1.3.2 .Quan niệm nghệ thuật
2.2. Nhân vật
2.2.3. Phương thức xây dựng hình tượng người phụ nữ và những con ngườ
Một phương diện văn chương khác mà nhà văn Lê Văn Thảo cũng rất thành công đó là xây dựng hình tượng người phụ nữ với thân phận khốn khổ và có nỗi đau riêng. Chúng ta có thể bắt gặp những câu chuyện đó trong các truyện ngắn như Người viết thư thuê; Bà nội tôi; Cô áo hồng, cô áo tím; Người đàn bà
khóc; Bốn bức thư; Đứa cháu gái; Chuyến xe giữa trưa mát dịu... đều là những câu
chuyện thể hiện niềm trắc ẩn của nhà văn về số phận người phụ nữ. Các truyện ngắn này không chỉ là những chuyện kể đơn thuần về người phụ nữ mà còn thể hiện cái nhìn đồng cảm và yêu thương của nhà văn về số phận của họ. Người phụ nữ phải tự đánh lừa chính mình trước những vinh hoa phù phiếm của Thu Nga trong truyện Cô áo hồng, cô áo tím, hoặc nỗi đau vì bị phụ tình của Tuyết trong truyện Người đàn bà khóc khi chị đã khái quát một điều thật cay đắng: “Thôi đành vậy thôi, mấy anh mặc sức bay nhảy, đàn bà chúng tôi chỉ biết chờ đợi. Vẫn biết anh ấy đi đánh giặc chịu nhiều gian khổ, nhưng tôi vẫn cảm giác bị bỏ rơi,
thành gái già, mặc dù chưa đến hai mươi” [75.Tr. 308]. Hay trong truyện ngắn
Bốn cô gái trong đêm giao thừa lại kể về cuộc sống của nhóm bạn gái có bốn cô:
Hà, Hạnh, Huyền, Nhi. Bốn cô gái bốn sắc màu khác nhau nhưng đều có chung một cảnh ngộ đó là nghèo khó, cơ cực, bất hạnh. Hà là người lớn tuổi nhất nhưng cũng chịu nhiều mất mát đau thương nhất. Cô mồ côi từ nhỏ, lớn lên ở trại tế bần, không biết nơi chôn rau cắt rốn của mình ở đâu, đến ngay cả tên cha mẹ cô cũng không biết. Lớn lên, hạnh phúc chưa mỉm cười với Hà thì những bất hạnh khác lại liên tiếp đổ ập xuống cuộc đời cô. Hà yêu T, hai người ăn ở với nhau rồi Hà có thai. Người yêu đi nghĩa vụ cái thai trong bụng phải bị phá. Khi nghe tin người yêu hi sinh, Hà khóc nấc lên liên hồi: “Anh T chết rồi, con em cũng chết, em sống với ai?” [75.Tr. 305]. Đọc tác phẩm này tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé có số phận đau khổ, bất hạnh đến tột cùng. Đó là những con người mà ở họ những khát vọng sống cao đẹp luôn bị dập vùi trong khổ đau. Người con gái truyện Chuyến xe giữa trưa mát dịu cũng cho ta thấy những bất hạnh mà cô phải đối diện, tương lai không biết sẽ như thế nào. Cả một chặng đường dài của chuyến xe từ miền Tây về thành phố, nhân vật tôi chứng kiến cảnh cô gái luôn sợ sệt, ngồi nép vào một góc ghế còn gã thanh niên ngồi bên liên tục chì chiết, có lúc thì mỉa mai, châm chọc rồi quát nạt. Cô gái luôn mang tâm trạng lo lắng, sợ hãi không biết cuộc đời mình sẽ ra sao đây? Liệu có hơn ở quê không? Hay lại rơi vào những cạm bẫy mà một số cô gái nhà quê lên thành phố hay mắc phải như gã thanh niên vừa mới nói. Nhưng tại sao cô gái ấy lại phải chịu cảnh như vây?. Hỏi ra mới biết cô gái bị gia đình ép gả, gán nợ cho một tay đầu gấu. Cô gái không đồng ý nên đã bỏ nhà vào rừng thấy có cái chòi sửa lại ở tạm, sau đó tìm được chùa nào thì cô sẽ xuống tóc đi tu. Để chạy trốn tên đầu gấu mà người nhà ép gả, cô xin theo gã thanh niên lên thành phố để đi làm thuê. Trên đường về thành phố, gã thanh niên liên tục gọi điện nhờ mọi người quen để xin việc làm cho cô gái nhưng kết quả là không một ai có thể giúp được cho cô gái. Vì vậy gã lo lắng cho cô gái nhà quê hiền lành, thật thà, tốt bụng kia có thể sẽ gặp nhiều tai ương sóng gió, bất hạnh nữa. Sau những phút giây suy nghĩ, không còn cách nào khác, gã thanh niên đành phải bắt xe cho cô gái về miền Tây. “Nhưng cô không chịu đi,
ngồi xổm xuống bãi rác. Thế là gã nổi khùng đấm đá liên hồi, cho đến lúc cô gái gục xuống. Gã xô cô gái vào xe đóng của lại...” [75.Tr. 443]. Cánh cửa xe của truyện
Chuyến xe giữa trưa mát dịu của nhà văn Lê Văn Thảo đã đóng lại nhưng lại mở
ra trong lòng người đọc biết bao day dứt, suy nghĩ về cuộc đời cô gái ấy sẽ ra sao khi cô lai phải quay về?.
