Nâng cao nhận thức của cá nhân người dùng trong thực hiện pháp luật về an ninh mạng

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở việt nam (Trang 157 - 160)

hiện pháp luật về an ninh mạng

Có thể khẳng định, tất cả thời gian, công sức và tiền của đầu tư vào hệ thống phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm ANM sẽ trở nên vô nghĩa nếu cá nhân người dùng mạng không ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm trong việc

bảo vệ ANM. Nhận thức, quan niệm, thái độ,... của người dân đối với pháp luật về ANM đều tác động trực tiếp đến THPL về ANM, từ đó hình thành hành vi thực hiện đúng đắn hay vi phạm pháp luật. Ý thức trách nhiệm của cá nhân người dùng phải được coi là một loại văcxin đặc hiệu, trở thành viên gạch lửa để tạo bức tường có sức đề kháng chắc chắn trước các thách thức đối với KGM. Ý thức pháp luật càng cao thì người dân càng nhận thức đúng về pháp luật, có niềm tin đối với pháp luật, tự giác THPL và ngược lại. Việc người dân có ý thức tôn trọng chính sách, pháp luật, quy tắc kỹ thuật nghiệp vụ về ANM, thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2021 góp phần quan trọng trong việc bảo vệ ANM. Mặt trái của công nghệ thông tin chính là sự thiếu ý thức của người dân khi tham gia hoạt động trên KGM. Không tuân thủ pháp luật về ANM là vấn đề nhức nhối và làm mất trật tự an toàn xã hội trên KGM. Việc người dùng mạng nhận thức đúng các quy định pháp luật về ANM cũng như thái độ tự giác tuân thủ, thi hành, sử dụng pháp luật của các doanh nghiệp cộng với thái độ nghiêm minh trong ADPL của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ bảo đảm hiệu quả THPL về ANM.

Để nâng cao nhận thức của người dân về THPL về ANM, cần thực hiện các biện pháp sau:

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đối với người dân. Công tác này có vai trò đặc biệt cần thiết đối với lĩnh vực mới mẻ như THPL về ANM. Cần phải đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về THPL về ANM. Nhanh chóng thiết lập hệ thống phương tiện truyền thông khai thác từ hạ tầng mạng sẵn có để thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân về pháp luật ANM. Kết hợp nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ANM và các văn bản hướng dẫn thi hành với nhiều phương thức linh hoạt, đa dạng, dễ hiểu. Đặc biệt quan tâm đến đối tượng tuyên truyền là người dân vì đây là lĩnh vực pháp luật mới, có nhiều quy định liên quan đến khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ số có đặc điểm không thực sự dễ hiểu, dễ bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực, chủ động tận dụng lợi thế của KGM để đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến rộng rãi pháp luật về ANM trên các phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Thực hiện cập nhật các phóng sự, phim tài liệu về các vấn đề THPL về ANM. Xây dựng các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục về ANM trên các phương tiện truyền thông từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các chương trình tin tức để truyền thông kịp thời những vấn đề về THPL về ANM.

Trong quá trình THPL về ANM, các chủ thể có trách nhiệm cũng cần phải chú trọng hơn nữa biện pháp tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về ANM cho mọi chủ thể trong xã hội. Tăng cường tuyên truyền để các chủ thể trong xã hội cảnh giác trước những luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch trên KGM. Tuyên truyền nội dung, kết quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch nội bộ. Đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội về ANM làm cơ sở cho Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội, từ đó hạn chế nảy sinh và loại bỏ tâm lý bức xúc, bất mãn, thể hiện thái độ tiêu cực của người dân trên KGM.

Pháp luật về an ninh mạng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, nếu thiếu hiểu biết, không nắm vững quy định thì ranh giới giữa người dùng mạng thông thái và "giặc mạng" (tin tặc, tội phạm mạng) rất mong manh. Hiện nay nhiều người lầm tưởng rằng khi tham gia KGM, họ thoải mái thể hiện ý kiến như chia sẻ, phát tán thông tin mà không bị bất cứ ai kiểm soát. Một cuộc khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 50% người dùng mạng dành thời gian đọc toàn bộ tin nhắn trước khi có hành động tiếp theo. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công tác phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu, nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật về ANM. Nếu coi KGM là một quốc gia thì đây là quốc gia có số dân đông nhất thế giới. Vì lẽ đó, thiệt hại và hậu quả khi KGM bị xâm phạm có sức tàn phá nền kinh tế-xã hội còn ghê gớm hơn cả năng lượng hạt nhân.

Tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung Luật An ninh mạng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết để nhận diện các mối đe dọa đến từ KGM, đặc biệt ở các khu vực nguy cơ cao. Tổ chức các diễn đàn, các hội thảo chuyên sâu bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả THPL về ANM. Tổ chức các phong trào, cuộc thi tìm hiểu về THPL về ANM. Cần có kiến thức nhất định để phân biệt nguy cơ gây mất ANM đến từ yếu tố chính sách, kỹ thuật hay con người. Nguy cơ bắt nguồn từ phần cứng thiết bị kết nối mạng, từ môi trường truyền dẫn có/không dây, từ nhóm quản trị hệ thống hay nhóm vận hành hệ thống, từ nhóm người dùng hay từ chính những bất cẩn của cá nhân người dùng,...

Đối với người dùng mạng là trẻ em: triển khai, lồng ghép chương trình giáo dục về THPL về ANM vào các cấp học từ cấp tiểu học trở lên. Đặc biệt lưu ý các tầng lớp thanh niên, thiếu niên, sinh viên, học sinh nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nhận biết, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em qua KGM. Tăng cường bồi dưỡng, giáo dục để các em có kỹ năng sử dụng các thiết bị mạng an toàn, tự bảo vệ bản thân, có tinh thần cảnh giác cao độ trước các nguy cơ xâm hại. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên mạng cũng cần nghiên cứu và thiết lập bộ lọc kiểm soát người dùng về độ tuổi, giới tính,v.v.. để có hình thức đáp ứng phù hợp.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) thực hiện pháp luật về an ninh mạng ở việt nam (Trang 157 - 160)