Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và ổn định như hiện nay, cùng một thị trường hơn 1,3 tỷ người tiêu dùng đang trong quá trình chuyển biến
mạnh mẽ về cơ cấu tiêu dùng, thị trường Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục là thị trường trọng điểm, có tầm quan trọng to lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, bên cạnh đó khả năng tiếp tục gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc trong những năm tới là rất lớn. Với phương châm là tận dụng tối đa cơ hội từ sự phát triển của Trung Quốc để tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, quản lý tốt thương mại biên mậu, xử lý tốt các vấn đề tranh chấp thương mại, trao đổi thương mại trên cơ sở quan hệ kinh doanh thương mại bình đẳng theo đúng khuôn khổ WTO, những định hướng lớn phát triển thương mại Việt Nam với Trung Quốc trong giai đoạn đến năm 2015 là:
a.Định hướng xuất khẩu:
Phát triển xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP. Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng khác có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.
b) Định hướng nhập khẩu
Trong giai đoạn 2009-2015, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh do mở cửa thương mại và nhu cầu về nguyên liệu, thiết bị, máy móc của ta vẫn còn lớn. Sẽ có sự chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, láp ráp điện tử. Dự báo, tốc độ tăng nhập khẩu vẫn ở mức cao từ nay cho đến 2015, trong đó giai đoạn 2009-2010 tăng cao hơn. Dự kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân cho cả giai đoạn khoảng 12%/năm.
c) Định hướng về xử lý nhập siêu
Do nhu cầu của Việt Nam về nhập khẩu các loại hàng hoá từ Trung Quốc còn rất lớn và cùng với việc miễn giảm thuế theo khuôn khổ ACFTA, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó xuất khẩu của nước ta tăng có mức độ và các giải pháp hạn chế nhập siêu chưa thể phát huy tốt hiệu quả thì tình hình nhập siêu từ Trung Quốc giai đoạn 2009-2015 chưa thể có sự thay đổi lớn, thậm chí còn tăng đến 2015. Như vậy, vấn đề đặt ra là không phải tìm cách hạn chế nhập siêu bằng mọi giá mà khống chế mức nhập siêu trong giới hạn cho phép, tức là mức nhập siêu không ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô như nợ nước ngoài, cán cân thanh toán.
d) Định hướng phát triển biên mậu
Cần xây dựng cơ chế điều tiết, quản lý biên mậu linh hoạt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. Phát huy tối đa lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên biên giới với Trung Quốc để phát triển hoạt động biên mậu giữa hai nước. Phát triển biên mậu Việt - Trung theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần chống buôn lậu, đồng thời kết hợp với bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
e. Định hướng phát triển thanh toán biên mậu
Hoạt động thanh toán biên mậu phải từng bước nâng cao chất lượng thanh toán, áp dụng công nghệ hiện đại vào khâu thanh toán đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác và an toàn.
Hoạt động thanh toán biên mậu phải tạo được môi trường thuận lợi để phát triển các hoạt động xuất nhập khẩu khu vực biên giới theo hướng vừa tăng cường
được vai trò quản lý của nhà nước, vừa phát huy được tính năng động của các chủ thể tham gia.