Sự ra đời của LHXN và những ưu nhược điểm của nó.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 56 - 58)

Liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh (gọi tắt là LHXN) được thí điểm thành lập từ đầu những năm 1970 theo kinh nghiệm của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Ngày 20/12/1978, Hội đồng Chính Phủ ra Nghị định 302/CP xác định LHXN là một tổ chức kinh doanh gồm các xí nghiệp có mối liên hệ mật thiết với nhau trong một ngành kinh tế - kỹ thuật và là một cơ quan quản lý sản xuất kinh doanh. Như vậy, LHXN thực hiện đồng thời hai chức năng: Vừa là đơn vị sản xuất kinh doanh, vừa là cơ quan quản lý Nhà nước. Thành phần của LHXN bao

gồm: Các xí nghiệp sản xuất chính, các cơ sở sản xuất phụ và phụ trợ, các tổ chức sản xuất kinh doanh, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo.

Vào thời kỳ đó, LHXN đã có những tác dụng nhất định đối với phát triển kinh tế, tuy nhiên là sản phẩm của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, LHXN không tránh được những căn bệnh của cơ chế đó và đã bộc lộ nhiều khuyết điểm. Xét về mặt tổ chức, LHXN trong giai đoạn này được thành lập bằng cách ghép một loạt các xí nghiệp quốc doanh có sản xuất kinh doanh cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ. Chẳng hạn, Liên hiệp các xí nghiệp Dệt là sự sáp nhập các nhà máy Sợi Hà Nội, Sợi Vinh, Sợi Huế, Dệt Nha Trang vào với nhau; Liên hiệp các xí nghiệp May cũng bao gồm các DN may như May Việt Trì, May Nhà Bè, May Vĩnh Phú...ghép lại vv. Điều này tạo ra nhiều bất lợi về tổ chức và cán bộ. Quy mô được hình thành "đột ngột" vượt xa trình độ quản lý của xã hội nói chung và của cán bộ nói riêng. Mỗi LHXN hình thành một chu trình sản xuất khép kín, cát cứ riêng, khuyến khích khuynh hướng đóng cửa, tự cung tự cấp ngay trong từng liên hiệp các xí nghiệp. Kết quả là nền kinh tế bị chia ra thành những mảng theo ngành hàng: Ngành công nghiệp nặng có liên hiệp Cung ứng Vật tư khu vực, ngành công nghiệp nhẹ có liên hiệp các xí nghiệp Dệt và May, ngành hàng không có LHXN vận tải Hàng không, ngành đường sắt có LHXN vận tải Đường sắt, ngành lương thực có Liên hiệp các công ty Lương thực vv.

Khi nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phát triển kinh tế mở, thu hút đầu tư nước ngoài, tính chất cạnh tranh trên thị trường tăng lên rất nhanh, làm cho các LHXN không phát huy tác dụng.

Ngày 22/3/1989, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định 27 - HĐBT ban hành điều lệ mới về LHXN. Theo quyết định này, quyền tự chủ của các DNTV được năng cao, các LHXN được chia thành 2 loại:

Dạng thứ nhất, LHXN đặc thù: Được thành lập ở các ngành kinh tế quan trọng như: Đường sắt, vận tải biển, hàng không, Bưu chính viễn thông, điện lực; về tổ chức không có gì khác trước, nhưng có mở rộng quyền tự chủ cho các DNTV qua phân cấp quản lý của Liên hiệp. Liên hiệp chỉ còn thực hiện một số công việc điều phối chính trong mối quan hệ giữa các đơn vị thành viên, làm đầu mối về đầu tư, liên doanh, liên kết, nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo chiến lược kinh doanh chung.

Dạng thứ hai, Liên hiệp tự nguyện (còn gọi là liên hiệp mềm): Với các đơn vị thành viên tự nguyện và được điều hành bằng Hội đồng quản lý bao gồm tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, và các giám đốc DNTV. Các DNTV có tư cách pháp nhân, hạch toán kinh doanh độc lập, tự chủ từ đầu vào đến đầu ra và tự chủ tài chính.

Bước sang những năm 90, cả hai mô hình liên hiệp mới ra đời đều tỏ rõ những hạn chế và yếu kém trong hoạt động, đặc biệt là trong nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Các mô hình này không còn phù hợp và đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế cơ bản là nó chỉ đóng một khâu quản lý trung gian, không có vốn, không có công nghệ, không tạo ra mối liên hệ có khả năng tạo ra sự phát triển bền vững của các DN. Trong bối cảnh đó cần phải tiếp tục tổ chức lại các liên hiệp để tìm ra mô hình mới có hiệu quả và phù hợp hơn với thực tế của nền kinh tế thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế, khắc phục tính chất phân tán, nhỏ, lẻ của các DN Việt Nam, đó là những bức xúc trực tiếp làm tiền đề ra đời các TCT và TĐKT.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 56 - 58)