3.3.1.1. Xây dựng môi trường kinh tế xã hội ổn định
Đối với các doanh nghiệp, môi trường vĩ mô thiếu ổn định thường tạo ra nhiều rủi ro cho hoạt động SXKD. Vì vậy, việc tiếp tục xây dựng môi trường kinh tế xã hội ổn định là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Để đảm bảo sự tăng trưởng
bền vững của nền kinh tế, Nhà nước cần hoạch định và ban hành các chính sách kinh tế (chính sách đầu tư, chính sách tiền tệ, chính sách thuế, …) phù hợp với diễn biến của nền kinh tế. Đặc biệt, trong những trường hợp nền kinh tế gặp rủi ro bất ngờ như dịch bệnh Covid -19 và rủi ro về thiên tai, bão lũ trong năm 2020, Nhà nước cần có những phương án đề phòng rủi ro, có những chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn như cơ cấu nợ, miễn giảm, hạ lãi suất cho vay; chính sách hỗ trợ về thuế, …Một môi trường kinh tế tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, duy trì lãi suất và tỉ giá ổn định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn.
3.3.1.2. Phát triển thị trường vốn, tạo kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp
Bên cạnh kênh huy động vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp còn có thể huy động vốn thông qua trường vốn bao gồm phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu. Đây dần trở thành một kênh huy động vô cùng cần thiết cho doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần chú trọng hơn nữa trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ của thị trường vốn, thị trường chứng khoán trên nguyên tắc tôn trọng các quy luật thị trường, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và phù hợp với các thông lệ quốc tế. Xây dựng các luật pháp đồng bộ về niêm yết trái phiếu, cổ phiếu… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn phục vụ mục đích kinh doanh.
Có biện pháp tái cấu trúc TTCK bao gồm: hoàn thiện và nâng cao tiêu chí phát hành, xây dựng các nhà kinh doanh trái phiếu sơ cấp, tạo sự liên kết giữa nhà đầu tư sơ cấp và thứ cấp, xây dựng định mức tín nhiệm hoàn thiện, rõ ràng, hoàn thiện hệ thống giao dịch, thanh toán, công bố thông tin, xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư, có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có mục tiêu dài hạn đầu tư vào doanh nghiệp, thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước trong và ngoài nước trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động giám sát.
3.3.1.3. Hoàn thiện chính sách cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước
Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được thực hiện thông qua tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc thoái vốn mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, cho nhà đầu tư và ngân sách Nhà nước. Cụ thể, khi bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ mang về cho ngân sách một khoản tiền lớn để đầu tư cho các nguồn lực quốc gia; nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lựa chọn về cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt, quy mô vốn hóa lớn từ đó nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức đều bớt e ngại khi tham gia vào thị trường; đối với doanh nghiệp, khi Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối sẽ tạo điều kiện đổi mới trong việc phát triển và quản trị doanh nghiệp. Với những lợi ích như vậy, Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể cần đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, xử lý triệt để những vi phạm, yếu kém trong quá trình sử dụng vốn Nhà nước, đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát vốn,… dẫn đến hiệu quả kinh doanh kém không hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Ngoài ra, quy trình thoái vốn cần cẩn trọng trong việc giám sát, phê duyệt và phải công khai, minh bạch trong việc định giá, đánh giá tài sản nhằm đảm bảo lợi ích cho cả nhà đầu tư lẫn Nhà nước.