hiện thực. Qua các tác phẩm của ông, người đọc đều cảm nhận được ở đó là một tấm lòng hồn hậu luôn hướng con người đến những tình cảm tốt đẹp nhất đó là sự bao dung, độ lượng, nhân ái, giàu đức hi sinh.
Giữa sự rộn ràng của làng văn học, Lê Văn Thảo chọn cho mình lối viết nhẹ nhàng, dung dị để phản ánh hiện thực của cuộc sống. Dù trước hay sau năm 1975, Lê Văn Thảo vẫn cố gắng viết bằng sự tâm đắc và niềm say mê như chính ông từng tâm sự: “Chúng ta viết vì những thôi thúc bên trong vì chính cuộc sống người đồng bằng của chúng ta” [61.Tr.109]. Như vậy, hành trình sáng tạo của Lê Văn Thảo là một cuộc hành trình kiên trì và bền bỉ luôn vượt qua những khó khăn của mọi hoàn cảnh để sáng tác.