Phát triển con người toàn diện – “Phát triển sự phong phú của bản chất con người”

Một phần của tài liệu vấn đề phát triển con người toàn diện ở việt nam hiện nay (Trang 35 - 39)

năng lực và phẩm giá con người, loại trừ ra khỏi cuộc sống con người mọi sự “tha hóa” để con người được sống với cuộc sống đích thực của mình, được tự do phát triển và phát triển toàn diện.

2.1.1. Phát triển con người toàn diện – “Phát triển sự phong phú của bản chất con người” bản chất con người”

Theo C.Mác, con người là sản phẩm của sự phát triển cao nhất của tự nhiên, gắn bó chặt chẽ với tự nhiên – thân thể vô cơ của nó. Bằng hoạt động thực tiễn của mình, nhất là hoạt động sản xuất vật chất, con người đã biến thuộc tính tự nhiên của mình thành bản chất xã hội. Đó là con người hiện thực “bằng xương, bằng thịt” và chính việc thông qua sự “giao tiếp” với giới tự nhiên, con người đã nhận biết sâu sắc về tự nhiên. Trong quá trình chinh phục và cải biến giới tự nhiên, con người đã hoàn thiện chính bản thân mình. Sự phát triển và hoàn thiện con người làm cho con người có khả năng làm chủ tự nhiên. Từ và cùng với quá trình “giao tiếp” với giới tự nhiên, con người cũng thực hiện sự “giao tiếp” giữa người với người thông qua hoạt động thực tiễn hết sức phong phú của mình. Cũng nhờ vậy, con người hình thành nên những phẩm chất đặc thù của con người – phẩm chất xã hội. Theo Mác: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội” [84, tr.11].

Trong quan niệm của Mác, con người không chỉ là sản phẩm của lịch sử - xã hội, mà còn là chủ thể lịch sử, là “kẻ” sáng tạo ra lịch sử, do đó “tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống” [84, tr.29]. Từ quan niệm đó C.Mác khẳng định: Sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, trước hết phải có nghĩa là “sự phát triển phong phú của bản chất con người, coi như là một mục đích tự thân” [89, tr.168]. Theo đó, ý nghĩa lịch sử, mục đích cao cả của sự phát triển và tiến bộ xã hội là phát triển và nâng cao năng lực con người, để con người được sống với cuộc sống đích thực của mình, chứ không còn bị “tha hóa”.

Với C.Mác, nội hàm của khái niệm phát triển con người toàn diện là tương đối phong phú và đa dạng. Trước hết là giải phóng con người khỏi sự phiến diện, què quặt, tha hóa do tình trạng bóc lột và sự phân công lao động mà chủ nghĩa tư bản mang lại. Có thể nói, toàn bộ học thuyết Mác, xét đến cùng, hướng tới mục tiêu cao cả nhất là giải phóng con người. Cơ sở của quan điểm này là ở chỗ, bản chất con người là vươn tới “tự do” và “làm chủ”. Coi xã hội tư bản là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của nhân loại, song ở xã hội tư bản, khi một bộ phận người được tự do và làm chủ, còn đại bộ phận người lại bị “tha hóa”. Và khi coi việc “quy con người, một mặt, thành thành viên của xã hội công dân, thành cá nhân vị kỷ, độc lập, và mặt khác, thành công dân của nhà nước, thành pháp nhân là sự giải phóng chính trị” [82, tr.557], C.Mác xem đó là sự giải phóng con người khỏi sự khép kín về đẳng cấp, về địa vị, về vị trí của con người trong xã hội; là sự thừa nhận bản chất phổ biến của con người, thừa nhận bản tính loài của con người; là làm cho mỗi con người và cả cộng đồng nhân loại được sống trong hòa bình, nhân văn, nhân đạo và bình đẳng ... C.Mác còn cho rằng, mọi sự giải phóng con người đều phải “bao hàm ở chỗ là nó trả thế giới con người, những quan hệ của con người về với bản thân con người” [82, tr.557], chứ không phải ở tính cá nhân vị kỷ, là công dân của xã hội, chứ không phải công dân chính trị phụ thuộc vào nhà nước và là pháp nhân. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi con người nhận thức được và tổ chức được “những lực

lượng của bản thân thành những lực lượng xã hội và vì vậy sẽ không còn tách lực lượng xã hội dưới dạng lực lượng chính trị ra khỏi bản thân mình – chỉ khi ấy giải phóng con người mới được hoàn thiện” [82, tr.558]. Như vậy, theo C.Mác chỉ có đưa con người trở về với bản chất đích thực của con người mới thực sự là giải phóng con người. Và sự nghiệp giải phóng con người chỉ có thể thực hiện được bằng hoạt động thực tiễn, bằng cuộc đấu tranh để xóa bỏ sự tha hóa của con người, để con người được tự do và phát triển.

Trong xã hội tư bản, cơ sở của sự tha hóa con người, theo C.Mác, chính là chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu. Bởi thế, C.Mác cho rằng, việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa – thứ “sở hữu vận động trong sự đối lập giữa hai cực tư bản và lao động” là tiền đề cơ bản cho việc xóa bỏ mọi sự tha hóa của con người, cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng xã hội. Và đó cũng chính là tiền đề cho sự phát triển con người toàn diện. C.Mác viết:

Xuất phát từ quan hệ của lao động bị tha hóa khỏi sở hữu tư nhân, còn có thể kết luận thêm rằng sự giải phóng xã hội khỏi sự sở hữu tư nhân,..v.v.., khỏi sự nô dịch, trở thành hình thức chính trị của sự giải phóng công nhân, vả lại vấn đề ở đây không chỉ là sự giải phóng họ, vì sự giải phóng của họ bao hàm sự giải phóng toàn thể loài người [91, tr.143].

