Những tác động của buôn bán qua biên giới

Một phần của tài liệu Thanh toán biên mậu tại ngân hàng đầu tư và phát triển cao bằng – thực trạng và giải pháp (Trang 37 - 39)

Trong quan hệ thương mại giữa hai nước, buôn bán qua biên giới đã

phát huy một số mặt tích cực sau đây:

- Nhập được nhanh, kịp thời một số vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu cần thiết cho các ngành sản xuất trong nước mà không phải dùng đến ngoại tệ mạnh.

- Bổ sung và làm phong phú thêm nguồn vật phẩm tiêu dùng trong nước mà không phải sử dụng ngoại tệ mạnh, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng hàng ngày với đòi hỏi ngày càng nhanh cho nhân dân, góp phần ổn định giá sinh hoạt trong điều kiện các doanh nghiệp thiếu nguồn dự trữ ngoại tệ mạnh để nhập khẩu hàng tiêu dùng.

- Việc nhập khẩu hàng hoá qua biên giới với Trung Quốc giúp các thương nhân Việt Nam tiết kiệm đáng kể cước phí vận tải so với việc nhập khẩu từ các thị trường xa xôi khác.

- Tiến hành trao đổi qua biên giới với Trung Quốc, chúng ta có được một thị trường xuất khẩu rộng lớn không đòi hỏi quá khắt khe đối với nhiều chủng loại hàng hoá, đặc biệt là những mặt hàng mà ta có khó khăn về thị trường như: rau hoa quả nhiệt đới, thuỷ hải sản khô, tươi chưa chế biến, nhiều loại quặng thô, hàng thực phẩm, công nghệ phẩm....

- Hoạt động trao đổi qua biên giới với Trung Quốc đã góp phần không nhỏ vào việc kích thích sản xuất trong nước phát triển và thúc đẩy cơ cấu lại nền sản xuất cả đối với công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ nhất là đối với các địa phương biên giới.

- Góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện rõ rệt diện mạo các địa phương biên giới, hình thành nhanh chóng nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ và cụm dân cư mới kích thích lưu thông hàng hoá và dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống cư dân biên giới, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo, tăng nguồn thu cho địa phương.

-Tăng cơ hội việc làm cho cộng đồng dân cư, thu nhập của các hộ gia đình được nâng cao, góp phần thực hiện nhanh chủ trương xoá đói giảm nghèo của Chính phủ, đồng thời giảm bớt các tệ nạn xã hội và các hoạt động buôn lậu tại khu vực biên giới.

-Buôn bán biên giới phát triển còn đẩy nhanh quá trình xây dựng các vành đai kinh tế tại khu vực biên giới, phòng thủ an ninh quốc phòng được xây dựng trên cơ sở kinh tế vùng biên vững mạnh, củng cố và phát triển quan hệ đối ngoại giữa hai nước.

Tuy nhiên, buôn bán qua biên giới cũng bộc lộ nhiều mặt tiêu cực:

- Trong quan hệ buôn bán qua biên giới với Trung Quốc, Trung Quốc thường xuyên thay đổi cơ chế quản lý, các địa phương và các cửa khẩu của Trung Quốc cũng được phép vận dụng cơ chế khác nhau, phía ta do nhiều nguyên nhân khác nhau, luôn luôn ở vào thế bị động, hàng hoá thường bị ép cấp, ép giá gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.

- Việc thanh toán tiền hàng chủ yếu bằng đồng nhân dân tệ, trong mối quan hệ đồng tiền Việt Nam mất giá nhanh hơn đồng nhân dân tệ nên bị thua thiệt hơn. Hơn nữa việc thanh toán chủ yếu là bằng tiền mặt trao tay, ngân hàng không quản lý được, các doanh nghiệp không yên tâm vì độ rủi ro lớn.

- Hoạt động buôn lậu, lậu thuế, trốn thuế, gian lận thương mại, nhập khẩu hàng kém phẩm chất và các dạng tiêu cực khác diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp chưa thể hạn chế được theo ý muốn.

- Cơ chế chính sách và tổ chức quản lý cũng như sự phân cấp giữa trung ương và địa phương đối với hoạt động này chưa rõ ràng và còn nhiều bất hợp lý.

Một phần của tài liệu Thanh toán biên mậu tại ngân hàng đầu tư và phát triển cao bằng – thực trạng và giải pháp (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w