Đặc điểm của bảo lãnh quốc tế

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 34 - 37)

Ngoài những đặc điểm chung tương tự như hoạt động bảo lãnh thông thường, bảo lãnh quốc tế còn mang một số đặc điểm riêng biệt bởi đặc trưng của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

1.2.2.1. Các chủ thể tham gia mang yếu tố nước ngoài

Bảo lãnh ngân hàng nội địa cũng như bảo lãnh quốc tế là quan hệ được xác lập giữa ít nhất ba chủ thể: Bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh. Như đã phân tích tại phần trước, bảo lãnh quốc tế là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trong đó có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân ở nước ngoài. Đây cũng chính là điểm khác biệt rõ nhất của bảo lãnh quốc tế so với bảo lãnh ngân hàng nội địa.

Quan hệ bảo lãnh quốc tế có thể phát sinh dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như: ngân hàng ở Việt Nam phát hành bảo lãnh cho người thụ hưởng ở nước ngoài, ngân hàng ở Việt Nam phát hành bảo lãnh đối ứng theo yêu cầu của một ngân hàng nước ngoài cho người thụ hưởng ở Việt Nam, một ngân hàng ở Việt Nam tham gia đồng bảo lãnh với một ngân hàng ở nước ngoài,… Như vậy, mối quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động bảo lãnh quốc tế có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, song đặc trưng nổi bật nhất của hoạt động này chính là ở các chủ thể tham gia có yếu tố nước ngoài.

1.2.2.2. Nguồn luật áp dụng có yếu tố quốc tế

Trong hoạt động bảo lãnh quốc tế, quan hệ phát sinh giữa các chủ thể tham gia là quan hệ có yếu tố nước ngoài. Quá trình hình thành và phát triển của hoạt động bảo lãnh quốc tế gắn liền với sự phát triển của hệ thống luật quốc tế. Do đó, áp dụng luật quốc tế để điều chỉnh mối quan hệ trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng có yếu tố nước ngoài là điều tất yếu. Pháp luật quốc tế cho hoạt động bảo lãnh ngân hàng bao gồm những nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế được thể hiện dưới hình thức văn bản, hình thành từ thực tiễn hoạt động bảo lãnh quốc tế và được các chủ thể thừa nhận một cách rộng rãi.

Pháp luật Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đều cho phép các chủ thể có thể có quyền lựa chọn luật áp dụng trong trường hợp phát sinh quan hệ bảo lãnh ngân hàng có yếu tố nước ngoài. Luật quốc tế áp dụng có thể là điều ước quốc tế, tập quán quốc tế hoặc pháp luật nước ngoài. Trước xu thế tăng cường hợp tác toàn cầu, để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động bảo lãnh quốc tế, pháp luật điều chỉnh tại mỗi quốc gia không thể bỏ qua những quy tắc, quy định được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đồng thời không được xung đột với pháp luật quốc tế. Ngoài ra, luật quốc tế còn có tác động tích cực trong hoàn thiện và phát triển luật quốc gia thể hiện ở việc điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung luật quốc gia cho phù hợp với pháp luật quốc tế.

1.2.2.3. Đồng tiền trong bảo lãnh quốc tế thường là ngoại tệ

Mục đích quan trọng nhất của bảo lãnh quốc tế là hướng tới sự bảo đảm cho các giao dịch thương mại quốc tế nên đồng tiền bảo lãnh thường được quy định theo đồng tiền trong các giao dịch cơ sở. USD là đồng tiền mạnh nhất được sử dụng trong giao dịch quốc tế và cũng là một trong những đồng tiền dự trữ chủ đạo lớn nhất thế giới. Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, USD là đồng tiền được sử dụng trong khoảng 75% số lượng các giao dịch trên thế giới. Chính vì vậy, USD cũng là ngoại tệ được sử dụng nhiều nhất trong hoạt động bảo lãnh quốc tế. Ngoài ra, bảo lãnh quốc tế còn có thể được phát hành bằng một số ngoại tệ mạnh khác như EUR, JPY, CHF,… Bảo lãnh quốc tế cũng có thể được phát hành bằng VND trong