Với quan niệm đó, C.Mác cho rằng, lực lượng xã hội có sứ mệnh thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng con người là giai cấp vô sản. Luận điểm đó cũng cho thấy, C.Mác luôn đặt sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản trong mối quan hệ với giải phóng con người, giải phóng giai cấp và toàn thể loài người để con người, loài người nói chung, giai cấp vô sản nói riêng có điều kiện phát triển toàn diện.

Phát triển con người toàn diện trong tư tưởng C.Mác còn là phát triển tự do và làm chủ. Bản tính hoạt động để vươn tới “vương quốc của tự do” được C.Mác

xem như là điểm xuất phát cho phương hướng lý tưởng của con người, cho việc cải tạo xã hội để sao cho mỗi thành viên của xã hội có thể phát triển hoàn toàn tự do và

vận dụng tất cả mọi khả năng và sức lực của mình. Tự do ở đây, theo C.Mác trước hết được hiểu là con người phải nhận thức được quy luật, và “tự do” gắn liền với sự phát triển toàn diện của con người, như C.Mác đã nói trong “Lược thảo khoa kinh tế chính trị” rằng “cá nhân tự do xuất hiện trên cơ sở phát triển toàn diện con

người”. Đồng thời, “tự do” gắn với “làm chủ”, bởi vì việc nhận thức được quy luật chỉ là tiền đề của tự do. Trên cơ sở nhận thức được tính tất yếu của tự nhiên, của xã hội và chính bản thân mình, con người có thể làm cho bản thân mình tồn tại, phát triển phù hợp với tính tất yếu đó, hơn nữa, con người tự do khi con người có thể chi phối được thế giới bên ngoài và chính bản thân mình.

Phát triển con người toàn diện trong tư tưởng của C.Mác còn là phát triển cá tính, năng khiếu, sở thích, phát triển cá nhân con người với ý nghĩa đúng đắn và chân chính. C.Mác cho rằng:

Trong xã hội cộng sản, trong đó không ai bị hạn chế trong phạm vi hoạt động độc chuyên, mà mỗi người đều có thể tự hoàn thiện mình trong bất kỳ lĩnh vực nào thích, thì xã hội điều tiết toàn bộ nền sản xuất, thành thử tôi có khả năng hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, buổi sáng đi săn, quá trưa đi đánh cá, buổi chiều chăn nuôi, sau bữa cơm thì làm việc phê phán, tùy theo sở thích của tôi [84, tr.47].

Thông qua tự do hoạt động theo sở thích như vậy, con người có thể tìm thấy sự hứng thú và phát huy tốt yếu tố nội lực, hiệu quả trong hoạt động sẽ được nâng cao và tính tích cực của hoạt động đó sẽ đóng góp chung vào sự phát triển của xã hội. Với quan niệm này, C.Mác còn nhấn mạnh việc phải làm cho cá nhân phát triển toàn diện những năng khiếu của mình. Và theo ông, chỉ khi các cá nhân riêng biệt liên kết thành cộng đồng thực sự, họ mới có được sự phát triển toàn diện mọi năng lực, phẩm chất của mình. Ông viết: “Chỉ có trong cộng đồng cá nhân con người mới có được những phương tiện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình, và do đó, chỉ có trong cộng đồng, con người mới có thể có được tự do cá nhân” [84, tr.108]. Như vậy, theo C.Mác, sự phát triển của cá tính là một mặt của sự phát triển tự do. Và do đó, phát triển năng khiếu, cá tính chính là sự phát triển độc đáo của con người.

Bên cạnh phát triển quyền tự do theo sở thích, phát triển văn hóa cũng là

một nội dung quan trọng để hướng tới phát triển con người toàn diện. Con người

là chủ thể sáng tạo ra lịch sử xã hội. Trong những giá trị con người sáng tạo ra thì văn hóa là một sản phẩm đặc biệt, tính đặc biệt của nó ở “giá trị” văn hóa. Với tư cách là một bộ phận trong kiến trúc thượng tầng, các giá trị văn hóa trở thành cội nguồn của giá trị trong đời sống tinh thần con người. Nó không phải là cái có sẵn, bất biến, mà được hình thành, phát triển gắn liền với hoạt động của con người trong một hệ thống các hoạt động giao tiếp với tự nhiên, với con người, với tộc loại và với lịch sử. Quá trình giao tiếp này sản sinh ra và tiếp tục làm giàu thêm đời sống tinh thần, văn hóa của cộng đồng, dân tộc và nhân loại. Vì vậy, phát triển văn hóa là một yêu cầu quan trọng trong quá trình phát triển và hoàn thiện con người, bởi “mỗi bước tiến lên trên con đường văn hóa lại là một bước tiến tới tự do” [87, tr.164].

Như vậy, có thể nói phát triển con người trong tư tưởng của C.Mác là phát triển con người trong mối quan hệ hài hòa với tự nhiên và xã hội, phát triển các giá trị văn hóa – giá trị tinh thần của con người, phát triển sự phong phú của bản chất con người, nâng cao năng lực con người, giải phóng con người khỏi mọi sự tha hóa, khỏi sự phiến diện, què quặt do tình trạng bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở đó, con người phát triển cá tính, năng khiếu, sự tự do và năng lực làm chủ xã hội của mình.

Một phần của tài liệu vấn đề phát triển con người toàn diện ở việt nam hiện nay (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(165 trang)
w