phát triển chất lượng con người Việt Nam
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo là nhân tố quyết định đến phát triển chất lượng con người Việt Nam, là yếu tố đóng vai trò bậc nhất trong việc xây dựng con người Việt Nam mới - con người phát triển toàn diện.
Sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo ở nước ta xuất phát từ mặt bằng dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế và hạ tầng xã hội còn chưa cao; chúng ta lại đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, nên sự nghiệp đó lại càng đứng trước những yêu cầu mới cao hơn. Hơn nữa, những nỗ lực trong chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo chưa đạt được kết quả như mong đợi, nhiều yếu kém, bất cập trong giáo dục - đào tạo chưa được giải quyết, đổi mới, làm cho chất lượng con người Việt Nam chưa có tốc độ phát triển tương xứng với đòi hỏi của thực tiễn cách mạng nước ta trong thời kì mới. Chính vì vậy, việc làm khẩn thiết lúc này là chúng ta phải đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng trong đột phá về giáo dục - đào tạo, nhanh chóng thực hiện thành công chiến lược của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo – dục đào tạo 10 năm 2011 – 2020.
Đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo là một nội dung phong phú, song nó được hiểu là đổi mới hệ thống giáo dục; đổi mới về mục tiêu, nội dung, chương trình, sách giáo khoa - giáo trình; đổi mới các cấp bậc học và các loại hình giáo dục; đổi mới công tác tài chính trong giáo dục; đổi mới cơ sở vật chất - kỹ thuật của hoạt động giáo dục - đào tạo; đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo định hướng lấy người học làm trung tâm. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ thuật thực hành, khả năng lập nghiệp. Như vậy, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo thực chất là nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người Việt Nam về chất lượng, vừa có đức, vừa có tài, phát triển cả về đức, trí, thể, mỹ nhằm đáp ứng với đòi hỏi của thời đại mới.
Để thực hiện thắng lợi chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo chúng ta phải “thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo” [39, tr.216]. Trên tinh thần đó, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp sau đây:
Thứ nhất, quán triệt quan điểm “phát giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”
Từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (1997), Đảng ta đã coi phát triển giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Điều này đã được chúng ta triển khai thực hiện cả trên bình diện lý luận và thực tiễn. Chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trong tình hình mới, đất nước đang trong thời kì đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, vì thế phạm trù “giáo dục là quốc sách hàng đầu” cần phải được hiểu sâu sắc hơn nữa, phải thấy rằng đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư cho nhân tố con người, đầu tư cho sự phát triển. Chính vì vậy, chúng ta cần huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục - đào tạo. Trước tiên, chúng ta phải tăng cường nguồn đầu tư ngân sách cho giáo dục - đào tạo, nâng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo lên trên 20%/năm; đồng thời huy
động các nguồn lực xã hội khác cho phát triển giáo dục - đào tạo. Thực hiện huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn nguồn đầu tư cho giáo dục - đào tạo; đầu tư phải tập trung và hiệu quả, không bình quân, dàn trải. Có chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính cho các cơ sở giáo dục Việt Nam đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra chúng ta cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc đầu tư phát triển đào tạo nhân lực.
Thứ hai, thực hiện xã hội hóa giáo dục kết hợp với xây dựng mô hình giáo dục chất lượng cao; kết hợp nâng cao dân trí với bồi dưỡng và sử dụng nhân tài
Thực hiện điều này tức là chúng ta cần phát triển giáo dục - đào tạo theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Một mặt, chúng ta phải tạo ra một xã hội học tập, phổ cập giáo dục ngày càng cao, mở rộng một cách hợp lý hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học, các trường bán công, dân lập, trường công…, trong đó các trường công lập phải là nòng cốt. Tạo mọi điều kiện để cho mọi người được lựa chọn cách học phù hợp với các hình thức đào tạo từ xa, tập trung, không tập trung..., xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện và thu hút mọi thành viên trong xã hội có thể tham gia vào sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao dân trí. Hỗ trợ giáo dục đối với các vùng miền và người học được ưu tiên thông qua các phúc lợi về học bổng, học phí, tín dụng và mở rộng hệ thống đào tạo dự bị cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và thuộc diện chính sách xã hội; hỗ trợ đặc biệt cho người khuyết tật, trẻ em các dân tộc thiểu số ít người, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và trẻ em lang thang đường phố. Chúng ta cần hiểu rằng việc đổi mới, phát triển giáo dục - đào tạo như vậy, không chỉ là công việc của Đảng và Nhà nước mà còn là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; cần phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà.
