Qua phân tích thực trạng sử dụng vốn tại Tổng công ty Viglacera - CTCP qua giai đoạn 2018 - 2020 cho thấy, nguồn vốn của Tổng công ty huy động được phần lớn đến từ nguồn vốn bên ngoài cụ thể là nguồn vốn tín dụng, nợ ngắn hạn ngày một tăng lên, hệ số vốn chủ sở hữu giảm, hệ số nợ tăng dần, tỉ suất tự tài trợ TSDH thấp và năm 2020 một phần TSDH đang được tài trợ từ nợ ngắn hạn. Đây là cơ cấu vốn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nhất là trong tình hình kinh tế biến động và ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như hiện tại. Trong các năm tới, Tổng công ty nên điều chỉnh tăng nguồn vốn chủ sở hữu và giảm dần nguồn vốn vay nợ để giảm sức ép về thanh toán nhằm tránh những rủi ro từ thị trường.
Thời gian tới, Tổng công ty cần nghiên cứu những phương án tài chính cụ thể để xác định chi phí sử dụng vốn thích hợp lý, có thể xem xét đến phương án phát hành trái phiếu. Hiện tại, kênh huy động vốn của Tổng công ty đến từ vốn vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và thuê tài chính, phát hành cổ phiếu nhưng chủ yếu vẫn
là vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ. Việc sử dụng nguồn vốn từ vay ngân hàng sẽ đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với quy mô nhỏ và sử dụng ngắn hạn. Tổng công ty có thể nghiên cứu các quy định luật pháp cụ thể để tận dụng được huy động vốn từ nguồn phát hành trái phiếu hoặc thuê tài chính nhiều hơn để phục vụ cho hoạt động SXKD của mình. Mặt khác, muốn tiếp cận được những nguồn vốn có chi phí huy động thấp, Tổng công ty cần giữ uy tín trong việc thanh toán nợ đối với ngân hàng, đối với khách hàng, cổ đông. Có như vậy các đợt phát hành huy động vốn mới trở nên thu hút nhà đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả huy động vốn của Tổng công ty.
Trong công tác quản trị và tái cơ cấu của Tổng công ty, Viglacera nên quản trị vốn theo hướng tăng vốn điều lệ tại các đơn vị thành viên (Công ty Cp Viglacera Tiên Sơn, Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu Viglacera, Công ty CP phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ - Hưng Yên, Công ty CP Viglacera Vân Hải) để thực hiện các dự án trọng điểm đồng thời tiếp tục thoái vốn tại các công ty con, công ty liên doanh liên kết có kết quả kinh doanh kém hiệu quả hoặc có công nghệ/thiết bị, sản phẩm lạc hậu như đã làm với các công ty cổ phần: Viglacera Từ Sơn, Viglacera Hạ Long I, Viglacera Hợp Thịnh và Viglacera Từ Liêm.