Một số quan điểm khác nhau về việc xây dựng và phát triển TĐKT.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 90 - 92)

TĐKT là một loại hình tổ chức DN mới mẻ ở nước ta, những hiểu biết về nó chưa hoàn toàn đầy đủ và toàn diện. Mặt khác trên thế giới tồn tại nhiều kiểu tổ chức TĐKT vì vậy, khi có chủ trương thí điểm và ngay cả khi triển khai thí điểm, thậm chí khi một số Tổng công ty ra đời đã hoạt động, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc thí điểm thành lập TCT theo mô hình TĐKT ở nước ta hiện nay.

a. Loại ý kiến thứ nhất: cho rằng, việc thành lập các TCT theo mô hình TĐKT ở nước ta là việc làm có tính hình thức. Theo ý kiến này, các TCT thành lập theo tinh thần Quyết định 91/TTg chỉ là biến thể của LHXN và mô hình Tổng công ty cũ. Sự biến thể ấy thể hiện ở sự thêm bớt một số chức năng mà trên thực tế đã khẳng định là không thích ứng, như thực hiện một số nội dung- chức năng quản lý ngành, quản lý Nhà nước. Với ý kiến này, TCT theo mô hình TĐKT không khác biệt lớn so với các Tổng công ty kiểu cũ và các LHXN đã có.

Cần khẳng định rõ rằng: Việc thành lập TCT theo mô hình TĐKT dứt khoát không thể lặp lại lối mòn của các LHXN quốc doanh hay các TCT kiểu cũ, đồng thời cũng cần mềm dẻo hơn trong cách nhìn nhận về các TCT theo mô hình TĐKT ở nước ta, không thể cứng nhắc lấy các kiểu mô hình TĐKT trên thế giới để làm thước đo và khuôn các TCT của Việt Nam vào các kiểu TĐKT đó.

Mặt khác, các TCT cũ và LHXN có thể được sử dụng như cơ sở ban đầu cho sự ra đời, song các loại hình tổ chức TCT mới khác về chất so với LHXN , nó phải phù hợp với những yêu cầu phát triển khách quan của nền kinh tế.

b. Loại ý kiến thứ hai: cho rằng, các TCT thành lập theo mô hình TĐKT hiện nay không có những tính chất theo đúng nghĩa đầy đủ của nó. Biểu hiện cụ thể là trong khi các TĐKT trên thế giới phổ biến là dạng sở hữu hỗn hợp theo loại hình công ty cổ phần, hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau và nhiều con đường khác nhau để đi tới thành lập, thì các TCT theo mô hình TĐKT ở nước ta trong giai đoạn hiện nay lại chỉ bao gồm các DNNN hoạt động trong cùng một lĩnh vực kinh doanh và do Nhà nước đứng ra thành lập.

Quan điểm này chưa nhận thức rõ bản chất của quá trình thí điểm thành lập TCT theo mô hình TĐKT. Việc thí điểm ấy trong giai đoạn hiện nay được xác định như một trong những giải pháp đổi mới các DNNN. Trong quá trình hoạt động của mình, bằng hiệu quả kinh tế cao có thể đạt được và bằng sức cạnh tranh được tăng cường, chúng sẽ tạo nên lực hấp dẫn cao với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác và sẵn sàng mở rộng cửa đón nhận sự tham gia tự nguyện của các DN thuộc các thành phần kinh tế khác vào TĐKT. Trong điều kiện hiện nay, việc thành lập, tổ chức kinh doanh mới trên cơ sở những DN hiện có không được làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Do đó trong bước đầu thành lập và hoạt động, việc đưa các DN cùng lĩnh vực vào tổ chức kinh doanh mới tỏ ra thuận lợi và có hiệu quả hơn. Song điều đó cũng không hoàn toàn phủ nhận việc TCT theo mô hình TĐKT có thể kinh doanh đa ngành nếu nó có khả năng thực hiện một cách có hiệu quả. Cuối cùng, sự hướng dẫn bằng nhiều hình thức khác nhau để đưa các DNNN vào TCT theo mô hình TĐKT là cần thiết và hợp lý, bởi lẽ chính Nhà nước là chủ sở hữu các DN này,

qua thành lập TCT theo mô hình TĐKT, Nhà nước có thể tạo ra hệ thống công ty mạnh để tác động vào nền kinh tế quốc dân nhằm phát huy vai trò "người nhạc trưởng" trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nhận thức đúng đắn vai trò của Nhà nước đối với sự hình thành và phát triển của TĐKT là một trong những yêu cầu bức xúc hiện nay trên con đường đổi mới kinh tế, cần tránh cả hai khuynh hướng quá tả hoặc quá hữu:

Thứ nhất: Nếu quá đề cao vai trò Nhà nước, cho rằng Nhà nước có thể bằng các biện pháp hành chính để ép thành lập các TĐKT và chi phối sự hoạt động của chúng là sai lầm. Nếu như vậy thì việc thành lập các TĐKT chỉ như việc “dồn một đống các củ khoai tây vào bị”, nó hoàn toàn không phải là một thực thể kinh tế thống nhất và tồn tại trên cơ sở những liên kết kinh tế chặt chẽ. Có nghĩa TĐKT chỉ là hình thức.

Thứ hai: Nếu coi nhẹ vai trò của Nhà nước mà để cho các thực thể kinh tế hoạt động tự do không theo định hướng của Nhà nước. "Chờ" cho kinh tế phát triển đến khi hội tụ đủ các điều kiện như việc ra đời các TĐKT trên thế giới rồi mới quyết định thành lập TĐKT ở nước ta thì để mất thời cơ đi tắt, đón đầu hội nhập và phát triển cùng nền kinh tế khu vực và thế giới....

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 90 - 92)