1.3.2 .Quan niệm nghệ thuật
2.2. Nhân vật
2.2.1. Phương thức xây dựng hình tượng nhân vật người lính trong chiến
tranh và thời hậu chiến.
Trong cuộc sống cũng như trong văn học nghệ thuật, hình ảnh người lính cầm súng bảo vệ quê hương, Tổ quốc bao giờ cũng chiếm vị trí quan trọng nhất trong tâm hồn quần chúng nhân dân và trong trái tim của các nhà văn, nhà thơ. Đó không chỉ là hình tượng nghệ thuật tiêu biểu trong nhiều tác phẩm mà còn là biểu tượng đẹp nhất của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ đều có mặt ở những nơi hòn tên mũi đạn của chiến trường để kịp thời ghi lại một cách chân thực và sinh động hiện thực chiến đấu của người lính. Hình ảnh người lính, người chiến sĩ Giải phóng quân miền Nam thời đánh
Mỹ đã được phản ánh khá rõ nét với những vẻ đẹp khác nhau. Tiêu biểu có những tác phẩm: Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Rừng động (Mạc Phi), Trên
quê hương anh hùng Điện Ngọc (Nguyễn Trung Thành), Mãi mãi tuổi hai mươi (Nguyễn Văn Thạc), Hai người lính (Lê Văn Thảo), Họp mặt trung đoàn (Lê
Văn Thảo),….với những cảm hứng hào sảng, mang đậm màu sắc sử thi anh hùng ca lãng mạn, hình tượng trung tâm là những người lính trẻ. Ở các anh, mọi người đều có cảm nhận được tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất, quả cảm tuyệt vời. Các anh là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại mới. Mỗi nhà văn đều có những trường liên tưởng, quan điểm nghệ thuật riêng, có những cách khai thác rất riêng, rất đặc trưng cho phong cách của mình. Vì thế, hình tượng người lính đã được rất nhiều nhà văn, nhà thơ tập trung phản ánh nhưng người lính trong chiến tranh và hậu chiến trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo vẫn có những nét độc đáo khó lẫn với những người lính của các nhà văn khác.
Điểm độc đáo trong việc xây dựng hình tượng người lính trong và sau chiến tranh đó là: tác giả dựa vào những câu chuyện bản thân được chứng kiến hay nghe kể lại mà phác họa lên hình ảnh người lính áo vải bình dị mà vĩ đại, tưởng như bình thường lại hóa phi thường. Cách viết của Lê Văn Thảo tái hiện chân thật cuộc sống kháng chiến đầy kham khổ nhưng vượt lên trên đó là tinh thần chiến đấu can trường, chấp nhận hi sinh và mất mát. Vốn dĩ điều này khác với cách viết của nhiều nhà văn khác khi xây dựng hình tượng người lính là vì Lê Văn Thảo viết rất thô mộc. Phong cách sáng tác của ông không cầu kì, hoa mĩ, không nhấn nhá kịch tính, mà các chi tiết, tình huống truyện rất giản đơn, cô đọng; nhân vật cũng rất bình thường, giản dị nhưng ẩn chứa bên trong các hình tượng người lính đó lại là những bài học cuộc đời quý giá. Ví như trong truyện ngắn Họp mặt trung đoàn, chúng ta vô cùng tự hào về những người lính năm xưa. Thời gian trôi qua, bây giờ họ là những cựu chiến binh mắt mờ chân chậm. Nhưng cách đây khoảng ba mươi năm, tất cả họ đều là những chiến sĩ trẻ tuổi chiến đấu với tinh thần anh dũng, kiên cường, quả cảm, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Chính lòng yêu nước đã giúp họ có thái độ và sức mạnh phi thường với những
trận đánh vang dội. Trong buổi họp mặt, nhân vật Hai Nhiều là cựu chiến binh đứng tuổi đến muộn, nên đứng ở bên ngoài không vào trong hội trường. Hai Nhiều đã kể cho người lính trẻ lái xe nghe về những trận đánh lớn của trung đoàn. “Trong một trận đánh các mũi qua được mấy vòng rào, trời hửng sáng, đường của mở trống trơn, mấy khẩu đại liên từ trong các lô cốt bắn rà sát. Bỗng nghe có tiếng như cọp gầm, rồi thấy thằng Út Lâm từ dưới đường hào vọt lên, cứ thế xổng lưng chạy vô. Đạn các cỡ túa vào nó vẫn chạy, xong trận rồi vào viện, bác sĩ mổ lấy ra cả nắm đầu đạn” [75.Tr.376]. Các anh chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thiếu thốn, lương thực không có phải ăn củ rừng, rau rừng đói vàng cả mắt. Có khi cả trung đoàn ngồi chụm vào nhau ở góc rừng, mọi người đều ốm, quần áo rách tả tơi nhưng tất cả đều quyết tâm chiến thắng trong trận đánh sắp tới. Như vậy chỉ những ai đã từng sống và chiến đấu ở những chiến trường ác liệt thì mới hiểu hết được các khó khăn vất vả, thiếu thốn của những người