Thể lực là vốn năng lực bên trong con người được thể hiện trong quá trình hoạt động, vì thế nó là nhân tố góp phần quan trọng trong sự thành bại của hoạt động con người. Ông cha ta thường có câu “có sức khỏe là có tất cả”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nhấn mạnh: “Mỗi người dân yếu là cả dân tộc yếu”. Đúng vậy, trong giai đoạn hiện nay, khi loài người bước vào thời kì mới - thời kì khoa học, công nghệ phát triển cao và phát triển tri thức, mặc dù trí lực có vai trò hết sức quan trọng, song thể lực vẫn luôn đóng vai trò nền tảng và cần phải có trước tiên. Ý thức sâu sắc về vấn đề này, trong chiến lược phát triển con người Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến phát triển con người Việt Nam về mặt thể lực, và coi thể lực hay sức khỏe không chỉ là nền tảng cho sự phát triển con người toàn diện mà còn là vốn quý nhất và là nhân tố quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khoẻ” [30, tr.67]. Tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương xây dựng “chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người…không ngừng nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất” [39, tr.79].
Xuất phát từ nhận thức đó, trong suốt gần 30 năm đổi mới vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã không ngừng củng cố, phát triển thể lực con người Việt Nam.
3.1.1.1. Những thành tựu cơ bản trong phát triển con người Việt Nam về mặt thể lực
Khi chúng ta đề cập đến việc phát triển con người Việt Nam về mặt thể lực, chúng ta thấy rằng nó được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, bên cạnh những chỉ số phản ánh trực tiếp đến thể chất con người như tuổi thọ, cân nặng, chiều cao, sức khỏe sinh sản, những thành tích trong thể dục thể thao…chúng ta
cũng cần phải xem xét cả những nhân tố tác động đến sự phát triển đấy. Trong các nhân tố tác động đến phát triển thể chất con người Việt Nam, kinh tế là một nhân tố quan trọng. Kinh tế là nền tảng cho sự phát triển con người nói chung,
phát triển thể lực con người nói riêng. Như chúng tôi đã từng khẳng định: con người trước hết phải ăn, mặc, ở, đi lại. Mà muốn chăm lo tốt những mặt đó cho con người thì phải thúc đẩy sản xuất vật chất, phải không ngừng thúc đẩy quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Kết quả trực tiếp nhất phản ánh sức tăng trưởng kinh tế của một quốc gia là GDP của quốc gia đó, và GDP đầu người là một chỉ số quan trọng nhất phản ánh mức sống của dân cư. Vì vậy, trong chiến lược 10 năm phát triển kinh tế (2001 - 2010), Đảng ta đã xác định mục tiêu: “Đưa GDP năm 2010 lên ít nhất gấp đôi năm 2000...Tích lũy nội bộ nền kinh tế đạt trên 30% GDP...”, trên cơ sở đó, “nâng lên đáng kể chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta...Chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần được nâng lên rõ rệt trong môi trường an toàn, lành mạnh, môi trường tự nhiên được bảo vệ và cải thiện” [36, tr.159-160]. Tại Đại hội Đảng XI, Đảng ta đưa ra chỉ tiêu, đến năm 2015, GDP đầu người nước ta đạt 2.000 USD, và quan điểm của Đảng là phát triển kinh tế gắn liền với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân. Đó là chiến lược đột phá cho sự phát triển đất nước nói chung, phát triển con người và thể lực con người Việt Nam nói riêng.
Những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã nhanh chóng được hiện thực hóa. Thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế nước ta trong những năm vừa qua là rất đáng tự hào. Theo thống kê trong “Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006)”: nếu từ năm 1986 đến 1996, chúng ta mới chỉ từng bước khắc phục sự khủng khoảng kinh tế - xã hội thì từ năm 1996 đến nay, chúng ta đã đạt được nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 15 năm (1990 - 2005) đạt 7,5 %; thu nhập bình quân đầu người năm 1990 là 200 USD tăng lên khoảng 600 USD vào năm 2005 [2, tr.68-69]. Từ năm 2008 GDP đầu người nước ta đã vượt qua mốc 1.000 USD/Năm. Từ năm 2010 nước ta đã chuyển vị thế từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp); “Năm 2010…GDP bình quân đầu người của chúng ta đã đạt 1.168 USD” [39, tr.151]. Và theo dự báo của chính phủ (theo trang điện tử của chính phủ - VGP NEWS ngày 10/8/2013) GDP đầu người của Việt Nam có thể tăng từ 1.749 USD (năm 2012) lên 1.914 USD (năm 2013). Như vậy chúng ta sẽ có khả năng lớn đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng XI đặt ra đến năm 2015 đạt 2.000 USD và 3.000 USD vào năm 2020.
