Việt Nam hiện là một trong số ít những quốc gia trên thế giới có tốc độ phát triển và sử dụng các ứng dụng mạng internet rất cao. Số liệu thống kê cho thấy, tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2017, Việt Nam đã đạt con số khoảng 50 triệu người sử dụng internet chỉ trong 20 năm phát triển, đứng thứ 20 trên thế giới về các quốc gia có số người sử dụng internet nhiều nhất. Năm 2019, số lượng người sử dụng internet của Việt Nam đã đạt hơn 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số (66%), tăng hơn 19% so với năm 2018, xếp thứ 13 trên thế giới về số người dùng, trong đó có 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google [55, tr.2]. Có được tốc độ phát triển như trên, các chủ thể pháp luật đã thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật về ANM một cách tự giác và tích cực.
Chính sách của Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu bảo vệ quyền con người, quyền công dân lên trên hết và trước hết. Theo đó, xây dựng KGM lành mạnh không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thực tế cho thấy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tích cực và chủ động hơn trong việc sử dụng pháp luật về ANM để thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Các cá nhân được pháp luật về ANM bảo vệ quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật mà không phân biệt tuổi tác, giới tính, nhóm người, dân tộc. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp
luậ và có quyền được bảo vệ trước các hành vi vi phạm pháp luật. Các cá nhân có quyền không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín và có quyền không bị xâm hại danh dự hay uy tín cá nhân.
Trong thời đại công nghệ số hóa phát triển mạnh mẽ, để sử dụng dịch vụ trên KGM với các mục đích khác nhau, các cá nhân có quyền đưa thông tin cá nhân lên KGM, nhưng nhiều người còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ mặt trái của việc này. Đây là kẽ hở cho một số chủ thể có thể lợi dụng nguồn dữ liệu thông tin cá nhân này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó quyền con người, quyền công dân bị xâm hại, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên KGM. Hiện tượng giả mạo đồng nghiệp, người thân, bạn bè khi chưa được phép để lừa đảo, nhắn tin tống tiền, quấy rối, đe dọa, thậm chí khủng bố dẫn đến tổn hại về tinh thần, danh dự, nhân phẩm, uy tín, lợi ích vật chất,... diễn ra thường xuyên trên KGM. Đặc biệt, đáng chú ý trong vụ lộ thông tin cá nhân người dùng Facebook năm 2019 vừa qua, có 427.446 tài khoản người dùng Việt Nam (đứng thứ 9 trên thế giới) bị lộ. Thông tin cá nhân được cho là của khoảng 24.853.850 tài khoản Zing ID của Công ty cổ phần VNG được rao bán trên diễn đàn Raidforums. Bên cạnh việc dữ liệu cá nhân bị xâm phạm, cơ sở dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp cũng bị tấn công. Cơ sở dữ liệu có thể coi là một loại dầu hỏa mới (new oil), có thể được mua, bán và là nguồn tài nguyên chiến lược của đất nước [123, p.19]. Kẻ tấn công lợi dụng lỗ hổng của việc kiểm tra dữ liệu đầu vào trong các ứng dụng web và thông báo lỗi của hệ quản trị cơ sở dữ liệu trả về để thực hiện các câu lệnh truy vấn dữ liệu bất hợp pháp bằng thao tác thêm, xóa, cập nhật,... dữ liệu. Năm 2016, gần 7000 trang thông tin điện tử bị tin tặc tấn công lấy cắp dữ liệu, trong đó nhiều thiết bị IoT có lỗ hổng bảo mật. Vụ tấn công mã độc WannaCry đã xâm phạm quyền được bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đặt ra vấn đề các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cần nhanh chóng xác định nguồn dữ liệu quốc gia trên KGM để áp dụng biện pháp bảo vệ đúng mức.
Các cá nhân có quyền tự do ngôn luận, mua bán, kinh doanh, trao đổi, giao dịch thương mại trên KGM, có thể làm bất cứ điều gì trên KGM mà pháp luật về ANM của Việt Nam không cấm. Hoạt động diễn ra trên KGM đa dạng, phong phú với thời lượng sử dụng tăng dần theo từng năm (Phụ lục 02). Có thể nói, xã hội có hoạt động nào thì KGM có hoạt động ấy. Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận qua hoạt động làm việc, học tập bằng hình thức trực tuyến qua KGM trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh được đẩy mạnh. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin được bảo đảm ngày càng tốt hơn khi Nhà nước đảm bảo sự phát triển đa dạng các phương tiện truyền thông cả về loại hình và phong phú về nội dung.
Thực tiễn sử dụng pháp luật về ANM đã phản bác một số thông tin bịa đặt như pháp luật về ANM ở Việt Nam đã ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Không chủ thể nào có quyền ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân trên KGM. Các chủ thể thực hiện các hoạt động như trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán, kinh doanh, thương mại một cách bình thường. Công dân có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật về ANM Việt Nam không cấm. Trên thực tế, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh trên KGM đã lợi dụng việc mua bán, kinh doanh qua mạng là người mua trả tiền trước, nhưng không giao hàng hoặc giao hàng không đúng với thỏa thuận hợp đồng về chất lượng, số lượng, chủng loại, hình thức. Thực tiễn hoạt động lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến lợi ích an ninh quốc gia, xâm hại bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên KGM, gây tác động xấu đến trật tự an toàn xã hội đã bị xử lý kiên quyết, kịp thời [103].
Trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về ANM, chưa có doanh nghiệp viễn thông, internet nào bị cản trở quyền hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp diễn ra
bình thường trên môi trường mạng. Thực tiễn là pháp luật về ANM không có bất cứ quy định nào về kiểm soát, quản lý, hạn chế hay gây cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện pháp luật về ANM thời gian qua cho thấy, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng quyền truy cập mạng internet như Facebook, Google,... một cách bình thường vào tất cả các trang thông tin điện tử, mạng xã hội ở trong và ngoài nước. Tổ chức, cá nhân nào sử dụng KGM để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chủ động áp dụng các biện pháp tự bảo vệ trước những mối đe dọa từ KGM.
Phần lớn cá nhân người dùng mạng đã có tư duy phản biện, nhận thức một cách đúng đắn trước những thông tin đăng tải, có ý thức sử dụng các quyền của mình đã được pháp luật quy định, góp phần bảo đảm ổn định và phát triển đất nước; nhận thức rõ việc THPL về ANM góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên KGM theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.