7. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Khái niệm cốt truyện
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “cốt truyện là hệ thống sự kiện cụ thể,
được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc loại tự sự và kịch” [28.Tr.88]. Như vậy, chúng ta có thể hiểu cốt truyện là một hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm nghệ thuật. Cốt truyện là đường dây liên kết các yếu tố khác để làm nên chỉnh thể một tác phẩm dựa trên sự sáng tạo riêng biệt của từng tác giả. Nhà văn là người sáng tác cốt
truyện và độc giả chính là người thưởng thức, đánh giá cốt truyện đó có hấp dẫn hay không.Với quan điểm "nghệ thuật là sự mô phỏng" Aristote cho rằng cốt truyện chính là "linh hồn và cơ sở của bi kịch", là cái quan trọng nhất tạo nên tổng thể một tác phẩm, đặc biệt là chất bi kịch. Đến L.I.Timofeep, ông cho cốt truyện chính là hệ thống biến cố mà suy cho cùng những biến cố đó phải phản ánh những mâu thuẫn và xung đột. Vấn đề là người nghệ sĩ phải lựa chọn những biến cố và quan hệ nào, lựa chọn xung đột nào tiêu biểu đối với hoàn cảnh sống của nhân vật, có khả năng khái quát hoá và điển hình nhất.
Cốt truyện không chỉ là sợi chỉ đỏ liên kết nội dung, nhân vật, đề tài, tư tưởng,… của một tác phẩm mà nó còn chi phối đường dây câu chuyện, quy định tính cách nhân vật. Cốt truyện còn quy định tính logic của một tác phẩm và ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của nhà văn nhằm khơi gợi tính tò mò trong độc giả. Vì thế có thể nói, cốt truyện là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Ví như truyện cổ tích thần kỳ Tấm Cám, Sọ Dừa với những tình tiết trong sáng, giản dị, dễ nhớ với cốt truyện ba phần: mào đầu, diễn biến và kết thúc. Đây được coi là cốt truyện căn bản nhất, đi theo thời gian tuyến tính và kịch tính xảy ra theo cái tiêu chuẩn “ở hiền gặp lành”, kẻ ác sẽ bị trừng trị. Song tính ổn định của các cốt truyện cơ bản này hiện nay đã bị phá vỡ ít nhiều. Một số nhà văn không còn đi theo cách viết cốt truyện tuyến tính nữa mà sáng tạo hơn, tạo ra nhiều kiểu cốt truyện đặc trưng cho phong cách viết riêng. Tuy cũng có có ba phần cốt truyện như trên nhưng họ có thể đảo trật tự các phần, đưa kết thúc lên trước và để nhân vật nhớ lại kể về câu chuyện đã qua. Một số nhà văn còn đặt ra nhiều cách kể chuyện không đầu không kết hoặc tối giản hết mức cốt truyện (điển hình là tập truyện cực ngắn “Lời tiên tri của giọt sương” – nhà văn Nhật Chiêu). Từ đó, các yếu tố liên quan tạo thành chỉnh thể tác phẩm như nhân vật, đề tài, chủ đề, nội dung tư tưởng,.. cũng được thay đổi dựa trên cốt truyện.