Ngòi bút của Lê Văn Thảo thật dịu dàng và nhân hậu, trân trọng khi viết về người phụ nữ Việt nam. Vì thế, chúng ta có thể thấy các nhân vật của Lê Văn Thảo mặc dù gặp nhiều ngang trái khổ đau như thế nào thì vẫn ngời lên sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan vào cuộc sống. Cách miêu tả của Lê Văn Thảo dành cho thân phận người phụ nữ thường có điểm chung là cuộc đời cơ cực. Họ khổ theo nhiều cách khác nhau, có thể là vì cơm áo gạo tiền, vì tình yêu hoặc vì thân phận thấp cổ bé họng. Nhưng tựu chung lại, họ đều có nghị lực sống bền bỉ và đầy lạc quan, như quan điểm sống của bốn cô gái trong truyện ngắn Bốn cô gái trong đêm giao thừa “Nói chung là cực, cả bốn sắc màu cùng than thở một giọng. Nhưng họ lại lạc quan nói thêm rằng họ đang đi tìm tương lai, và nếu có thể, tìm chồng luôn.” [75.Tr.298].
Nếu so sánh với cách xây dựng hình tượng phụ nữ trong tiến trình phát
triển của văn học Việt Nam từ thời truyện Kiều đến phụ nữ thời đại nữ quyền, thân phận người phụ nữ trong truyện ngắn Lê Văn Thảo khá “mờ nhạt”. Họ không có vẻ kiêu sa kiều diễm, ước lệ xưa để rồi “hồng nhan bạc phận” như Thúy Kiều hay có một cuộc đời gai góc, mạnh mẽ như truyện ngắn của Vi Thùy Linh. Họ là những người phụ nữ hết mực bình thường, bé nhỏ. Thế nhưng, điểm mờ nhạt ở đây lại là cái hay trong đặc trưng sáng tác của nhà văn. Người phụ nữ trong các tác phẩm của ông luôn hiện lên với một cuộc đời mờ nhạt, không có điểm nhấn kịch tính hay cá tính nổi trội. Họ luôn xuất hiện với dáng vẻ đau thương vốn dĩ cùng với một “lí lịch trích ngang” không có nhiều biến cố. Dường như họ rất yếu đuối, chỉ với một vết thương lòng có thể khiến họ đau xót cả đời như sự cô độc của người con gái truyện Chuyến xe giữa trưa mát dịu hoặc nỗi đau đáu vì bị phụ tình trong truyện Người đàn bà khóc. Điểm độc đáo này trong phong cách viết của Lê Văn Thảo lại là điểm giao thoa ý tưởng với nhà văn Xuân
Diệu, mà đơn cử là câu chuyện trong truyện ngắn Tỏa nhị Kiều.Trên đời này, cái đáng sợ nhất cho mỗi đời người không phải là cái nghèo hay cái khổ, mà chính là sự nhạt nhòa vô vị của cuộc sống. Sống mà không có lấy một cái gì để chờ đợi và hi vọng, để yêu thương và giận hờn, đỡ khổ đau và hạnh phúc, sống như vậy sao có thể gọi là sống. Đó là tâm trạng của thân phận người phụ nữ nhỏ bé, sống cuộc đời nhàn nhạt trong truyện ngắn của Xuân Diệu. Cuộc sống của họ cứ thế trôi đi với nỗi đau tự họ gánh chịu và dằn xé trong tâm khảm. Thế nhưng, Lê Văn Thảo với góc nhìn mới của mình, ông trao cho họ cái quyền được tha thiết sống, tràn trề niềm tin và hi vọng. Ẩn chứa bên trong những người phụ nữ yếu đuối, mang đầy mặc cảm và tổn thương là sức sống mạnh mẽ và tinh thần lạc quan đáng trân trọng. Họ khổ, họ nghèo nhưng họ vẫn có ý chí. Đó chính là điểm khác biệt của nhà văn Lê Văn Thảo với các nhà văn khác khi cùng xây dựng hình tượng người phụ nữ.
