Khi nghiên cứu về vốn, chúng ta đang đề cập đến trạng thái tồn tại vật chất, còn khi nghiên cứu nguồn vốn có nghĩa là chúng ta đang xem xét các quyền sở hữu và nguồn tài trợ hình thành nên vốn. Do đó, ở góc độ kế toán, chúng ta có thể thấy rằng vốn (hay tài sản) và nguồn vốn là hai cách phân loại khác nhau nhằm làm rõ tính hai mặt của vốn kinh doanh trong doanh nghiệp.
Mối quan hệ giữa vốn và nguồn vốn thể hiện ở điểm: bất kỳ một vốn (tài sản) nào đều được hình thành từ một hoặc một số nguồn nhất định, và một nguồn vốn nào đó có thể được biểu hiện bởi một hoặc nhiều vốn (tài sản) khác nhau. Mối quan hệ này thể hiện rõ ở phương trình kế toán cơ bản sau:
Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn
Hay Tổng vốn = Tổng nguồn vốn
Hay TSNH + TSDH = NPT + VCSH
Hay Vốn ngắn hạn + Vốn dài hạn = NPT + VCSH 1.2. Năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp
1.2.1. Khái niệm
1.2.1.1. Khái niệm về năng lực sử dụng vốn
Năng lực là một thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều không chỉ đối với con người như năng lực của người lao động, năng lực của các nhà quản trị doanh nghiệp mà còn mở rộng hơn như năng lực của dây chuyền sản xuất, năng lực của bộ máy Nhà nước, năng lực của doanh nghiệp, … Theo từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Hà Nội - Đà Nẵng 2000, “năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó” [40, trang 660, 661].
Để đánh giá năng lực nói chung cũng như năng lực sử dụng vốn nói riêng, ta cần xem xét trong trạng thái tĩnh lẫn trạng thái động. Trạng thái tĩnh ở đây được hiểu là năng lực có thể là kết quả của những yếu tố sẵn có (yếu tố khách quan) hay chính là lợi thế mà chủ thể sở hữu. Tuy nhiên, trên thực tế, để có cái nhìn bao quát và toàn
diện hơn khi phân tích về năng lực, ta không chỉ xem xét riêng lợi thế có sẵn của chủ thể mà còn phải đánh giá đến những yếu tố chủ quan như bản thân sự vận động, nỗ lực, phấn đấu để đạt được năng lực theo ý muốn. Như vậy, theo tác giả nhìn nhận, năng lực là “khả năng thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của một chủ thể đối với hoạt động nào đó thể hiện trình độ của chủ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra dựa trên những yếu tố khách quan (sẵn có) hoặc/và yếu tố chủ quan của chủ thể đó.”
Năng lực của một chủ thể có thể được đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau như năng lực tư duy; năng lực tổ chức, sáng tạo; năng lực tài chính; năng lực cạnh tranh, năng lực pháp luật… Năng lực biểu hiện ở quá trình hoạt động (hiệu suất, phương thức, tốc độ và phong cách làm việc) và kết quả hoạt động (sản lượng, năng suất và chất lượng sản phẩm). (PGS.TS Đặng Thành Hưng 2012, tr. 19). Do đó, năng lực sử dụng vốn là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của một chủ thể mà mỗi chủ thể có những đặc điểm và mục tiêu hoạt động riêng biệt vì vậy năng lực nói chung hay năng lực sử dụng vốn nói riêng cũng khác nhau giữa các chủ thể. Từ đây ta thấy năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp là một phạm trù mang tính riêng biệt, do đó tác giả sẽ phân tích từ cái chung đến cái riêng, từ cái bao quát đến cái cụ thể để làm rõ nội hàm quan niệm về năng lực sử dụng vốn.
Theo tác giả Nguyễn Thị Tuyết, luận án “Giải pháp nâng cao năng lực tài chính của các doanh nghiệp niêm yết ngành xây dựng Việt Nam” cho rằng, “năng lực tài chính của doanh nghiệp là khả năng huy động, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính của doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích mà doanh nghiệp đề ra. Mặt khác, nguồn tài chính của doanh nghiệp thực chất là nguồn vốn mà doanh nghiệp có khả năng huy động đáp ứng nhu cầu vốn cho các hoạt động của doanh nghiệp [1, trang 18]. Nói cách khác, năng lực tài chính của doanh nghiệp là năng lực huy động, quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích doanh nghiệp đề ra. Trong phạm vi luận án này, tác giả chỉ đề cập đến năng lực hay khả năng quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích doanh nghiệp đề ra.