lính đã từng vào sinh ra tử vì Tổ quốc. Nhà văn Lê Văn Thảo đã từng xông pha nơi trận mạc, khói lửa của chiến tranh nên ông rất hiểu và phản ánh chân thực về điều đó. Mặc dù, các anh chiến đấu trong điều kiện khó khăn thiếu thốn, không cân sức như vậy nhưng người lính Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung vẫn kiên cường, quả cảm đấu tranh và khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Trong một trận đánh khác, tiểu đội trưởng Chín Sơn bị thương ở tay nhưng vẫn cố gắng bắn nhưng rồi lại bị thương ở chân, Hai Nhơn phải vừa dìu Chín Nhơn một tay cầm súng bắn giặc. Cả hai bị lùi lại phía sau, Chín Sơn nhiều lần bị ngất đi nhưng cầm súng thì vẫn chắc, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chín Sơn nói: “Mày đưa tao đến miệng hầm ngầm có một khẩu đại liên đang nhả đạn, nòng súng đỏ rực, đường đạn rà sát, qua nhào tới đẩy lòng súng giơ cao lên cho thằng Chín Sơn chun vô. Nòng súng cháy xèo xèo trong tay qua, còn thẹo đây nè chú em coi đi” [75.Tr.377]. Từ chính những ngày kháng chiến ăn củ rừng, rau rừng, Lê Văn Thảo đã tích cóp cho bản thân tư liệu sáng tác quý giá. Và từ đó, ông đưa vào các tác phẩm của mình những chi tiết mà ông đã tận mắt thấy tai nghe và xây dựng nên hình tượng những người lính can trường, quả cảm như thế.
Ngoài việc xây dựng hình tượng người chiến sĩ quả cảm thời chiến, Lê Văn Thảo còn khai thác những góc khuất bên trong nỗi đau chiến tranh của người lính kháng chiến. Như câu chuyện trong “Kể chuyện nghe chơi” tưởng chừng chỉ là hoàn cảnh tủn mủn do Lê Văn Thảo dựng lên về một gã nói dóc luôn huênh hoang về chiến tích của mình mà không ai tin được. Thế nhưng, gã nói dóc ấy lại chính là người lính năm xưa đã tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt của dân tộc. Nếu không trực tiếp tham gia trận chiến năm nào, chắc hẳn “gã” đã không “tường thuật” lại những trận chiến một cách sinh động, chân thật và xúc động đến vậy. Người lính qua lăng kính của Lê Văn Thảo một lần nữa hiện lên đầy thương xót. Ngày xưa, họ từng là người anh hùng áo vải, sống với lí tưởng chiến đấu kiên cường và tình đồng đội cao quý. Và trong con mắt của đồng chí, đồng đội anh là chiến sĩ dũng cảm “dày dạn, nhiều năm ở chiến trường” [75.Tr.161]. Nhưng hòa bình lặp lại, nỗi đau chiến tranh lại trở thành nỗi ám ảnh cả cuộc đời họ. Những năm tháng thanh xuân tuổi trẻ của “gã” và hàng vạn người lính khác gắn liền với những bữa cơm rau rừng, khoai mài, củ ấu luộc và bom đạn chiến tranh. Đến khi hòa bình lặp lại, họ lại trở nên bơ vơ giữa cuộc đời, loay hoay không biết lí tưởng sống của chính mình là gì. Câu chuyện của gã nói dóc cũng giống nhân vật trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. Ánh trăng hoài niệm đó chính là những câu chuyện không đầu không cuối mà “gã” luôn ba hoa với mọi người. Những ngày sống với đồng, với sông rồi với bể đó cũng là hoài niệm “đi rừng cùng với cọp, treo mình trên thác nước chỉ níu được chiếc rễ cây, bị bom lấp đất tới cổ và phải hứng chịu nhiều đợt bom đạn dội, bị bắn lủng bụng phải lấy đất trét vô.” [75.Tr.161]. Tính điển hình trong tác phẩm của Lê Văn Thảo hiện diện rõ nét trong hình tượng “gã”: Gã là đại diện của những người lính trực tiếp tham gia cuộc chiến khốc liệt của dân tộc và phải gánh chịu nỗi ám ảnh của “ánh trăng” hoài niệm cũ, chưa thể nào vứt bỏ quá khứ để thực sự đón nhận cuộc sống mới. Lê Văn Thảo hay bất cứ người lính nào từng sống và chiến đấu đến quãng thời gian giao thời giữa thời chiến và hậu chiến đều cảm nhận được độ “hẫng” của “ánh trăng” này. Quá khứ cũ hào hùng và đau thương quá đã khiến họ loay hoay mãi trong thời bình. Qua cách kể nhẹ nhàng, giản dị của Lê Văn Thảo, một góc
khuất khác của hình tượng người lính lại được soi rọi: sau đạn bom khói lửa, máu và nước mắt, những người lính kiên cường lại trở nên yếu mềm với nỗi dằn vặt, ám ảnh riêng. Nỗi đau chiến tranh và ẩn ức thời hậu chiến đã và đang tồn tại, chỉ những người lính thực sự đi qua thời điểm giao thời kia mới thực sự thấu hiểu tâm trạng như chính Lê Văn Thảo đang mượn hình tượng người lính mà nói lên nỗi lòng của mình.
