Những nguyên tắc chủ yếu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 100 - 104)

Thứ nhất: Xây dựng và phát triển các TĐKT có trọng điểm và có chọn lọc phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Sự phát triển các TĐKT là một quá trình đầu tư một khối lượng vốn lớn vào một nhóm các công ty. Đó là một quá trình tích tụ và tập trung vốn để hình thành những tổ hợp có quy mô lớn về vốn. Nền móng chủ yếu của các TĐKT ở nước ta là dựa trên các TCT Nhà nước với nguồn vốn quan trọng từ ngân sách Nhà nước. Nhu cầu đầu tư vốn một cách tập trung đòi hỏi một sự hỗ trợ rất lớn từ ngân sách Nhà nước, nếu không được hỗ trợ đặc biệt từ ngân sách Nhà nước thì sẽ rất khó hình thành các TĐKT lớn, bởi vì Nhà nước là chủ sở hữu chi phối các Tập đoàn đó.

Mặt khác, ngân sách Nhà nước cũng bị hạn chế và có những khó khăn nhất định trong việc cân đối chung của ngân sách Nhà nước. Các nhiệm vụ chi tiêu thường xuyên và chi đầu tư phát triển đòi hỏi nguồn tài chính vượt quá khả năng nguồn thu trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nếu không chọn lọc một số TCT để đầu tư một cách trọng điểm thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư vốn phân tán và manh mún. Rõ ràng, ưu tiên đầu tư vốn một cách tập trung cho một số TCT được chọn lọc là đúng đắn và cần thiết để phát triển một cách có hiệu quả các TĐKT ở nước ta.

Thứ hai: Xây dựng một cơ chế quản lý phải tạo động lực thúc đẩy, khai thác các nguồn lực tiềm tàng của TCT và làm tăng tính hiệu quả của các liên kết bên trong.

Cũng như các DN, sự phát triển của các TCT đều phụ thuộc vào môi trường bên trong và môi trường bên ngoài. Các yếu tố bên trong của TCT có vai trò quyết định trực tiếp với các DNTV cũng như toàn TCT. Do đó, cơ chế quản lý phải tạo động lực thúc đẩy khai thác các nguồn lực tiềm năng của TCT và nâng cao hiệu quả các môi liên kết bên trong của TCT.

Trước hết, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết nội bộ các TCT 91. Xét lịch sử phát triển các Tập đoàn trên thế giới và căn cứ vào thực trạng các TCT 91, cho thấy các mối liên kết nội bộ là nhân tố quan trọng, quyết định sự hưng thịnh hoặc suy yếu của một Tập đoàn. Hơn nữa, việc tăng cường liên kết không nhất thiết tiêu tốn thêm nguồn lực nào, mà có thể chỉ cần thay đổi một số yếu tố của hệ thống.

Tình trạng liên kết lỏng lẻo hoặc có tính chất áp đặt một cách cơ giới trong một số TCT vẫn còn tồn tại. Sự kém hiệu quả của các liên kết lỏng lẻo đó chứng tỏ rằng: Muốn phát triển TĐKT phải khai thác tiềm lực ngay ở chính các liên kết có tính hệ thống bên trong các TCT.

Thứ ba: Xây dựng một cấu trúc sở hữu phù hợp, từ đơn sở hữu đến đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước giữ vai trò then chốt.

Trong quá trình đổi mới các TĐKT có thể được phát triển theo hướng từ cấu trúc đơn sở hữu đến cấu trúc đa sở hữu. Tất nhiên, trong các Tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước thì sở hữu Nhà nước vẫn giữ vị trí chi phối và có vai trò quyết định. Trong một TĐKT đa sở hữu, các quan hệ tài chính của Tập đoàn và công ty thành viên, giữa các công ty thành viên với nhau có xu hướng thông qua

quan hệ về vốn, đầu tư và tái đầu tư, về hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ trong Tập đoàn. Các quan hệ đó có sự biến chuyển và hoàn thiện, có tác động mạnh đến sự phát triển của các công ty thành viên cũng như của toàn bộ TĐKT.

Với quan hệ sở hữu đa dạng, các TĐKT có thể huy động vốn thông qua các công cụ tài chính, đặc biệt là cổ phiếu. Một số DN của Tập đoàn có thể được cổ phần hoá, trở thành công ty cổ phần. Hơn nữa, với xu thế phát triển tự thân của các Tập đoàn, một số công ty mới có thể được tham gia vào Tập đoàn. Với cấu trúc như vậy, Tập đoàn có thêm nhiều ưu thế trong hoạt động và phát huy được ưu điểm của cấu trúc công ty mẹ - công ty con.