Trên cơ sở xâu chuỗi các nội dung phân tích trên, kế thừa quan điểm của tác giả đi trước, tác giả luận án cho rằng: “Năng lực sử dụng vốn là khả năng sử dụng vốn
để thực hiện mục tiêu doanh nghiệp đề ra dựa trên những yếu tố khách quan hoặc/và chủ quan của doanh nghiệp.”
Năng lực sử dụng vốn có liên quan mật thiết đến hiệu quả sử dụng vốn bởi theo tác giả Hà Thị Kim Duyên, luận văn “Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của công ty cổ phần xây dựng điện VNECO 8” quan niệm: “hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ khai thác, sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp vào hoạt động SXKD nhằm mục đích sinh lời tối đa với chi phí thấp nhất.” Do đó, việc phản ánh trình độ khai thác, sử dụng vốn của doanh nghiệp chính là thể hiện năng lực khai thác, sử dụng vốn của doanh nghiệp vào hoạt động SXKD nhằm đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.
Mục tiêu tối đa của doanh nghiệp là tối đa hóa giá trị cổ đông mà để làm được điều này, doanh nghiệp cần tìm mọi biện pháp để duy trì và gia tăng lợi nhuận kiếm được thông qua việc đưa ra chính sách giá cả hợp lý, gia tăng số lượng khách hàng để tăng thêm doanh thu, hơn thế nữa kiểm soát chặt chẽ chi phí và tiết kiệm chi phí cũng như luôn đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Vì vậy, để đánh giá năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp, ta cần xem xét thông qua hiệu quả SXKD nói chung hay hiệu quả sử dụng vốn nói riêng của doanh nghiệp đó bởi có năng lực sử dụng vốn tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh tốt. Đánh giá năng lực sử dụng vốn là để xem với khả năng quản lý và sử dụng nguồn vốn hiện có, doanh nghiệp có tạo ra hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn tài chính hay không.
Hiệu quả SXKD là một phạm trù phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu kinh doanh xác định. Hiệu quả kinh doanh gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiệu quả kinh doanh = Kết quả đầu ra/ Kết quả đầu vào Hoặc H = K - C
Trong đó: H là hiệu quả kinh doanh tuyệt đối K là kết quả đạt được theo mục tiêu đề ra C là chi phí bỏ ra
Thông thường, hiệu quả kinh doanh tuyệt đối thường được xác định là lợi nhuận trong kỳ; K là kết quả kinh doanh. Từ đây có thể thấy, hiệu quả kinh doanh và kết quả kinh doanh là hai khái niệm khác nhau. Kết quả kinh doanh thể hiện về mặt hình thức hoạt động kinh tế thu được như sản lượng tiêu thụ, doanh thu, …, trong đó, hiệu quả kinh doanh thể hiện về mặt chất lượng của hoạt động cụ thể như cho thấy kết quả kinh doanh đó được tạo ra bằng cách nào, sử dụng các nguồn lực ra sao, và được tính bằng tỉ số giữa kết quả và chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó.
