Phương thức trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn lê văn thảo (Trang 74 - 76)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1. Phương thức trần thuật

Nghệ thuật trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng làm lên nét độc đáo của tác phẩm và phong cách của mỗi nhà văn. Đây cũng được coi là phương thức cơ bản và quan trọng khẳng định phong cách của nhà văn. Nếu một nhà văn có khả năng viết tự sự tốt thì sẽ góp phần đưa người đọc tìm hiểu về cội nguồn bên trong tâm sự của mỗi tác giả. Mỗi nhà văn khi bắt tay vào viết truyện ngắn bao giờ cũng bắt đầu từ việc lựa chọn điểm nhìn, và theo đó là nhân vật người kể chuyện.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, trần thuật là “phương diện cơ bản

của phương thức tự sự, là giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của người trần thuật nhất định” [28.Tr.134]. “Trần thuật” là một thuật ngữ thuộc chuyên ngành Lí luận văn học. Trần thuật vừa là phương thức vừa là đặc trưng quan trọng không thế thiếu đối với loại tác phẩm tự sự.

Văn xuôi trong thời kì đổi mới đã đem lại nhiều biến đổi trong nghệ thuật trần thuật. Từ bỏ sự áp đặt một quan điểm được cho là đúng đắn nhất vì đó là quan điểm của cộng đồng, ngày nay người viết có thể đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, chính kiến khác nhau. Để làm được điều đó, cách tốt nhất là chuyển dịch điểm nhìn vào nhiều nhân vật để mỗi nhân vật có thể tự nói lên quan điểm, thái độ của mình và để cho các ý thức cùng có quyền phát ngôn, cùng đối thoại, sự

thay đổi vai kể, cách đưa truyện lồng trong truyện, sự đảo ngược và xen kẽ các tình tiết, sự việc không theo một trật tự thời gian duy nhất, tất cả những thủ pháp ấy đều nhằm tạo ra được hiệu quả nghệ thuật mới. Trong sự đa dạng về phương thức trần thuật, nhiều nhà văn lại ưa thích cách kể chuyện từ ngôi thứ nhất với vai kể là một nhà văn, nhà báo, một người chứng kiến, quan sát kể lại câu chuyện về người khác hoặc kể về chính mình. Trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo cách tân nghệ thuật trần thuật bằng sự sáng tạo kiểu “người kể chuyện không đáng tin cậy” rất khác với “người kể chuyện biết hết” khá phổ biến trong văn xuôi trước đây. Kiểu nhân vật kể chuyện biết hết sẽ rất phù hợp với văn xuôi sử thi, giống như người trần thuật vô hình mà biết hết mọi điều trong các tác phẩm sử thi cổ đại. Người trần thuật trong nhiều truyện ngắn của nhà văn Lê Văn Thảo thường công khai nói về sự không biết hết mọi điều do mình kể lại, thậm chí có khi còn đánh lạc hướng độc giả hoặc kể ra những điều nửa tin, nửa ngờ, loại nhân vật kể chuyện này thể hiện quan điểm phi sử thi, không muốn và không tin rằng người kể có thể áp đặt một quan điểm duy nhất lên mọi sự việc và cho mình luôn có cách nhìn đúng đắn nhất. Trong văn xuôi của Lê Văn Thảo nói chung và truyện ngắn nói riêng, ông thường sử dụng phương thức trần thuật từ nhân vật xưng tôi, ví như các truyện Thàng Cung, Bà nội tôi, Đứa cháu gái, Đi tìm chồng, Đêm Tháp Mười,

Anh cà kheo ghé qua làng,... Nhân vật tôi kể: “Bà nội tôi nuôi gà, nuôi heo, trâu có

ba đôi, chó mèo mặc sức sinh đẻ chạy nhảy trong nhà. Cảnh nhà bà nội tôi nói chung khang trang từ trước ra sau, chỉ trừ bà nội tôi lúc nào cũng lam lũ tất bật, quanh năm chỉ bộ đồ bà ba đen bạc phếch, tay áo xoăn tới khuỷu, quần xoăn tới gối, đầu trần chân đất suốt ngày lặn lội ngoài đồng. Bà nội tôi quán xuyến tất cả việc cầy, cấy, gặt, đập hơn mười mẫu ruộng...” [75.Tr.221]. Qua những hồi tưởng của nhân vật tôi, người đọc như chìm vào dòng cảm xúc miên man và sâu lắng về người bà, người mẹ cả đời tần tảo sớm hôm nuôi cháu, nuôi con và che chở cho cách mạng. Nhân vật bà nội là điển hình cho những người mẹ, những người phụ nữ Việt Nam đã âm thầm hi sinh và cống hiến: “Mẹ ki cóp từng đồng xu, chắt chiu từng hạt gạo, suốt đời tần tảo vất vả đến khô quắt cả hình hài để rồi nhắm mắt xuôi tay bỏ lại tất cả trên cõi trần. Những bà mẹ như vậy ngỡ như chẳng bao giờ

lo lắng gì đến đại sự, chẳng mảy may tác động đến lịch sử, nhưng nếu không có họ thì đã không có đất nước này, dân tộc này” [75.tr.225]. Hay trong truyện ngắn

Đêm Tháp Mười, Lê Văn Thảo để cho nhân vật tôi - người chiến sĩ cách mạng kể

về những ngày từng chiến đấu ở một vùng sông nước mênh mông. Nhân vật tôi kể lai: “Năm đó mùa mưa ở Tháp Mười kéo dài hơn mọi năm, gần cuối tháng mười mà trời vẫn còn mù mịt...”. Từ đây số phận những con người đi ra từ cuộc chiến dần được hé mở. Vượt lên trên những mất mát, những khó khăn của cuộc sống đời thường là bài học về tình đời, tình người trong cuộc sống. Với điểm nhìn trần thuật từ nhân vật xưng tôi đã tạo ra tính khách quan, chân thực trong từng trang viết của ông. Người đọc có cảm giác được sống cùng với nhân vật, với câu chuyện được kể. Cho nên, Lê Văn Thảo chinh phục nhiều thế hệ bạn đọc bằng lối kể tự nhiên và nhẹ nhàng. Hầu như không thấy sự gắng gượng hay dàn dựng nào trong tác phẩm của ông. Bằng lối kể dung dị, Lê Văn Thảo đã đánh thức những rung động rất nhẹ nhưng cũng rất đằm sâu ở người đọc, mở ra chiều sâu của cái đẹp ẩn giấu sau những điều ngỡ bình thường, đơn giản. Mỗi câu chuyện là một bài ca ngọt ngào về tình yêu con người và cuộc sống, để lại ấn tượng sâu đậm trong kí ức bạn đọc. Lê văn Thảo kể chuyện cứ như không, cứ như ông đang ngồi trước mặt người đọc mà kể lại bằng giọng Nam Bộ đặc trưng của ông về những câu chuyện ông trông thấy, nghe thấy. Truyện ngắn của ông ít có dấu vết của sự dụng công, mà nhân vật cứ hiện lên rõ nét, bất ngờ. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần khẳng định phong cách riêng của nhà văn Lê Văn Thảo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn lê văn thảo (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)