7. Kết cấu của luận văn
2.1. Tổng quan quá trình hình thành và phát triển ODA ở Việt Nam
2.1.1. Thời kỳ trước tháng 10/1993
Ngoài quan hệ viện trợ truyền thống với khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu duy trì cho đến trước khi Liên Xô cũ tan rã vào đầu thập niên 90, bức tranh về viện trợ bên ngoài của Việt Nam được xác định ở các mốc sau:
Năm 1969: bắt đầu quan hệ viện trợ với Thuỵ Điển
Năm 1975: thiết lập quan hệ viện trợ với Nhật Bản, chủ yếu tiếp nhận dưới dạng hàng hoá như bông, vải sợi, hoá chất.
Năm 1977:
- Có quan hệ chính thức với hệ thống các tổ chức thuộc Liên hợp quốc gồm UNDP, IFAD, GEF, ILO, UNCDE, UNDCP, UNESCO, UNICEF, UNHCR, UNFPA, UNIDO (một số tổ chức thuộc hệ thống này đến Việt Nam sớm hơn, ví dụ WFP hay PAM – Chương trình lương thực thế giới vào Việt Nam từ năm 1974-1975 để thực hiện các chương trình viện trợ lương thực).
- Chính thức tiếp quản tư cách hội viên tại IMF; WB; ADB (Chính quyền Sài Gòn gia nhập IMF và WB vào năm 1956 và ADB vào năm 1966) và Ngân hàng nhà nuớc (NHNN) được giao sứ mệnh thay mặt Việt Nam là đại diện tại các tổ chức này.
Từ 1976 đến 1981: NHNN đã tích cực chủ động làm việc với IMF để vay xấp xỉ 200 triệu SDR theo các điều kiện ưu đãi về lãi suất và thời hạn giúp Việt Nam giải quyết các khó khăn trong cán cân thanh toán. Năm 1978, WB đã cho Việt Nam vay một khoản tín dụng trị giá 60 triệu USD để
thực hiện dự án Thủy lợi Dầu Tiếng giai đoạn 1978 - 1983. Trong bối cảnh đất nước còn bị bao vây cấm vận, những khoản tài trợ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần giải quyết những khó khăn do thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng và khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh.
Năm 1985: Quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế bước vào một thời kỳ vô cùng khó khăn khi IMF, tiếp sau đó WB và ADB đình chỉ quyền vay vốn của Việt Nam do các khoản nợ quá hạn. Trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiên trì các nỗ lực ngoại giao để duy trì quan hệ hội viên tại IMF; WB; ADB, tạo tiền đề cho việc nối lại quan hệ tín dụng sau này.
Năm 1986: Sự sụp đổ của hàng loạt các nước Đông Âu ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế của các nước nhận viện trợ đặc biệt, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới như vậy, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chính phủ đã thay đổi đường lối phát triển kinh tế, đặc biệt là chính sách đối ngoại, mở cửa làm bạn với các nước trên thế giới.
Tháng 8/1989: Với những diễn biến thuận lợi về mặt chính trị cùng sự kiên trì đề nghị và đàm phán thuyết phục, WB đã có những chuyển biến tích cực và chấp thuận cử Đoàn Kinh tế vào Việt Nam sau 10 năm gián đoạn.