Từ các vấn đề lý luận và thực tiễn hoạt động của TCT theo mô hình TĐKT, có thể khẳng định rằng: TĐKT mà Việt Nam xây dựng về cơ bản sẽ có những nét tương đồng so với TĐKT trên thế giới như: quy mô lớn, hoạt động tác nghiệp đa ngành, song bên cạnh đó cũng có những điểm khác biệt mang tính đặc thù của Việt Nam. Các TCT theo mô hình TĐKT được thành lập theo quyết định 91/TTg vừa rồi chỉ là hình thức sơ khai ban đầu. Nó đơn thuần chỉ bao gồm các DNNN của một ngành, chủ yếu dựa trên ý chí chủ quan của cơ quan cấp trên chứ chưa hoàn toàn là tự nguyện của các DN. Mô hình TĐKT mà chúng ta đang hướng tới phải là mô hình đa dạng về ngành nghề và sở hữu, trong đó các DNNN gữ vai trò chủ đạo. Có thể khái quát thành các hình thức chủ yếu sau:
Thứ nhất, nếu xét theo quan hệ sở hữu thì có các dạng như: TĐKT sở hữu hỗn hợp, bao gồm các công ty liên doanh với nước ngoài, các công ty tư nhân, các DNNN. Các đơn vị thành viên có thể là các công ty có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc hay các đơn vị sự nghiệp;
TĐKT một sở hữu, tức là chỉ có các DNNN hoặc chỉ bao gồm các DN tư nhân.
Thứ hai, nếu xét theo ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh sẽ có TĐKT đa ngành trong đó có lĩnh vực, ngành chủ đạo, hình thành TĐKT đa ngành là xu hướng chủ yếu trong điều kiện TCH kinh tế hiện nay.
Thứ ba, nếu xét theo phạm vi hoạt động và sở hữu tài sản thì bên cạnh các TĐKT hoạt động ở phạm vi quốc gia hoặc khu vực còn có các TĐKT hoạt động, phát triển dưới hình thức xuyên quốc gia.
Từ các vấn đề lý luận và thực tiễn hình thành phát triển các TĐKT trên thế giới có thể khẳng định Việt Nam chưa thể có ngay các TĐKT đủ mạnh và hoạt động xuyên quốc gia như của các nước Âu - Mỹ và các nước phát triển khác. Song, căn cứ vào những điều kiện khách quan và chủ quan cũng như chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, trong những năm tới Việt Nam có thể và cần chú trọng xây dựng, phát triển các dạng thức TĐKT như sau:
Một là, hình thành và phát triển TĐKT theo hình thức hoạt động chuyên môn hoá trong một ngành là chủ yếu, đó gọi là mô hình liên hợp hoá theo chiều ngang. Tức là các công ty, xí nghiệp hoạt động kinh doanh cùng một ngành hay cùng một lĩnh vực hợp nhất thành Tập đoàn trên cơ sở xác lập sự thống nhất về tài chính, các thành viên mất tính độc lập về vốn, sở hữu nhưng vẫn duy trì sự độc lập tương đối về hình thức tổ chức.
Qua quá trình hoạt động sẽ dần lớn mạnh và mở rộng sang các lĩnh vực khác như ngoại thương, thương mại, dịch vụ... khi thị trường phát triển đồng bộ, cũng như tiềm lực đủ lớn các TĐKT dạng này sẽ mở rộng phạm vi hoạt động sang các ngành ngân hành, tài chính và hội nhập quốc tế.
Hai là, xây dựng và phát triển các TĐKT theo dạng thức liên kết dọc. Bao gồm nhiều hoạt động: sản xuất, thương mại, ngoại thương, và nhiều dịch vụ liên quan khác. Chẳng hạn, trong ngành dệt có thể thành lập TĐKT bao gồm một số công ty dệt, một số công ty may thành TĐKT Dệt - May và một tổ chức ngoại thương như Textimex và các hoạt động bảo hiểm trong ngành. Các công ty thương mại dịch vụ ban đầu sẽ hoạt động trong từng lĩnh vực chuyên môn với
một số loại sản phẩm dịch vụ nhất định như một bộ phận cần thiết cho các TĐKT chuyên ngành.
Mặc dù xu thế chung của thế giới hiện nay là phát triển TĐKT dạng hỗn hợp nhưng với tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý của Việt Nam thì chưa phù hợp và vượt quá khả năng do vậy dạng thức TĐKT này cần được nghiên cứu thêm và tham khảo.
Với bất kỳ loại hình Tập đoàn nào thì cũng cần chủ động xây dựng một phương án thành lập công ty tài chính riêng của Tập đoàn, phát triển dần thành một ngân hàng trong Tập đoàn. Hoạt động kinh doanh tài chính của Tập đoàn có vai trò quan trọng và thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của cả Tập đoàn, vì xu hướng chung của các Tập đoàn là chủ yếu chi phối, kiểm soát về mặt tài chính, đầu tư của các DNTV.