các trường hợp bên nhận bảo lãnh là cá nhân, pháp nhân ở Việt Nam, ví dụ như: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng của nhà thầu nước ngoài đối với dự án xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngoại tệ vẫn là đồng tiền chiếm ưu thế trong hoạt động bảo lãnh quốc tế. Tại Việt Nam, đối với các trường hợp phát hành bảo lãnh có yếu tố nước ngoài, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép phát hành bảo lãnh bằng ngoại tệ phù hợp với hoạt động ngoại hối theo quy định.

1.2.2.4. Ngôn ngữ sử dụng trong bảo lãnh quốc tế thường là tiếng nước ngoài

Trên thế giới hiện nay, có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau và số ngôn ngữ được sử dụng cũng xấp xỉ con số này. Chính sự đa dạng của ngôn ngữ đã tạo nên rào cản trong giao tiếp, gây khó khăn cho các chủ thể khi giao lưu với đối tác nước ngoài. Vì vậy, các chủ thể cần phải lựa chọn một ngôn ngữ chung khi thiết lập quan hệ hợp tác. Tiếng Anh là ngôn ngữ được công nhận và sử dụng rộng rãi trong hầu hết các giao dịch thương mại quốc tế. Việc sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giao kết hợp đồng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong quá trình trao đổi thông tin và xử lý khi có tranh chấp phát sinh.

Bảo lãnh quốc tế là mối quan hệ phức tạp giữa các chủ thể mang yếu tố nước ngoài nên văn bản ràng buộc nghĩa vụ giữa các bên cũng cần phải được lập bằng một ngôn ngữ chung, dễ hiểu cho tất cả các bên. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất và được sử dụng nhiều nhất trong hoạt động bảo lãnh quốc tế. Việc sử dụng tiếng Anh trong ký kết các hợp đồng cấp bảo lãnh hay phát hành các cam kết bảo lãnh quốc tế đảm bảo tính khách quan và sự phù hợp với xu thế toàn cầu của hoạt động bảo lãnh. Tiếng Anh cũng là ngôn ngữ chuẩn mực và hiệu quả nhất để diễn đạt nội dung của các cam kết bảo lãnh khi nó được phát hành qua hệ thống thông tin liên lạc quốc tế giữa các ngân hàng.

1.2.2.5. Rủi ro trong hoạt động bảo lãnh quốc tế thường phức tạp hơn so với hoạt động bảo lãnh ngân hàng trong nước

Đặc trưng về các chủ thể tham gia, luật áp dụng, đồng tiền hay ngôn ngữ sử dụng khiến cho bảo lãnh quốc tế phức tạp hơn nhiều so với hoạt động bảo lãnh ngân

hàng trong nước. Trong các quan hệ bảo lãnh ngân hàng nội địa, các chủ thể tham gia đều là chủ thể trong nước do đó nguồn luật áp dụng, đồng tiền bảo lãnh hay ngôn ngữ sử dụng đều tuân thủ theo pháp luật quốc gia. Nhìn chung, các rủi ro phát sinh trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng nội địa có thể được hạn chế bằng công tác phòng ngừa rủi ro và tăng cường kiểm tra, giám sát. Việc xử lý tranh chấp phát sinh cũng sẽ dễ dàng đối với các chủ thể trong nước. Ngược lại, những rủi ro phát sinh trong quan hệ bảo lãnh quốc tế thường rất khó kiểm soát bởi các chủ thể mang yếu tố nước ngoài, sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các chủ thể, đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ hay luật áp dụng có yếu tố quốc tế,… Đây đều là rủi ro khách quan, khó lường trước khiến cho các chủ thể trong hoạt động bảo lãnh quốc tế gặp phải nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(105 trang)
w