Thứ tư: Thành lập và phát triển TĐKT ở nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh Công nghiệp hoá - hiện đại hoá phải đánh giá đúng mức vai trò vị trí của Nhà nước.

Trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng có thể coi như "bà đỡ" của các TĐKT,đặc biệt là các Tập đoàn lớn có vị trí đặc biệt. Vai trò của Nhà nước thể hiện từ sự xúc tiến thành lập, ưu đãi về cơ chế chính sách, bảo hộ và hỗ trợ có chọn lọc...Nhà nước có tác động trên nhiều mặt của quá trình xây dựng và phát triển các TĐKT.

Như đã phân tích, với cuộc cạnh tranh không cân sức giữa các DN trong nước với các Tập đoàn quốc tế lớn, vai trò điều tiết vĩ mô và sự hỗ trợ mang tính chiến lược của Nhà nước là yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển của các TĐKT ở nước ta. Trong điều kiện phát triển từ một xuất phát điểm thấp như nước ta, sự hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nhà nước cần thực hiện vai trò định hướng và bảo trợ vĩ mô trong một số lĩnh vực như: Hình thành môi trường kinh doanh và phát triển thuận lợi và bền

vững cho các TCT một cách bình đẳng; Định hướng và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, chất xám và đào tạo cán bộ, công nhân viên cho các TĐKT; Hình thành cơ chế hỗ trợ về vốn và đầu tư tài chính; Hỗ trợ về công nghệ và đầu tư phát triển công nghệ mới...

Vai trò của Nhà nước trong quá trình phát triển như vậy không có nghĩa là sự can thiệp hay bao cấp như trướng đây, mà là vai trò thúc đẩy của Nhà nước theo một định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực tế phát triển các TĐKT của nhiều nước như Malayxia, Hàn quốc, Thái lan, Singapo, Nhật bản hay Đài Loan... là những minh chứng cụ thể cho các vấn đề trên.

Thứ năm: Thực hiện phương thức tự nguyện trong việc thành lập TĐKT:

Việc thành lập các TCT theo quyết định 91/TTg ngày 7-3-1994 chưa phải là hoàn toàn tự nguyện, nhiều trường hợp là xuất phát từ ý chí chủ quan của các cấp lãnh đạo. Điều đó xét ở một khía cạnh nào đó là cần thiết trong bối cảnh điều kiện và nhu cầu phát triển của nước ta hiện nay. Nhưng phải thấy rằng, đây cũng chỉ là giai đoạn thành lập TCT theo mô hình TĐKT (hình thức quá độ chứ chưa phải là TĐKT đúng nghĩa của nó). trong thời gian tới, việc thành lập, quản lý và hoạt động của TĐKT mà hình thức quá độ và nòng cốt là các TCT Nhà nước thì tất yếu và cần thiết phải nhận thức rõ rằng, do nó có tính đặc thù là vừa làm chức năng kinh doanh vừa làm chức năng liên kết kinh tế nên nó phải được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện. Thể hiện ở chỗ:

- DN có quyền tự nguyện tham gia và có quyền lựa chọn TĐKT, nhưng việc quyết định thành lập TĐKT thì thuộc về Nhà nước.

- Xác định đúng đắn vai trò, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của Tập đoàn và công ty thành viên. Mặt khác còn cần thiết phải xác định rõ tư cách pháp

nhân của các tổ chức và công ty thành viên, hình thành, sử dụng các quỹ, vốn, tổ chức hạch toán kinh tế vv....

Thứ sáu: Việc thành lập và quản lý TĐKT phải nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với không thành lập.

Hiệu quả kinh tế quốc dân phải được coi là là mục tiêu, tiêu chuẩn để thành lập, phát triển các TĐKT. Nó phải được thể hiện ở mặt định tính như: góp phần thúc đẩy nhanh hơn tiến trình Công nghiệp hoá - hiện đại hoá và mặt định lượng như: tăng sản lượng, tăng sức cạnh tranh, tăng lợi nhuận...

Mặt khác rà soát lại, bỏ bớt những TCT không cần thiết, tạo điều kiện tập trung nguồn lực cho việc thành lập các TCT mới kể cả việc đưa một số TCT 90 lên mô hình TĐKT nếu thấy có đủ điều kiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 100 - 104)