Sự tăng trưởng GDP đầu người của chúng ta tăng nhanh, đồng nghĩa với việc chỉ số thu nhập trong HDI của chúng ta cũng tăng nhanh: năm 1992 mới là 0,386, năm 2008 đã đạt 0,559. Và mức đóng góp của chỉ số này đối với chỉ số phát trển con người HDI cũng ngày càng tăng, tính giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2008, mức đóng góp của chỉ số GDP vào việc tăng trưởng HDI tới 48,95% [Bảng 2, phụ lục].
Tăng trưởng và phát triển kinh tế đã ra tạo nền tảng vật chất cho sự phát triển con người Việt Nam, trước hết là chăm lo thể lực con người. Song, không phải quốc gia nào có nền kinh tế tăng trưởng và phát triển cũng có sự phát triển con người cao. Với bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa tiến bộ, Đảng ta luôn gắn tăng trưởng và phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; gắn phát triển kinh tế với phát triển con người toàn diện. Vì vậy, với thành tựu kinh tế
nước ta như vậy, đã và đang tạo điều kiện rất tốt để nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, tập trung thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, cải tạo môi trường sinh thái, phát triển thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân.
Có thể nói, một trong những thành tựu lớn nhất trong phát triển con người ở nước ta là thành quả của chương trình xoá đói, giảm nghèo. Đây là mục tiêu đầu tiên và là một mục tiêu quan trọng nhất trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goal - MDG) mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký năm 2000. Trong giai đoạn 2000 - 2005, công tác xoá đói, giảm nghèo đã được chúng ta đẩy mạnh và nước ta đạt được kết quả rất ấn tượng. Nếu tính theo tiêu chuẩn quốc gia, năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta là 30% dân số, đến năm 2005, theo dự tính, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7% dân số. Nếu tính theo tiêu chuẩn quốc tế (tính theo 1 đôla/ngày/người), thì tỷ lệ nghèo chung ở nước ta đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2002, nếu tính theo tiêu chuẩn mới (2 đôla/ngày/người), thì hộ nghèo năm 2004 còn 27,5% [2, tr.79-80]. Với thành tựu này, “ngay từ năm 2002, Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá là hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch toàn cầu: giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2005” [2, tr.80]. Theo thống kê mới đây, “Tính chung cả năm 2012, cả nước có 450,3 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 27,6% so với năm 2011, tương ứng với 1911,8 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, giảm 26,9%. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2012 ước tính là 11,3 - 11,5%” [159]. Như vậy, xóa đói, giảm nghèo nhanh chóng, nhân dân có thu nhập ổn định sẽ có điều kiện thuận lợi cho các nhu cầu ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh…Cũng nhờ vậy, đã góp phần trực tiếp vào việc nâng cao sức khỏe nhân dân.
Về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được Đảng và Nhà nước ta
rất quan tâm, mức chi tiêu công cho y tế đã và đang tăng lên trong tổng GDP nhằm cung cấp những dịch vụ y tế sâu rộng và có chất lượng nhằm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, “năm 2008, tổng chi tiêu cho y tế từ tất cả các nguồn bao gồm chi tiêu của khu vực tư nhân của Việt Nam tương đương với 7,3% GDP, chi tiêu
của chính phủ tương đương 2,8% GDP” [168, tr.16]. Đây là mức đầu tư cho y tế khá cao so với một số nước có cùng mức thu nhập GDP như Việt Nam. Nhờ sự đầu tư như vậy, nước ta đã xây dựng một mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh rộng khắp: năm 2010 cả nước đã có 13.467 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện, bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, nhà hộ sinh, khu điều trị phong, phòng khám đa khoa khu vực; trạm y tế xã, phường, cơ quan, xí nghiệp; có trên 246.000 giường bệnh; trên 110.000 y bác sỹ; gần 301.000 dược sỹ. Số bác sỹ trên tổng số dân cao: 7,1 bác sỹ trên 1 vạn dân [152, tr.665-675]. Với cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực y tế phát triển như vậy, bước đầu chúng ta đã thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thể lực người Việt Nam.
Bên cạnh công tác phát triển y tế, thể dục, thể thao cũng được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Chính sách xã hội hóa thể dục, thể thao nhằm nâng cao thể lực con người Việt Nam được tăng cường. Các cơ sở thể dục thể, thao được xây dựng rộng khắp trong cả nước, chương trình giáo dục thể chất và kiến thức quốc phòng được đưa vào trong hầu hết các cấp bậc học. Bên cạnh thể dục, thể thao quần chúng, công tác phát triển thể thao chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp cũng được đầu tư thích đáng.