1.2.2. Sự cần thiết nâng cao năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt, doanh nghiệp không chỉ cần chú trọng tăng trưởng doanh thu mà phải còn làm thế nào để bảo toàn nguồn vốn và đứng vững nhất là vào những thời điểm thị trường không thuận lợi, có những diễn biến đi ngược với những định hướng kinh doanh đã đề ra. Do đó, năng lực sử dụng vốn ảnh hưởng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, việc tăng cường và phát triển năng lực sử dụng vốn được coi là cần thiết vì những lí do sau đây:
Thứ nhất, xuất phát từ vai trò của vốn trong doanh nghiệp. Như đã trình bày trong chương I, có thể thấy vốn là một nguồn lực vô cùng cần thiết, như một mạch máu nuôi sống toàn bộ các hoạt động khác như hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ; hoạt động đầu tư mua máy móc, trang thiết bị mở rộng sản xuất, hoạt động liên doanh liên kết với các công ty khác,…. Vì vậy, nâng cao năng lực sử dụng vốn trở thành đòi hỏi điều hiển nhiên, tất yếu khách quan trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ hai, nâng cao năng lực sử dụng vốn giúp đảm bảo khả năng an toàn tài chính. Muốn phát triển xa, muốn đi đường dài trong con đường kinh doanh, điều quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo được nguồn vốn đủ cho các hoạt động của doanh nghiệp và đứng vững trong các điều kiện kinh tế khó khăn để giảm thiểu bớt rủi ro gặp phải trong kinh doanh. Việc đảm bảo huy động đúng và đủ nguồn vốn cũng như đảm bảo khả năng thanh khoản sẽ giúp doanh nghiệp phát triển ngày một bền vững.
Thứ ba, nâng cao năng lực sử dụng vốn cho ta biết trình độ quản lý, sử dụng các nguồn lực có sẵn của doanh nghiệp, đồng thời giúp cho nhà quản lý doanh nghiệp đánh giá chung về nguồn lực của mình và đưa ra các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đó. Trước nhu cầu ngày càng một gia tăng của xã hội nói chung, nhu cầu của doanh nghiệp nói riêng, trong khi các nguồn lực đầu vào hữu hạn buộc doanh nghiệp phải sử dụng hợp lý các nguồn lực ấy để phục vụ sản xuất đảm bảo chi phí thấp nhất mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Thứ tư, nâng cao năng lực sử dụng vốn là nhân tố thúc đẩy cạnh tranh và tiến bộ trong kinh doanh. Chấp nhận cơ chế thị trường là chấp nhận sự cạnh tranh. Thị trường càng phát triển thì các doanh nghiệp càng phải cạnh tranh khốc liệt. Cạnh tranh không chỉ diễn ra trên quy mô từ hàng hóa (chất lượng, mẫu mã, giá cả, …) mà còn cạnh tranh về công nghệ, con người, uy tín, danh tiếng trên thị trường, cạnh tranh không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thới giới cùng với thời đại công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão.
1.2.3. Hệ thống các chỉ tiêu phản ánh năng lực sử dụng vốn
1.2.3.1. Phân tích cơ cấu tài chính
Phân tích cơ cấu tài chính là việc xem xét cả cơ cấu vốn, cơ cấu nguồn vốn; mối quan hệ giữa vốn với nguồn vốn bởi cơ cấu vốn phản ánh tình hình sử dụng vốn, cơ cấu nguồn vốn phản ánh tình hình huy động vốn, còn mối quan hệ giữa vốn và nguồn vốn phản ánh chính sách sử dụng vốn của doanh nghiệp. Chính sách huy động, sử dụng vốn một mặt phản ánh nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh, mặt khác có quan hệ trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp từ đó phản ánh năng lực sử dụng vốn của doanh nghiệp là tốt hay còn hạn chế.
Phương pháp phân tích cơ cấu tài chính là phương pháp so sánh: so sánh ngang và so sánh dọc giữa kỳ phân tích và kỳ gốc về cả tỉ trọng lẫn mức độ biến động của từng nguồn vốn cũng như tổng nguồn vốn.
Việc phân tích cơ cấu tài chính giúp chúng ta thấy được những đặc trưng trong cơ cấu vốn và nguồn vốn của doanh nghiệp, từ đó xác định được tính hợp lý của việc
sử dụng vốn đồng thời có thể đánh giá mức độ tự chủ về tài sản của doanh nghiệp. Nó cho thấy mối quan hệ giữa nguồn lực tài chính đóng góp cho doanh nghiệp từ chủ sở hữu với nguồn lực tài chính đóng góp từ các đối tượng bên ngoài dưới dạng vốn vay, từ đó có thể đánh giá doanh nghiệp có đang duy trì một cơ cấu vốn rủi ro, mạo hiểm hay không.
