an ninh mạng đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu
Bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin truyền thông, viễn thông là yếu tố quan trọng để quản lý nguồn nhân lực và quản lý thông tin trên không gian mạng [63]. Rõ ràng, nhân lực THPL về ANM có trình độ chuyên sâu về công nghệ thông tin, am hiểu về công nghệ số là yếu tố rất quan trọng để quản lý và kiểm soát tốt mạch máu thông tin trên KGM. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, nguồn nhân lực này có xu hướng phát triển theo chiều rộng hơn so với chiều sâu, rõ nhất là trên lĩnh vực bảo mật mạng còn thiếu chuyên gia giỏi, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về vai trò của công nghệ thông qua Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho khu vực và thế giới. Mới đây, Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ. Ưu tiên phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp ATTT [32, tập 1, tr. 231, 245].
Thực hiện đầy đủ các chính sách nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ những người làm công tác THPL về ANM ở các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hiệu quả THPL về ANM. Năng lực công nghệ chính là năng lực sáng tạo và phát triển ứng dụng công nghệ của một quốc gia dựa vào trình độ phát triển của công nghệ mạng, công nghệ phần mềm, công nghệ điện tử. Thúc đẩy năng lực tự chủ nghiên cứu, phát triển hệ thống phần cứng, phần mềm, mạng xã hội an toàn do Việt Nam thiết kế và sản xuất. Việc từng bước tự chủ các sản phẩm, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số giúp Việt Nam khai thác một cách bền vững và tối đa tiện ích của công nghệ, gia tăng lợi ích THPL về ANM.
Các cơ quan, tổ chức cần đầu tư phát triển năng lực công nghệ theo hướng tăng cường bảo mật đi đôi với coi trọng phát triển ứng dụng cho nhân lực THPL về ANM nói chung và lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM nói riêng. Triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn cơ sở dữ liệu và truyền tải trên mạng, các biện pháp giám sát và xử lý sự cố ANM, thiết lập mô hình phòng thủ mạng.
Để bảo đảm chất lượng và số lượng của nguồn nhân lực THPL về ANM, cần phải thực hiện tốt các nội dung sau:
+ Tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các khóa tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn bằng nhiều hình thức đảm bảo phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, trong đó coi trọng hình thức trực tuyến qua KGM.
+ Tập trung đổi mới chương trình, đào tạo toàn diện để tạo nguồn nhân lực THPL về ANM, chú trọng cải thiện số lượng, chất lượng, kỹ năng và trình độ công nghệ thông tin, công nghệ số cho lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM. Thống kê cho thấy, một quốc gia phát triển như Hàn Quốc đến năm 2022 vẫn còn thiếu khoảng 3.290 chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông minh [91, tr.342].
+ Xây dựng chương trình tập huấn đối với đội ngũ cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán để có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi thực hiện điều tra, tham gia tố tụng các vụ án về ANM.
Xây dựng và củng cố tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM theo hướng bảo đảm tính độc lập, đủ thẩm quyền theo luật định, hoạt động tuân thủ pháp luật. Lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM phải là một lực lượng đặc biệt có chức năng, thẩm quyền thẩm định ANM đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, đồng thời điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật ANM. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này cần được quy định tại một điều luật riêng biệt. Qua đó, làm tốt nhiệm vụ dự báo và đảm bảo KGM mở rộng đến đâu thì hiệu quả THPL về ANM song hành đến đấy.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phải nắm vững pháp luật về ANM, là chủ thể nòng cốt trong các khóa tập huấn Luật An ninh mạng. Nguồn nhân lực chuyên trách bảo vệ ANM phải là nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, hoạt động chuyên nghiệp và nắm vững kỹ thuật nghiệp vụ chuyên ngành. Lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM cần tổ chức và triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để thu thập thông tin, tài liệu về tình hình tại các khu vực, địa điểm phụ trách để
phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mạng. Muốn vậy, phải có chế độ đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đối với đội ngũ chuyên trách bảo vệ ANM không những vững về chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, kỹ năng, mà còn am hiểu công nghệ và biết vận dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào thực hiện nhiệm vụ giám sát, phòng ngừa, cảnh báo sớm các nguy cơ tấn công mạng.
Đến nay, trong lĩnh vực ANM, mới có Quyết định 05/2015/QĐ-HH ngày 30/01/2015 của Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam về Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp về an toàn thông tin. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ ATTT cần đảm bảo các quy định đạo đức nghề ATTT. Theo đó, với xã hội, cộng đồng: bảo vệ hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân, không thực hiện hành vi xâm hại đến hệ thống; thái độ hành nghề: trung thực, khách quan trong mọi tình huống, đảm bảo tính bí mật, tính toàn vẹn của thông tin; với chất lượng dịch vụ: tận tâm cung ứng dịch vụ ATTT chuyên nghiệp, chính xác, ưu tiên lợi ích của tổ chức, cá nhân; với nghề ATTT: nâng cao trình độ, nỗ lực cung ứng dịch vụ chất lượng và mở rộng, phát triển nghề ATTT trong xã hội. Những nội dung quan trọng này có thể tham khảo để xây dựng bộ văn bản quy định đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực ANM.
Song song với xây dựng nguồn nhân lực THPL về ANM đáp ứng sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, công nghệ số, cần phải hướng đến xây dựng thiết chế bảo vệ ANM gọn nhẹ, nhưng đủ mạnh, đủ năng lực tác chiến trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM ngày càng bảo đảm về chất lượng, số lượng, đáp ứng hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật quy định, đồng thời thể hiện sự chuyên biệt của lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM so với lực lượng bảo vệ ANM nói chung. Cần thống nhất ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM, còn ở các cơ quan nhà nước khác chỉ thành lập bộ phận có trách nhiệm bảo đảm ANM.