Mặt khác, giáo dục - đào tạo cần phải có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta phải coi trọng giáo dục đại học và học nghề, giáo dục đại học và học nghề cần
phải trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội; thực hiện phân tầng chất lượng giáo dục, xây dựng và phát triển các chương trình, mô hình, cơ sở giáo dục tiên tiến, chất lượng cao; phát triển hệ thống các trường phổ thông chuyên; thực hiện phân tầng các cơ sở giáo dục đại học theo hướng nghiên cứu, định hướng thực hành và định hướng ứng dụng; thực hiện xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Hơn nữa, phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài: chú trọng đến việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ tài năng nhằm thu hút nhân tài phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Thứ ba, đổi mới công tác quản lý giáo dục
Công tác quản lý giáo dục - đào tạo là hết sức quan trọng. Nhưng chính công tác quản lý giáo dục - đào tạo là khâu đổi mới khó khăn nhất và chậm chạp nhất. Sự bất hợp lý và yếu kém ở nhiều khâu, nhiều nơi trong hệ thống giáo dục đang đặt ra cho chúng ta một nhiệm vụ là cần phải có những đổi mới có tính đột phá thực sự nhằm khắc phục những hậu quả của cả một nền giáo dục “cũ”, tạo ra một bộ mặt mới cho nền giáo dục nước nhà. Trước tiên, chúng ta phải đổi mới trong xây dựng luật giáo dục, luật giáo dục phải thực sự khoa học và sát thực để tạo ra một hành lang pháp lý, đảm bảo cho hoạt động giáo dục - đào tạo ổn định cả về qui mô, chất lượng, hiệu quả; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học giáo dục; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, quản lý cơ sở giáo dục và quá trình dạy học; tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục: chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai về chất lượng giáo dục, thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục; thực hiện đánh giá chuẩn quốc gia và tham gia đánh giá quốc tế về giáo dục.
Thứ tư, nội dung và phương pháp dạy và học phải hướng đến sự phát triển con người toàn diện
Trên quan điểm giáo dục nhằm xây dựng con người Việt Nam mới - phát triển toàn diện, nội dung dạy và học phải vừa đảm bảo tính khoa học vừa đảm bảo tính thực tiễn (nói cách khác là tính thời sự). Trước hết, phải chú trọng đào tạo trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến; đồng thời giáo dục - đào tạo phải hướng tới khơi dậy niềm tự hào và tự tôn dân tộc, đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống đạo đức, văn hóa. Theo quan điểm của Đảng, chúng ta phải:
Tăng cường giáo dục công dân, giáo dục tư tưởng - đạo đức, lòng yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lênin, đưa việc giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh vào nhà trường phù hợp với lứa tuổi và với từng bậc học. Coi trọng hơn nữa các môn khoa học xã hội và nhân văn, nhất là tiếng Việt, lịch sử dân tộc, địa lý và văn hoá Việt Nam [33, tr.40].
Đến Đại hội Đảng XI, Đảng ta tiếp tục đề ra mục tiêu phải “nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống” [39, tr.216].
Đổi mới phương pháp dạy và học theo định hướng coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học của học sinh ở tất cả các cấp. Việc đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy mạnh mẽ tính tích cực của người học là một nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng to lớn và luôn mang tính thời sự trong hoạt động giáo dục và đào tạo của nước ta. Do đó, Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 chỉ rõ: “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập,
rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học”. Và chỉ khi phát huy được tính tích cực, chủ
động của người học thì mới có thể phát triển toàn diện năng khiếu và năng lực của người học.
Thứ năm, chăm lo đến đội ngũ nhà giáo gắn với hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo
Yếu tố đóng vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục - đào tạo là đội ngũ giáo viên, vì vậy giáo viên phải có đủ đức, tài. Vấn đề là làm sao để khắc phục tình trạng giáo viên vừa thiếu, vừa yếu về năng lực như hiện nay? Để khắc phục tình trạng đó và để giáo viên có đủ đức, đủ tài, theo chúng tôi, cần phải thường xuyên bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học; phải kết hợp có hiệu quả giảng dạy với nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; cần phải có chính sách lương hợp lý để giáo viên đủ sống bằng nghề của mình, chuyên tâm vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đổi mới trong việc chăm lo đến đội ngũ giáo chức, tuy nhiên sự chăm lo đó chưa thực sự tương xứng với nhu cầu phát triển, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo còn thấp, làm cho đời sống giáo chức còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, những tác động của kinh tế thị trường làm cho không ít nhà giáo mất động lực cống hiến, sự chảy máu chất xám trong giáo dục vì thế đang trở thành vấn đề thời sự. Do vậy, phải có chế độ đãi ngộ thích đáng nhằm thu hút các nhà khoa học, các giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, có chính sách đặc biệt thu hút học sinh giỏi theo học ngành sư phạm.
Một nền giáo dục tiên tiến đòi hỏi phải có trang thiết bị hiện đại, vì vậy việc hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giáo dục - đào tạo cũng hết sức cần thiết. Chúng ta cần thực hiện xây dựng, mua sắm và chuyển giao trang thiết bị, công nghệ hiện đại cho giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề, tạo điều kiện cho việc áp dụng nội dung và phương pháp dạy - học tiên tiến. Hơn nữa, ở vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số, nhiều nơi thiết bị giáo dục thiếu thốn, lạc hậu; trường lớp đơn sơ, vì vậy phải có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cho những nơi này có cơ sở trường lớp khang trang, sạch đẹp, thực hiện xã hội hóa giáo dục nhằm nâng cao dân trí cho đồng bào.
Trong những năm gần đây, chính sách mở cửa, hội nhập trong giáo dục - đào tạo đã tạo điều kiện cho chúng ta lĩnh hội được nhiều thành tựu của những nền giáo dục phát triển. Song thành quả đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới trong hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo nhằm tận dụng những yếu tố ngoại lực về khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và nguồn đầu tư cho giáo dục – đào tạo; kết hợp chính sách đưa nhiều du học sinh nước ta đi học tập ở những môi trường giáo dục tiên tiến với thu hút nhiều du học sinh nước ngoài sang học tập tại Việt Nam. Phấn đấu đưa nền giáo dục nước nhà trở thành một nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, nền giáo dục - đào tạo tiên tiến là điều kiện cơ bản để phát triển chất lượng con người Việt Nam.