Những người lính khi trở về với cuộc sống đời thường, ngoài góc khuất về nỗi ám ảnh hoài niệm cũ, họ vẫn là những con người bình dị và giàu lòng yêu thương. Chiến tranh kết thúc, người lính trở về với cuộc sống đời thường họ lại phải đối mặt với những đớn đau, mất mát, bất hạnh. Như hình tượng nhân vật Tám Khoa trong truyện ngắn Hai người cha (đã phân tích phần trên) – người đã chiến đấu hết mình cho tổ quốc để đổi lấy nền độc lập cho đất nước. Sau ngày giải phóng, Tám Khoa lại trở về mang trong mình nỗi đau tột cùng vì vợ con anh đã chết cả rồi, tự tay anh chôn cất trong chiến tranh ở rừng miền Đông. Bằng ý chí và nghị lực phi thường của người lính, Tám Khoa đã vượt lên những nỗi đau đó để sống cuộc đời có ý nghĩa ở. Anh nhận đứa trẻ làm con khi tinh thần vẫn còn quá đau đớn trước những mất mát của chiến tranh để lại. Tình yêu thương giữa người với người lại được dịp cất lên khúc ca vang khải hoàn. Không cần áo mũ vinh hoa, không cần sự tung hô hoa mĩ, những người lính trở về trong thầm lặng. Ít ai biết rằng sự im lặng ấy lại là tiếng khóc thầm cho một trái tim đã quá nhiều mất mát. Ta hãy nghe lời của Tám Khoa: “Hãy để nó ở lại đây ít ngày, tạm nhận làm cha nó, để nó có chỗ ở. Rồi sau đó sẽ chỉ đường cho nó đi tìm cha, hoặc đích thân ông sẽ dẫn nó đi gặp được cha rồi sẽ nói với đồng đội: “Tôi trả con cho anh đây. Tôi đã làm cha nó một thời gian, cũng thấy ấm lòng, đỡ cô đơn một thời gian.” [75.Tr.322]. Qua lời tâm sự của Tám Khoa chúng ta đều thấy trong lúc này đây ông đang rất cô đơn, khát khao một niềm hạnh phúc giản đơn, bình dị đó là được làm cha như bao người cha khác. Với Tám Khoa cho dù chỉ được làm cha trong thời gian ngắn thôi nhưng ông cũng cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi. Khi con khôn lớn, trưởng thành, ông quyết định đi tìm cha cho con. Trên đường đi, tâm trạng của ông diễn biến rất phức tạp, vừa vui lại vừa
buồn đau quăn thắt trong lòng. Vui vì con đã tìm gặp được cha, buồn vì đứa con của ai đó làm con ông giờ đây sắp phải trả nó về cho cha nó. Ông tâm sự với người kéo vó ở vùng quê: “Ông có chiếc vó này được rồi. Còn hơn tôi không có gì cả. Tôi giao đứa con cho cha nó rồi coi như tôi hoàn toàn trắng tay”. Qua lời tâm sự đó ta có thể thấy người lính trở về sau chiến tranh vừa mang những nỗi đau về thể xác vừa mang nỗi đau về tinh thần. Sau nhiều ngày vất vả ngược xuôi đi tìm, cuối cùng ông cũng gặp được người cha đẻ của cậu con trai mình nhận nuôi. Có thể nói, hành động của Tám Khoa từ lúc nhận làm cha cậu bé Thanh, anh yêu thương chăm sóc như con đẻ của mình đã khẳng định vẻ đẹp toàn diện hình tượng người lính trong chiến tranh và hậu chiến: vừa kiên cường chiến đấu trong thời chiến vừa giàu tình yêu thương và nghị lực vượt lên trên nỗi những mất mát của bản thân, bao dung, nhân hậu để sống cuộc đời có ý nghĩa trong thời bình.