Để đánh giá mức độ tự chủ về tài chính của doanh nghiệp, ta có các chỉ tiêu sau đây:
- Hệ số nợ:
Hệ số nợ = Tổng nợ phải trả Tổng tài sản
=1- Hệ số vốn chủ sở hữu
Tỉ số này cho biết bao nhiêu phần trăm tài sản của doanh nghiệp là từ đi vay, qua đó cho thấy mức độ tự chủ tài chính của doanh nghiệp. Tỉ số này càng nhỏ chứng tỏ doanh nghiệp vay ít, hay nói cách khác là ít phụ thuộc vào chủ nợ, cho thấy mức độ tự chủ tài chính cao. Tuy nhiên, nếu quá nhỏ, nó cũng cho thấy doanh nghiệp chưa biết cách khai thác đòn bẩy tài chính để gia tăng lợi nhuận. Ngược lại, nếu tỉ số này quá cao chứng tỏ thực lực tài chính của doanh nghiệp kém, chủ yếu huy động vốn từ đi vay. Điều này cho thấy ban quản trị doanh nghiệp đang duy trì một cơ cấu vốn khá rủi ro và mạo hiểm.
Khi sử dụng tỉ số này, không nên áp dụng riêng lẻ một mình mà cần phải so sánh với tỷ số bình quân toàn ngành. Hệ số này không nên vượt quá 1.
- Hệ số vốn chủ sở hữu (VCSH)
Hệ số VCSH = VCSH Tổng tài sản
=1- Hệ số nợ
Hệ số vốn chủ sở hữu hay tỉ suất tự tài trợ càng cao càng thể hiện mức độ tự chủ tài chính tốt và ngược lại.
- Tỉ suất tự tài trợ tài sản dài hạn: phản ánh mức độ đầu tư vào tài sản dài hạn bằng nguồn vốn chủ sở hữu.
Tỉ suất tự tài trợ tài sản dài hạn=Vốn chủ sở hữu
Tài sản dài hạn
Tỉ số này lớn hơn 1 thể hiện tài sản dài hạn được tài trợ hoàn toàn bởi vốn chủ sở hữu, đây là một cơ cấu đem đến sự an toàn cho doanh nghiệp. Ngược lại, nhỏ hơn 1 có nghĩa là một phần tài sản dài hạn được tài trợ từ nguồn vốn vay. Nếu nguồn vốn vay đó là vốn ngắn hạn thì càng cho thấy doanh nghiệp đang duy trì một cơ cấu vốn mạo hiểm.
Hệ số này đo lường khả năng của doanh nghiệp trong việc trả nợ tiền vay bằng các khoản lợi nhuận từ tất cả các hoạt động trong kỳ (hoạt động SXKD, hoạt động tài chính, hoạt động khác).
- Vốn lưu động ròng (VLĐR)
VLĐR là sự chênh lệch giữa tổng tài sản lưu động (TSNH) với các khoản nợ ngắn hạn.
Việc tính toán VLĐR có ý nghĩa cho thấy doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn không hay nói cách khác, TSNH có đủ khả năng trả các khoản nợ ngắn hạn không. TSDH có được tài trợ vững chắc bằng nguồn vốn dài hạn không. Xét về góc độ kinh tế, VLĐR dùng để đánh giá cách thức tài trợ vốn lưu động của doanh nghiệp.
VLĐR = TSNH - Nợ ngắn hạn
VLĐR > 0 nghĩa là nguồn vốn dài hạn không chỉ có đủ khả năng tài trợ cho TSCĐ và TSDH khác mà một phần còn đủ để tài trợ cho TSNH. Đây cho thấy cơ cấu tài chính rất vững mạnh của doanh nghiệp.
VLĐR < 0 nghĩa là một phần TSDH được tài trợ bởi nguồn vốn ngắn hạn. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy sự mất cân đối tài chính, dẫn đến sử dụng nguồn vốn sai, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Nếu điều này diễn ra trong
một thời gian dài, doanh nghiệp có nguy cơ phải bán các TSDH để trả nợ, nếu không thể khắc phục có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.
VLĐR = 0 nghĩa là nguồn vốn ngắn hạn vừa đủ để tài trợ TSNH và cho thấy sự cân bằng trong cơ cấu tài chính. Tuy vậy, doanh nghiệp cần cải thiện hơn nữa việc sử dụng tài sản để tạo ra tính ổn định trong hoạt động kinh doanh, nhất là với những ngành có vòng quay vốn chậm.