Môi trường sinh thái là nhân tố quan trọng tác động đến quá trình phát triển
thể lực con người. Chính vì vậy, Đảng ta đã coi “bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân” [39, tr.78]. Nhận thức sâu sắc quan điểm đó của Đảng, trong thời gian qua, chúng ta đã tích cực kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch; coi trọng nghiên cứu giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Kết quả là, bước đầu chúng ta đã dần khắc phục được những tác hại to lớn về thiên tai, bảo vệ và tái tạo rừng, nguồn nước và bầu khí quyển, góp phần to lớn vào việc nâng cao sức khỏe con người Việt Nam.
Những thành quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; phát triển thể dục, thể thao cũng như cải tạo môi trường sinh thái trên đây, đã tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển thể lực con người Việt Nam, điều đó được thể hiện trên các bình diện sau:
Tỷ lệ chết ở bà mẹ và trẻ em giảm đi nhanh chóng. Theo thống kê, ở nước ta “tỷ
lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58 trường hợp trên 1.000 ca năm 1999 xuống còn 24,4 trên 1.000 ca năm 2009, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 44,4 trên 1.000 ca xuống 16 trên 1.000 ca trong cùng thời gian này…, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ hiện nay là 69 trong 100.000 ca sinh và 94,8% ca sinh có nhân viên y tế có chuyên môn đỡ đẻ vào năm 2008” [168, tr.25-26]. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh sự phát triển về thể lực con người. Vì thế, tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc năm 2000, trong 8 mục tiêu có 1 mục tiêu đề cập cụ thể đến việc cải thiện tình trạng sức khỏe trẻ em. Đó là mục tiêu thiên niên kỷ số 4: giảm 2/3 tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 2000 - 2015. “Theo báo cáo...hiện nay mức tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta tương đương với tỷ suất của các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam 3 - 4 lần. Việt Nam có mức giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới năm tuổi cao hơn mức giảm trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” [150, tr.33]. Năm 2012 tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta chỉ còn 2,38/1.000. Với thành tích này, Việt Nam gần tiến đến mục tiêu thiên niên kỷ (dưới 2,0/1.000 vào năm 2015).
Trẻ em bị suy dinh dưỡng cũng giảm nhanh trong thời gian qua, “Nếu xét
theo cân nặng/tuổi, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 35,3% năm 1998 xuống 33,8% năm 2000, 31,9% năm 2001, 30% năm 2002, 28,4% năm 2003, 26,6% năm 2004 và 25,2% năm 2005” [103, tr.552]. Nhờ có những chính sách và sự đầu tư đúng đắn trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đến nay tỷ lệ này chỉ còn 16,2% (năm 2012).
Chiều cao và cân nặng của Người Việt Nam còn thấp bé so với nhiều nước
trung bình nam giới vào khoảng 1m65 - 1m68, trong đó có khoảng trên 10% nam giới cao trên 1m70; nữ cao trung bình từ 1m55 - 1m58, trong đó có khoảng 10% cao trên 1m60. Cân nặng trung bình nam giới khoảng từ 56 - 60 kg; nữ là 48 - 50 kg. Điều quan trọng là, những chỉ số đó của thế hệ trẻ ở nước ta có xu hướng ngày càng phát triển cao.
Bên cạnh đó, những nghiên cứu gần đây cho thấy, người Việt Nam hiện nay ngày càng có sức bền, sức dẻo, sức nhanh hơn. Có được nền tảng thể lực rồi rào sẽ là tiền đề quan trọng cho hoạt động sống của người Việt Nam trong thời đại mới.
Nhờ quan tâm phát triển thể dục, thể thao, chúng ta cũng đã đạt nhiều thành
tích trong thi đấu thể thao. Trên đấu trường khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn
nằm trong tốp đầu tại khu vực ASEAN trong các kì SEGAME, chỉ tính riêng năm 2010 các vận động viên thể thao nước nhà đã giành được tổng cộng 700 huy chương các loại trong các giải đấu khu vực và thế giới, trong đó có 289 huy chương vàng, 218 huy chương bạc, 193 huy chương đồng. Những thành tích đó, đã thể hiện sự cố gắng vươn lên trong phát triển thể lực của người dân Việt Nam. Trong những thành quả nêu trên, tuổi thọ là nhân tố phản ánh có tính chất
đầy đủ và khái quát nhất về sự phát triển thể lực con người Việt Nam. Những thay đổi có xu hướng tăng về tuổi thọ ở nước ta trong những năm qua cho thấy, thể lực của người Việt Nam được cải thiện rõ rệt: Năm 1999 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ là 70,9 và đã tăng lên khá nhanh. Năm 2004 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 72,1 tuổi, năm 2006 là 72,8 tuổi, 2008 là 73,2 tuổi, năm 2010 là 72,9 và đến năm 2012 là 73,0 tuổi [158, tr.31]. Theo mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, đến năm 2020 tuổi thọ trung bình của Người Việt Nam đạt 75 tuổi. Đây là mức tuổi thọ khá cao so với các nước có trình độ phát triển kinh tế - xã hội tương đương với Việt Nam.