Tuỳ theo mỗi cách thức phân loại, bảo lãnh ngân hàng có thể bao gồm những loại hình khác nhau:
1.1.3.1. Phân loại theo cách thức phát hành - Bảo lãnh trực tiếp
Bảo lãnh trực tiếp là loại hình bảo lãnh đơn giản nhất, được thực hiện dựa trên mối quan hệ giữa 3 bên, trong đó bên bảo lãnh cam kết thanh toán trực tiếp với bên nhận bảo lãnh không cần qua trung gian. Sau khi bên bảo lãnh thanh toán cho người thụ hưởng bảo lãnh, ngân hàng được phép truy đòi từ bên được bảo lãnh.
- Bảo lãnh gián tiếp
Bảo lãnh gián tiếp là loại bảo lãnh trong đó bên được bảo lãnh sẽ yêu cầu ngân hàng thứ nhất (gọi là ngân hàng chỉ thị) đề nghị ngân hàng thứ 2 (ngân hàng phát hành) phát hành cam kết bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh. Trong loại bảo lãnh này, bên được bảo lãnh không trực tiếp bồi hoàn cho ngân hàng phát hành bảo lãnh mà chính ngân hàng chỉ thị sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn cho ngân hàng phát hành, thông qua một cam kết do chính ngân hàng này đưa ra. Như vậy, trong bảo lãnh gián tiếp có ít nhất 4 thành phần tham gia là: Ngân hàng phát hành bảo lãnh, ngân hàng chỉ thị, bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh. So với bảo lãnh trực tiếp, bảo lãnh gián tiếp có thêm một chủ thể, đó là bên chỉ thị.
Phương thức bảo lãnh gián tiếp thường được sử dụng trong trường hợp bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh ở hai quốc gia khác nhau. Để bảo vệ chắc chắn
quyền lợi của mình, bên nhận bảo lãnh yêu cầu bảo lãnh phải được phát hành bởi một ngân hàng trong quốc gia của mình. Mối quan hệ giữa bên chỉ thị và bên bảo lãnh được thể hiện qua một bảo lãnh đối ứng hoặc xác nhận bảo lãnh. Đây cũng là hai hình thức bảo lãnh gián tiếp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
+ Xác nhận bảo lãnh
Điều 3, Thông tư 09/VBHN-NHNN năm 2017 đưa ra định nghĩa về xác nhận bảo lãnh như sau: “Xác nhận bảo lãnh là một hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên xác nhận bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Bên xác nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên bảo lãnh nếu bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; bên bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên xác nhận bảo lãnh, đồng thời bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh”.
+ Bảo lãnh đối ứng
Cũng theo định nghĩa tại Điều 3, Thông tư 09/VBHN-NHNN năm 2017: “Bảo lãnh đối ứng là một hình thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên bảo lãnh đối ứng cam kết với bên bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bên bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là khách hàng của bên bảo lãnh đối ứng; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng”.
1.1.3.2. Phân loại theo điều kiện sử dụng bảo lãnh - Bảo lãnh có điều kiện
Bảo lãnh có điều kiện là loại bảo lãnh mà việc thanh toán chỉ có thể được tiến hành khi bên nhận bảo lãnh xuất trình kèm theo thư bảo lãnh một số chứng từ hay giấy chứng nhận được quy định trước. Quy định đối với chứng từ xuất trình cũng có thể khác nhau tuỳ theo từng loại bảo lãnh và từng tổ chức phát hành. Bảo lãnh có điều kiện giúp bên được bảo lãnh hạn chế được rủi ro bên nhận bảo lãnh làm giả chứng từ để đòi tiền bảo lãnh. Tuy nhiên, bởi yêu cầu đối với chứng từ xuất trình nên lợi ích của bên nhận bảo lãnh có thể không được đảm bảo hoàn toàn.
Bảo lãnh vô điều kiện là hình thức bảo lãnh mà việc thanh toán sẽ được thực hiện ngay khi bên bảo lãnh nhận được yêu cầu đầu tiên bằng văn bản của bên nhận bảo lãnh thông báo rằng bên được bảo lãnh đã vi phạm hợp đồng. Yêu cầu này không đòi hỏi phải có chứng từ kèm theo. Trong bảo lãnh vô điều kiện, quyền lợi của bên nhận bảo lãnh được đảm bảo tuyệt đối nhưng bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thể gặp phải rủi ro nếu bên nhận bảo lãnh không trung thực, cố tình làm giả chứng từ để yêu cầu thanh toán.
1.1.3.3. Phân loại theo tính chất của giao dịch cơ sở
Căn cứ theo tính chất của giao dịch cơ sở, bảo lãnh quốc tế được phân thành 2 loại: bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Bảo lãnh thanh toán là hình thức bảo lãnh ngân hàng nhằm cung cấp một sự bảo đảm về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của người được bảo lãnh. Bảo lãnh thanh toán thường được sử dụng trong hợp đồng tín dụng hoặc hoặc đồng mua bán bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trong trường hợp này, bên cho vay hoặc bên bán hàng đã giao tiền hoặc hàng hóa cho bên vay, bên mua hàng. Để bảo đảm việc hoàn trả tiền vay, hoặc trả tiền bán hàng đúng hạn, bên cho vay, bên bán hàng thường yêu cầu phải có một bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Giá trị của bảo lãnh thanh toán thường tương đương với giá trị tiền vay, tiền bán hàng và khoản tiền lãi phát sinh (nếu có).
Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là loại hình BLNH nhằm cung cấp cho bên nhận bảo lãnh một sự bảo đảm về việc thực hiện đúng hợp đồng của bên được bảo lãnh. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng có thể sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng cơ sở (như hợp đồng mua bán hàng hóa, xây dựng, thiết kế...). Trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các hợp đồng cơ sở (chẳng hạn như giao hàng không đúng hạn, không đúng số lượng, chất lượng đã thỏa thuận) sẽ gây ra tổn thất cho bên nhận bảo lãnh. Theo nội dung cam kết bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu ngân hàng bảo lãnh thực hiện thanh toán bảo lãnh. Giá trị của bảo lãnh thực hiện hợp đồng thường ở mức 10% đến 15% giá trị của hợp đồng cơ sở.
1.1.3.4. Phân loại theo đối tượng
- Bảo lãnh trong nước là hình thức bảo lãnh ngân hàng trong đó các chủ thể của quan hệ bảo lãnh là cá nhân, pháp nhân trong lãnh thổ của một quốc gia. Bảo lãnh ngân hàng trong nước thường bao gồm hầu hết các loại hình bảo lãnh đã được đề cập ở trên, bao gồm cả bảo lãnh vô điều kiện, bảo lãnh có điều kiện, bảo lãnh thanh toán (bảo lãnh thanh toán vốn vay, bảo lãnh thanh toán tiền mua hàng,…) hay bảo lãnh cho nghĩa vụ thực hiện hợp đồng (bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh hoàn trả tiền tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua bán/ hợp đồng xây dựng,…).
- Bảo lãnh quốc tế là hình thức bảo lãnh ngân hàng có yếu tố nước ngoài, trong đó ít nhất một trong các chủ thể tham gia là cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài. Bảo lãnh quốc tế bao gồm đầy đủ tất cả các loại hình bảo lãnh, đáp ứng nhu cầu của các chủ thể trong các lĩnh vực khác nhau như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, vay vốn, xây dựng,… Chi tiết về đặc điểm của từng loại hình bảo lãnh quốc tế sẽ được trình bày ở mục 2.