Lê Văn Thảo thực sự còn là một nhà văn viết về thân phận con người bé nhỏ trong xã hội. Quả không ngoa khi đưa ông cùng đứng chung hành trình “nghệ thuật vị nhân sinh” với hàng loạt tác giả lớn như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng,.. chỉ khác biệt ở chỗ, Lê Văn Thảo đại diện cho tiếng nói của thân phận mới với những bi kịch mới, khắc khoải mới, hợp với suy nghĩ của đại bộ phận trí thức thành thị và gần gũi với chất liệu Nam Bộ. Đối với tác giả, “tình cảm phải xuất phát từ tấm lòng mới đáng quý” – cách nghĩ y hệt như bao người Nam Bộ chất phác, thẳng thắn, bộc trực, trọng tình nghĩa. Từ đó, ông gieo tấm lòng, cảm xúc mặn mà của mình vào trong nhân vật, để các nhân vật trong tác phẩm cũng đủ đầy cung bậc tình cảm mãnh liệt: niềm hi vọng vào tương lai, nỗi đau khắc khoải trước mất mát tình thương hay tình yêu mạnh mẽ giữa người và người. Thực sự, trong các sáng tác của mình, Lê Văn Thảo đã nâng cao triết lí “con người sống để yêu thương” và khắc họa các nhân vật đậm chất Nam Bộ giàu lòng yêu thương bằng ngọn lửa tin yêu, lạc quan trong chính tâm hồn. Như trong truyện ngắn Hai người cha ta không thể nào quên được hình ảnh cậu con trai mới lên tám tuổi, mẹ bị bệnh chết, người cha là bộ đội đang đi chiến đấu. Em phải tự đi làm thuê kiếm sống. Trong lời kể nghẹn ngào của em với Tám Khoa - người mà em tưởng là cha: “Con cực lắm! Má chết rồi bà chủ rẫy thương tình
vẫn cho con ở nhưng bắt con phải tưới rẫy. Con mới tám tuổi, xách nước ì ạch lật đổ hoài, bị bà la mắng. Con tủi thân một hôm trốn dưới ghe chở mía, nghe chở tuốt con về Cái Bát đổ lên một lò đường từ đó vác ép mía tới giờ” [75.Tr. 320]. Sự cô đơn của cậu bé chỉ mới lên tám tuổi, phải tự mưu sinh gánh gồng cuộc sống của mình. Nhưng niềm tin trong cậu bé không bao giờ biến mất. Nó như ngọn đuốc soi rọi cho hành trình quyết tâm đi tìm cha của cậu bé. Mở đầu truyện ngắn, câu hỏi tưởng chừng như ngô nghê của cậu bé khi gặp Tám Khoa – người cùng tên họ với cha mình“- Ba là ba của con phải không ?” [75.Tr. 319], đã khiến bao độc giả xúc động. Không phải là “Ông là ba của tôi phải không?” mà cậu bé đã gọi Tám Khoa với nhân xưng là “ba” – tiếng gọi thân thương đậm chất Nam Bộ. Nỗi cô đơn và quyết tâm của cậu bé lớn đến nhường nào khi tác giả đã để cậu bé gọi tiếng “ba” thân thương ngay lần đầu gặp mặt. Và trong cả cuộc đối thoại dài giữa Tám Khoa và cậu bé, tiếng “ba” cũng không ngớt đi, như thể cậu bé đã chắc nịch người đàn ông trước mặt cậu chính là người cha cậu đi tìm bấy lâu. Không giống như cô bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng từ chối nhận mặt ông Sáu, cậu bé trong Hai người cha đã muốn được gọi tiếng “ba” ấy từ rất lâu, từ khi cậu bỏ rẫy đi tìm cha. Đến khi bắt gặp người trùng tên với cha mình, từ đáy lòng cậu bé bộc phát thành tiếng gọi “Ba” rất tự nhiên và chân thật. Niềm khao khát tình phụ tử, nỗi nhớ người thân, máu mủ ruột rà đã khiến cậu bé vượt lên trên mọi hoàn cảnh để đi tìm cha.“Con biết ba thương con mà. Con cực lắm” [75.Tr. 321]. Cậu bé với tâm hồn trẻ thơ luôn miệng kể lể về tuổi thơ cơ cực của mình với Tám Khoa như thể muốn tìm đồng minh, muốn người ba mới ôm vào lòng mà vỗ về và che chở. Và khi Thanh – cậu bé năm nào lớn lên tìm được cha ruột, nhưng anh vẫn xem Tám Khoa là người cha thực sự. Thanh đã nói với cha ruột của mình mỗi lần cha anh nhắc kể sự thật cho Tám Khoa rằng “Để thủng thẳng ba à, gấp làm gì, hai ba đều thương con hết mà!” Tình người trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo đậm chất nhân văn là vậy. Tám Khoa nuôi đứa con của đồng đội đến khi nó trưởng thành. Ngày Thanh sắp cưới vợ, ông định kể cho con nghe sự thật ông thiệt không phải cha của Thanh nhưng cứ lần lữa.Và câu nói kết của người cha ruột “Thằng con của chúng mình tôi có công sanh thành anh có công nuôi dưỡng, mình chỉ cần lo đám cưới cho nó rồi nó sống cuộc đời của nó thôi" [75.Tr. 329] đã xóa bỏ mọi cắn rứt trong tâm tưởng của Tám Khoa, của Thanh và cả người cha ruột. Những nhân vật trong truyện ngắn của Lê Văn
