Giọng tâm tình, nhỏ nhẹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn lê văn thảo (Trang 84 - 86)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Giọng tâm tình, nhỏ nhẹ

Nếu như giai đoạn văn học 1945-1975 viết theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nhìn tổng thể, các tác phẩm mang đậm âm hưởng anh hùng ca, đi kèm với thái độ ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng.Giọng điệu chủ yếu là giọng trữ tình, ngọt ngào đằm thắm, hay giọng hào hùng lạc quan phơi phới. Nhà văn nhân danh cộng đồng để ngợi ca, tự hào về những con người, những thế hệ oanh liệt, làm rạng danh lịch sử dân tộc. Văn học sau 1986 có nhiều đổi mới, trong đó có giọng điệu. Nếu trước đây, các tác giả chủ yếu thiên về giọng kể, tả thì bây giờ nó cơ bản nặng về lý giải, phân tích, đánh giá cuộc sống, khai thác chiều sâu tâm lý, tính cách con người… Do nhà văn đi sâu vào phân tích, lý giải đời sống nội tâm con người, cho nên nó cũng là đối tượng khám phá chủ yếu của văn học. Văn học sau 1986, mặc dù vẫn có giọng ngợi ca hào hùng nhưng đan xen với giọng khác. Đó là giọng tâm tình, nhỏ nhẹ buồn thương, bi ai khi tác giả đề cập đến mất mát, tổn thương, đến số phận của con người thời hậu chiến.

Trong cuộc sống cũng như trong văn học, có con người xuất hiện thì tất yếu sẽ xuất hiện những mối quan hệ xung quanh như người thân, bạn bè, người yêu, hàng xóm, đồng nghiệp,… Và tất yếu cũng sẽ xuất hiện nhiều vấn đề cần giải quyết cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Vấn đề cuộc sống trong truyện ngắn Lê Văn Thảo tuy là nhỏ, thường nhật nhưng cũng phong phú, đa dạng vô cùng như: Đi tìm chồng của một cô gái trẻ, tìm cha của đứa nhỏ, chiếc xe đạp, bà nội, đứa cháu thất lạc...nhiều vấn đề nhỏ, nhưng rất sâu sắc. Với giọng điệu tâm tình, nhà văn đã truyền tải hiệu quả những vấn đề thuộc về tâm lý. Nhất là khi Lê Văn Thảo chọn viết về vấn đề “thôi thúc từ bên trong” cùng với lối viết nhẹ nhàng thì giọng điệu tâm tình là một thế mạnh mà nhà văn luôn tìm cách khai thác và sử dụng. Lối kể chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng, không có sự gắng gượng hay dàn dựng trước, giọng điệu trong truyện của Lê Văn Thảo có sự thay đổi linh hoạt, tự nhiên. Nhiều lúc cũng cần sự an ủi, cổ vũ thì giọng điệu tâm tình là phù hợp và cần thiết. Nhất là những truyện ngắn hướng về lòng nhân ái thì giọng điệu ấy hiện diện thường trực, vừa giải quyết vấn đề trong cuộc sống, vừa hướng nhân vật đến cuộc sống nhân văn hơn.

Giọng điệu tâm tình, nhỏ nhẹ của Lê Văn Thảo thường được ông sử dụng khi miêu tả những mảnh đời bất hạnh, các số phận éo le, cay đắng, thua thiệt, hay những câu chuyện đời thường giản dị. Điều này được thể hiện rõ trong truyện ngắn Người viết thư thuê. Câu chuyện lấy nguyên mẫu ông Dương Văn Ngộ, nhân vật của Lê Văn Thảo không có tên, và mở đầu cũng không khác gì những điều đã phản ánh trên báo chí: “Bưu điện coi ông như người nhà, xếp cho ông góc riêng cuối dãy ghế khách hàng, họp cuối năm liên hoan lễ tết đều mời dự. Một phần do ơn nghĩa, một phần khác cũng do xét đến công lao của ông. Ông viết một bức thư, bưu điện có thêm con tem gửi đi”[75.tr.163]. Bằng cách viết tâm tình, nhỏ nhẹ của mình, Lê Văn Thảo đã kể về câu chuyện cuộc đời người viết thư thuê với những buồn vui tâm tình, có chuyện hài hước, vui vẻ, nhưng cũng có những câu chuyện đầy nước mắt như câu chuyện cô bé từng giúp việc. Cô bé bán vé số mang mấy đồng tiền lẻ đến nhờ ông viết một lá thư trình bày nỗi oan ức. Cô bé từng giúp việc cho một gia đình giàu có với nhiệm vụ chăm sóc đứa con cưng của chủ

nhà. Ngày thôi nôi, bỗng dưng bị mất sợi dây chuyền vàng được đeo trên cổ thằng nhỏ. Bằng cách viết như giãi bày, như tâm tình thỏ thẻ, Lê Văn Thảo đã giãi bày tâm sự thay cho cô bé tội nghiệp: “Nó không lấy, nó biết bản thân nó. Nó chạy ra ngoài dò tìm theo các lối đi, lục tung các thùng rác. Không thấy gì cả. Nó trở vào phòng ngồi trong góc mở to mắt nhìn mọi người. Nó không lấy sợi dây chuyền vàng, ý nghĩ thoáng qua trong đầu cũng không. Nó chưa từng tơ hào của cải người khác, từ lúc bắt đầu hiểu biết tới giờ. Nó ngồi nhìn vàng bạc chất lên mình đứa bé, thấy tủi thân, căm hận, xót xa. Không ai nói gì tới nó, nhưng sự im lặng còn hơn lời buộc tội.”[75.tr.172].

Giọng điệu tâm tình, nhỏ nhẹ của Lê Văn Thảo xuất phát từ việc nhà văn là người giàu cảm xúc, giàu lòng trắc ẩn, và không ngại bộc lộ cảm xúc của mình. Ông thấu hiểu nỗi lòng của những con người thấp cổ bé họng, đáng thương và tội nghiệp. Lê Văn Thảo viết lên trong trang sách mình câu chuyện cuộc đời của họ nhưng lại theo cách riêng. Ông sử dụng giọng điệu tâm tình đó để thay họ giãi bày cõi lòng và tâm sự. Từ đó, giọng điệu tâm tình đã giúp ông tiến sâu hơn vào cảm xúc độc giả và những câu chuyện có phần hư cấu trở nên tự nhiên hơn rất nhiều. Đó cũng là điểm khác biệt làm nên phong cách sáng tác của Lê Văn Thảo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách truyện ngắn lê văn thảo (Trang 84 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)