Với chủ trương tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta đã khẳng định, phát triển con người toàn diện vừa là mục tiêu cơ bản, vừa là động lực chủ yếu của cách mạng nước ta. Đồng thời xác định, mọi chính sách xã hội phải nhằm phát huy vai trò con người, xây dựng và phát triển con người toàn diện. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đại hội Đảng lần thứ VII (1991), Đảng ta đã xác định rõ: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội mà ở đó, “con người được giải phóng khỏi áp bức bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân” [29, tr.9]. Chủ trương đó của Đảng ta đã được khẳng định và tiếp tục phát
triển, cụ thể hóa trong các cương lĩnh, nghị quyết ở giai đoạn tiếp theo. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta cũng xác định rõ cách mạng Việt Nam “nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người” [34, tr.55-56]; tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ
yếu và là mục tiêu của sự phát triển” [39, tr.30]. Điều đó cho thấy, Đảng ta luôn
coi phát triển con người toàn diện là bản chất của chế độ ta và là mục tiêu, là động lực của toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta. Có thể nói, đây là định hướng
mang tính chủ đạo trong quá trình phát triển con người toàn diện ở Việt Nam hiện
nay.
Mục tiêu của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế là phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công
nghiệp theo hướng hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Về thực chất, đó là sự phát triển vì con người, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho quần chúng nhân dân lao động Việt Nam.
Việc xác định con người phát triển toàn diện là động lực và hơn nữa là động lực chủ yếu nhất của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới cho thấy Đảng ta đã nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của nhân tố con người. Chúng ta đều biết rằng, trong các yếu tố của lực lượng sản xuất xã hội thì các yếu tố, như đối tượng lao động, khoa học, nhất là khoa học kỹ thuật và công nghệ, công cụ và phương tiện lao động không thể thiếu trong quá trình sản xuất, song người lao động mới là nhân tố quan trọng nhất, quyết định quá trình sản xuất, người lao động cũng chính là chủ thể của nền sản xuất xã hội. Hơn nữa, hiện nay khi mà loài người đang phải đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, còn những nguồn lực khác, như nguồn vốn đang có sức cạnh tranh khốc liệt. Và trong bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế tri thức, thì nguồn lực con người, nhất là nguồn lực tri thức của con người trở thành nguồn lực vô tận. Chính vì vậy, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế đòi hỏi mỗi chúng ta phải nhận thức một cách sâu sắc những giá trị lớn lao và ý nghĩa quyết định của nhân tố con người, thấy rõ vai trò của con người trong mọi sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên thực tế và trong quan niệm của mỗi chúng ta, con người ngày càng thể hiện rõ vai trò là chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất và văn hoá, mọi nền văn minh. Bởi vậy, để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế ở một nước vẫn còn trong tình trạng chậm phát triển như nước ta, chúng ta không thể không phát triển con người Việt Nam thành những con người phát triển toàn diện. Chỉ với những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, về khả năng lao động, về tính tích cực chính trị – xã hội, về đạo đức, tình cảm trong sáng, chúng ta mới có thể đưa sự nghiệp lớn lao đó đến thành công.