Thảo dù nhỏ bé, bình dị nhưng lại mang tình cảm nhân văn sâu sắc. Ông không viết về những gì cao siêu mà ông chỉ viết về những điều bình thường, đơn giản của cuộc sống người dân Nam Bộ. Ông muốn hướng tới vẻ đẹp sâu thẳm nơi tâm hồn của mỗi người lao động, chất phác, thật thà mà cũng đầy nghị lực. Lê Văn Thảo đã từng chân thành tâm sự: “Trong truyện ngắn và tiểu thuyết của tôi số đông nhân vật thường là những con người bé nhỏ, bị hắt hủi, gặp nhiều bất hạnh ở đời. Và đề tài tôi hay khai thác bao giờ cũng là cái tâm, cái thiện ẩn náu phía trong những con người không may ấy. Tôi thích viết và tâm niệm viết phải như thế” [90]. Và nhân vật Thanh hay Tám Khoa cũng là những con người bé nhỏ, có phần bất hạnh trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo, khi Thanh là đứa trẻ mồ côi mẹ với tuổi thơ cơ cực, còn Tám Khoa lại là người lính cô đơn, vợ con chết ngay trước mặt ông, cả cuộc đời ông là chuỗi ngày dày vò vì nỗi đau mất mát ấy. Hai con người đi ra từ nỗi đau chiến tranh, để rồi sống cùng nhau, nương tựa vào nhau để sống cuộc đời có ý nghĩa. Ở đó, ta còn thấy tình yêu thương giữa người và người, tình phụ tử cao quý và tình đồng đội gắn bó như máu thịt. Tình huống truyện diễn ra đơn giản, không kịch tính hay gây cấn, nhân vật cũng rất đỗi nhỏ bé, bình thường nhưng qua cách viết của Lê Văn Thảo, các nhân vật bình thường trở nên vĩ đại, tình huống truyện cũng bỗng hóa xúc động. Đó chính là phong cách chiếm lĩnh đề tài sáng tác đặc trưng của nhà văn Lê Văn Thảo.
Những mảnh đời bé nhỏ, bình thường, có đôi phần bất hạnh, đáng thương đi vào tác phẩm của Lê Văn Thảo thật dung dị, nhẹ nhàng. Mỗi trang văn, ông đều muốn hướng tới vẻ đẹp sâu thẳm nơi tâm hồn của mỗi con người lao động chất phác, giản dị, đầy nghị lực. Đến với truyện ngắn của Lê Văn Thảo, người đọc như được bước vào một thế giới của tình thương yêu vô điều kiện, lòng tốt ở khắp mọi nơi, mọi lúc, đến đâu cũng bắt gặp những tâm hồn nhân hậu, nghĩa tình, cao đẹp. Qua đó thông điệp quan trọng nhất mà nhà văn gửi đến bạn đọc chính là tình yêu thương và niềm tin tuyệt đối vào bản chất tốt đẹp, sâu xa trong mỗi con người. Đọc Lê Văn Thảo, độc giả sẽ nhận thấy rằng, con người cần phải sống cao thượng, có trái tim rộng mở, biết ước mơ, và không ngừng vươn tới tương lai tươi đẹp.
Tiểu kết chương 2
Có thể nhận định Lê Văn Thảo đã thành công khi tạo dựng cho mình một phong cách riêng, “thương hiệu riêng”, không hòa lẫn với bất kì ai bởi phong cách chiếm lĩnh đề tài, xây dựng hình tượng nhân vật. Có thể nói, đề tài viết về con người thời chiến và hậu chiến là địa hạt văn chương mà Lê Văn Thảo thành công nhất. Tác giả đã dành tình cảm đặc biệt cho những người lính và nông dân Nam Bộ. Ông đã chắt chiu kinh nghiệm sống của mình trong những ngày kháng chiến để đưa vào các truyện ngắn hiện thực cuộc sống chiến tranh khốc liệt. Bằng phương thức xây dựng hình tượng nhân vật quen thuộc: đi từ điều đơn giản, nhỏ bé để truyền tải thông điệp và ý nghĩa nhân sinh vĩ đại, Lê Văn Thảo đã họa nên bức tranh về người lính không hề giống với bất cứ nhà văn nào. Đó là người lính