Tình hình quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cho GD&ĐT ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại việt nam 001 (Trang 55 - 59)

7. Kết cấu của luận văn

2.2. Tình hình quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cho GD&ĐT ở Việt Nam

giai đoạn 2008-2013

Phát huy vai trò chủ động trong việc thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ phát triển, Chính phủ Việt Nam chủ động xây dựng và lãnh đạo thực hiện chính sách thu hút, quản lý và sử dụng ODA phục vụ việc thực hiện Chiến lược phát triển 10 năm và các Kế hoạch 5 năm. Đó là các Đề án thu hút, quản lý và sử dụng ODA trong thời kỳ 2006-2010 và 2011-2015, trong đó xác định các nguyên tắc sử dụng nguồn vốn ODA, những ngành, lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn vốn này trong đó có lĩnh vực GD&ĐT.

Dựa trên chính sách thu hút và sử dụng ODA của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ trong việc xây dựng các chương trình hợp tác phát triển và triển khai thực hiện các chương trình và dự án cụ thể trong lĩnh vực GD&ĐT.

Phát triển GD&ĐT là lĩnh vực tiên cao trong chính sách thu hút và sử dụng ODA của Chính phủ Việt Nam. Trong lĩnh vực GD&ĐT, tổng vốn ODA huy động trong thời gian qua đạt hơn 1,433 tỷ USD, trong đó 1,224 tỷ USD là ODA vốn vay và 208 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Số vốn ODA đã giải ngân trong thời kỳ này đạt hơn 368 triệu USD, chiếm khoảng 25,68% tổng vốn ODA đã ký kết trong cùng thời kỳ.

Viện trợ không hoàn lại ODA trong lĩnh vực GD&ĐT chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vốn ODA của cả nước. Nhìn chung, các chương trình, dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giải ngân khá tốt, trừ một số chương trình, dự án lớn mới ký kết nên chưa có giải ngân ODA như Dự án Tăng cường Khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ em mầm non trị giá 100 triệu USD, Chương trình Chính sách phát triển Giáo dục đại học - Giai đoạn 3 trị giá 50 triệu USD,... Nguồn vốn ODA đã hỗ trợ cho việc thực hiện cải cách giáo dục ở các cấp học (trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục đại học), đào tạo giáo viên, tăng cường năng lực công tác kế hoạch và quản lý giáo dục, cung cấp học bổng đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài, cử cán bộ, công chức đào tạo và đào tạo lại tại nước ngoài về các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ và quản lý. Các dự án vốn vay ODA điển hình là Dự án xây dựng Trường Đại học Việt Đức (WB) với mục tiêu xây dựng Trường Đa ̣i ho ̣c Viê ̣t - Đức trở thành một t rường đại học , một trung tâm đào tạo , nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam , đạt trình độ khu vực và quốc tế; Dự án xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (ADB) với mục tiêu xây dựng Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trở thành một trường đại học xuất sắc có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, với mô hình tổ chức, phương thức quản lý hiện đại có tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao.

Trong giai đoạn 2008-2013, tổng số nhà tài trợ cho lĩnh vực GD&ĐT là 21, trong đó có 14 nhà tài trợ song phương, 6 nhà tài trợ đa phương. Một số nhà tài trợ chủ yếu: WB, ADB, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôx-trây-li-a, Anh và Đức.

Các chương trình và dự án ODA đã và đang đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng. Điều đáng chú ý là một số chương trình và dự án ODA được thiết kế nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường tiếp cận giáo dục cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, điển hình là:

- Dự án Trung học cơ sở vùng khó khăn nhất triển khai ở 17 tỉnh được xác định là “khó khăn nhất” với nội dung chính là hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bình đẳng giới và chính sách đối với các nhóm đối tượng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, vùng dân tộc góp phần khắc phục tình trạng phát triển giáo dục không đồng đều giữa các vùng, giữa các dân tộc.

- Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) triển khai ở 36 tỉnh (chủ yếu là các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn) với nội dung chính là: Cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam, giảm chênh lệch trong kết quả học tập và tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học của học sinh tiểu học bằng việc hỗ trợ của Chính phủ cho quá trình chuyển đổi sang dạy - học cả ngày, ưu tiên cho nhóm học sinh tiểu học thuộc các tỉnh khó khăn được chọn tham gia Chương trình.

- Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non do WB tài trợ với kinh phí 100 triệu USD. Mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng sẵn sàng nhập học bậc tiểu học của trẻ em 5 tuổi, trong đó chú trọng đến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả trung gian là nâng cấp chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, cải thiện chất lượng giáo dục mầm non, tăng số lượng học mầm non bán trú đối với nhóm trẻ từ 3-5 tuổi và tăng cường năng lực lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch ở cấp cơ sở.

Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển GD&ĐT ở Việt Nam trên các khía cạnh cơ bản là tiếp cận, chất lượng và quản lý các chương trình và dự án ODA còn cung cấp những ý kiến tư vấn và chuyển giao tri thức cho Chính phủ Việt Nam nhằm phát triển nền giáo dục đáp ứng các yêu cầu cơ bản là phát triển toàn diện, bền vững, tiếp cận các giá trị và xu hướng phát triển tiên tiến của thế giới, duy trì bản sắc dân tộc trong hội nhập khu vực và thế giới. Một số nhà tài trợ còn cung cấp các học bổng nhà nước để đào tạo một đội ngũ đáng kể sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, tạo những điều kiện thuận lợi để tiếp nhận sinh viên Việt Nam du học tự túc, cũng như phát triển các quan hệ trực tiếp giữa các trường, viện nghiên cứu của nhà tài trợ với các đối tác Việt Nam.

Chính phủ nhận thức rằng để ngành GD&ĐT Việt Nam, nhất là giáo dục đại học vươn tới ngang tầm các nước trong khu vực và có những trường đại học lọt vào nhóm các trường tốt nhất trên thế giới, Việt Nam cần xây dựng được một số trường đại học đầu đàn, như “cỗ máy cái” để thúc đẩy nâng cao chất lượng dạy và học, cải cách công tác quản lý nhà trường theo hướng tự chủ trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Nhằm mục đích này, Chính phủ đã mạnh dạn sử dụng vốn vay, trong đó có cả vốn vay kém ưu đãi của các nhà tài trợ để đầu tư xây dựng trường Đại học như trường Đại học Việt - Đức (vốn vay WB) và trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội (vốn vay ADB).

Ngoài giáo dục đào tạo cho các cấp, cũng phải kể đến giáo dục đào tạo của các ngành. Các chương trình, dự án đã góp phần không nhỏ trong lĩnh vực GD&ĐT như Dự án Tăng cường năng lực Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong bối cảnh biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan chủ quản, Dự án Tăng cường năng lực quản lý và điều hành Trung tâm Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

và Dự án Chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế do Bộ Y tế làm cơ quan chủ quản,...

Ngoài ra, dự án giúp nâng cao năng lực các cán bộ trong lĩnh vực đào tạo nghề, từ đó đề xuất các chính sách phù hợp, hiệu quả trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề ở Việt Nam. Đối với các cơ sở dạy nghề tham gia dự án: Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề đã được nâng cao năng lực, chương trình và phương pháp đào tạo đã được cải thiện, nhà xưởng đã được cải tạo và xây mới để tiếp nhận các thiết bị dạy nghề hiện đại được đầu tư từ các Dự án. Một số trường đã được phát triển trở thành những cơ sở dạy nghề mạnh của đất nước, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại việt nam 001 (Trang 55 - 59)