Hình tượng kép của người lính trong truyện ngắn của nhà văn Lê Văn Thảo trong và sau sau chiến tranh như trên đều không có sự tô vẽ màu mè hay lí tưởng hóa mà tất cả đi vào trong trang văn của ông rất tự nhiên, mộc mạc như vốn có của đời thường. Sau chiến tranh, người lính trở về không còn vẻ oai phong lẫm liệt, mà họ là những con người của đời thường như bao người bình thường khác mộc mạc, chất phác, gầy gò, hom hem, ăn mặc tềnh toàng. Như hình ảnh nhân vật Tám Luông trong truyện Cảnh quay phim ngoài trời đã cho chúng ta thấy rõ được điều đó. Trước kia anh là chiến sĩ, dũng sĩ kiên cường, khiến kẻ thù cũng phải khiếp sợ nhưng khi trở về cuộc sống đời thường anh cũng như bao người bình thường khác, cũng mất bình tĩnh trước những ánh mắt của đám đông. “Đạo diễn chỉ tay về một người đàn ông thấp lùn, mắt lé, tóc ngắn lưa thưa, độ bốn mươi tuổi, quần cụt chân đất. Mọi người nhìn đổ xô vào mình, Tám Luông hốt hoảng đứng dậy chắp tay làm động tác như vái chào, lại nh xá lạy, gập người xuống mãi, cho đến lúc mọi người kéo anh ngồi trở xuống.” [75.Tr.298]. Các anh đã chiến đấu bao nhiêu ngày đêm đưới địa đạo, đánh thắng được bao nhiêu trận và không nhớ nổi mình đã bị thương bao nhiêu lần. Tám Luông nằm võng nhớ lại tất cả những chuyện trong chiến tranh. Và anh nhận thấy:“chiến tranh đã kết thúc, anh
dạng không ra làm sao...” [75.Tr.296]. Tám Luông đi xem đoàn đóng phim, xế chiều về nhà cũng chẳng có gì ăn, anh đành ngồi “bốc cơm nguội ăn, húp canh từ trong nồi...” [75.Tr.296]. Cuộc sống của người chiến sĩ sau chiến tranh là như vậy đó. Là một nhà văn có tấm lòng nhân hậu, Lê Văn Thảo đã để cho ông đạo diễn phim dõng dạc nói với mọi người những điều mình luôn trăn trở, suy nghĩ về cuộc sống của những người lính sau chiến tranh là làm thế nào để cuộc sống của họ vơi bớt những khó khăn. “Chúng ta sẽ chiến đấu như thế nào nếu không có tình yêu? Chiến tranh là gì nếu không có những con người đó?”. Phải làm sao cho con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau những gì họ hi sinh cho đất nước, cho dân tộc chứ không phải như anh du kích Tám Luông trong trước kia đã chiến đấu bao nhiêu thành tích lẫy lừng, bây giờ về đi làm thuê làm mướn vì không có ruộng. Và câu trả lời phỏng vấn của anh với người diễn viên điện ảnh thật trong sáng không khỏi làm lòng ta đắng chát:“Bây giờ anh làm gì?”. Anh diễn viên khui tiếp lon nước ngọt.“Làm ruộng, hết giặc rồi. Nhưng nhà không có ruộng, tôi đi làm mướn.” Sao không có ruộng?. “Tại không có vậy thôi.”. “Nói chuyện với anh ngộ lắm nhưng vai anh rất khó đóng.”[75.Tr.292]. Đến chiều, trong khi đoàn làm phim đang quay, Tám Luông thấy đói bụng liền lẻn về nhà. Đến lúc này, cuộc sống của người dân du kích lừng lẫy năm xưa được nhà văn Lê Văn Thảo miêu tả càng cụ thể hơn khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ: “Tám Luông ở nhà với mẹ già bảy mươi tuổi, trong căn nhà mục nát có từ lâu đời. Hai mẹ con chẳng có nhu cầu nhiều. Tám Luông đi làm mướn, cuốc đất làm cỏ lúa, đôi khi có chuyến lên rừng hầm than, bứt mây đào rễ tranh. bà mẹ đi xúc tép đào củ, đan nát nhì nhằng...” [75.Tr.293]. Chính vì vậy, mà câu chuyện làm phim nghiêm túc về thành tích một chiến sĩ du kích dũng cảm bỗng chốc đã trở thành chuyện viển vông, thậm chí khôi hài khi bà mẹ Tám Luông la lên: “ Thôi bỏ chuyện phim ảnh, lo cuốc đất mần ăn dành tiền cưới vợ con à. Rồi sửa lại cho mẹ cái máng xối, vui chơi có thì, chạy theo hình với bóng hay ho gì