II. Nội dung chính của đề tà
3.4.1. Phân tích định tính kết quả thực nghiệm
a) Với hình thức dạy học
Sau khi tiến hành thực nghiệm theo hình thức khai thác, lồng ghép một số nội dung thực tiễn vào trong tiết dạy. Kết quả định tính cho thấy, ở mỗi học sinh lớp thực nghiệm đã có phản ứng tích cực rõ rệt với nội dung bài học. Những dấu hiệu bề ngoài: được tiếp xúc với các khái niệm và được củng cố kiến thức toán từ nhiều khía cạnh khác nhau, các bài tập được đưa ra có nội dung thực tiễn phong phú đã lôi cuốn được sự chú ý của học sinh, thúc đẩy các em suy nghĩ, tranh luận, tò mò. Học sinh cảm thấy tự tin hơn trước những tình huống thực tiễn mà các em gặp phải trong học tập cũng như trong cuộc sống; các em mải mê, chăm chú lắng nghe các ví dụ, tình huống thiết thực mà giáo viên đưa ra; thích thú, trao đổi, tranh luận, chủ động giơ tay phát biểu một cách nhiệt tình và rất hào hứng phát biểu ý kiến xây dựng bài.
Những dấu hiệu bên trong: Những dấu hiệu này cũng chỉ phát hiện được qua những biểu hiện bên ngoài. Các em tích cực sử dụng các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa,…vào việc giải quyết các nhiệm vụ nhận thức; có thái độ đúng đắn hơn khi nhìn nhận một vấn đề toán học, biết đi tìm cái gốc, cái bản chất của vấn đề. Đặc biệt, học sinh khá giỏi có thể vận dụng toán học vào những tình huống thực tiễn một cách nhanh chóng. Đối với học sinh có học lực yếu hơn, các em đã bớt lúng túng khi vận dụng toán học vào các tình huống gắn với thực tiễn đời sống, biết áp dụng kết quả của bài học vào giải bài toán thực tiễn. Đồng thời học sinh cũng có những biểu hiện của ý trí, sự nỗ lực thực hiện đến cùng những nhiệm vụ được giao.
b) Với hình thức ngoại khóa
Tất cả các nhóm học sinh được giao nhiệm vụ thực hành bày bán tại các gian hàng đều thành vượt mức nhiệm vụ. Từ những nguồn thông tin khác nhau có được từ việc tự tìm hiểu, thu thập tư liệu, hầu hết mỗi nhóm đều hoàn thành gấp đôi, gấp ba yêu cầu (đều thực hành cân đo, đong, đếm và giới thiệu về những hiểu biết của mình xung quanh sản phẩm mà mình bày bán). Trong buổi ngoại khóa toán học, học sinh tham gia sôi nổi, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với bạn bè. Các em say sưa với hoạt động tại gian hàng của mình, buổi ngoại khóa kéo dài hơn dự kiến mà học sinh vẫn chưa muốn kết thúc.
Các giáo viên đều ủng hộ việc thực hiện ngoại khóa toán học và ủng hộ hướng khai thác cụ thể đưa trong bài ngoại khóa được tiến hành. Hoạt động tiến hành trong buổi ngoại khóa và vận dụng trong những tình huống thực tiễn tương tự giúp học sinh thực hiện được một số kĩ năng toán học gần gũi với đời sống. Học sinh cũng tiếp thu tốt các nội dung ngoại khóa, rất vui thích với buổi ngoại khóa và mong được tiếp tục có những hoạt động như vậy. Các giáo viên còn cho rằng sau buổi ngoại khóa, học sinh thường nhắc đến nội dung của buổi ngoại khóa và quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề liên quan đến vận dụng toán học vào thực tiễn, thích tìm hiểu các vấn đề tương tự.