Các rủi ro trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 30 - 33)

Bảo lãnh ngân hàng có bản chất là một hoạt động cấp tín dụng nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nhau. Có thể kể đến một số loại rủi ro chính sau:

1.1.5.1. Rủi ro với bên bảo lãnh

Ngân hàng là đơn vị trực tiếp cung ứng dịch vụ bảo lãnh, do đó chủ thể này thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với các chủ thể còn lại.

Thứ nhất, rủi ro tín dụng

Hầu hết các mẫu cam kết bảo lãnh đều quy định NHTM sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi bên nhận bảo lãnh xuất trình bản gốc thư bảo lãnh cùng chứng từ chứng minh bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ trong thời hạn hiệu lực của bảo lãnh. Trong trường hợp ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, ngân hàng có thể gặp phải rủi ro bên được bảo lãnh không hoàn trả lại tiền cho ngân hàng hay còn gọi là rủi ro tín dụng. Rủi ro này có thể gây ảnh hưởng lớn tới mức độ an toàn tín dụng cũng như lợi ích trực tiếp của ngân hàng. Do đó, việc thẩm định khách hàng kỹ càng và luôn yêu cầu khách hàng cung cấp tài

sản bảo đảm là những biện pháp hàng đầu mà các ngân hàng có thể thực hiện để giảm nguy cơ rủi ro tín dụng.

Thứ hai, rủi ro bị làm giả chứng từ

Ngân hàng thường gặp phải rủi ro khi bên nhận bảo lãnh cố tình gian lận, lập chứng từ khống để được thanh toán, thậm chí làm giả chứng từ để đòi tiền vượt mức thực tế vi phạm,.. Trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng, việc xác thực tính chân thực của các chứng từ đòi tiền bảo lãnh sẽ gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với trường hợp quan hệ bảo lãnh phát sinh bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Rủi ro chứng từ bị làm giả cũng có thể xảy ra trong trường hợp nhân viên ngân hàng, cán bộ thẩm định, kiểm soát thiếu cảnh giác đối với khách hàng của mình. Ví dụ như: bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh thông đồng với nhau làm giả chứng từ chứng minh bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ để yêu cầu ngân hàng thanh toán, sau đó bên được bảo lãnh bỏ trốn khi chưa hoàn thành nghĩa vụ hoàn trả với ngân hàng; cam kết bảo lãnh của ngân hàng bị làm giả, chữ ký và con dấu của người có thẩm quyền bị giả mạo khi thực tế bảo lãnh không hề tồn tại trên hệ thống của ngân hàng; nhân viên ngân hàng thông đồng với khách hàng để lập hồ sơ khống nhằm mục đích trục lợi cho bản thân,..

Thứ ba, rủi ro hoạt động

Rủi ro hoạt động là một loại rủi ro khá phổ biến trong các hoạt động ngân hàng nói chung và đối với hoạt động bảo lãnh quốc tế nói riêng. Rủi ro hoạt động có thể được hiểu là những tổn thất tổn thất, ảnh hưởng bất lợi gây ra do lỗi của con người, hệ thống, quy trình kiểm soát nội bộ và của các tác động từ bên trong. Nguyên nhân dẫn đến rủi ro hoạt động bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Trong đó, một số nguyên nhân chủ yếu bao gồm: trình độ hoạt động cán bộ ngân hàng còn hạn chế, hệ thống quản lý và tổ chức còn nhiều sơ hở, không chặt chẽ; quy trình nội bộ về hoạt động bảo lãnh quốc tế còn chưa hoàn thiện,...

Thứ tư, rủi ro pháp lý

Ngoài rủi ro tín dụng hay rủi ro hệ thống, bảo lãnh ngân hàng còn trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi những hạn chế từ hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh, sự

không phù hợp của pháp luật so với tình hình thực tế, pháp luật không giải quyết được các vấn đề tranh chấp phát sinh,…Đặc biệt ở Việt Nam hiện nay, các tài liệu pháp lý về hoạt động bảo lãnh ngân hàng còn tràn lan và chưa thống nhất, không đáp ứng được nhu cầu của các chủ thể, chưa giải quyết được hết các tình huống phát sinh,...

1.1.5.2. Rủi ro đối với bên được bảo lãnh

Rủi ro phổ biến nhất mà bên được bảo lãnh thường gặp phải là do bên nhận bảo lãnh giả mạo chứng từ để yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trong quan hệ bảo lãnh ngân hàng, bên được bảo lãnh sẽ gặp nhiều bất lợi nếu bên nhận bảo lãnh cố ý làm giả chứng từ đòi tiền. Ngân hàng sẽ chấp nhận thanh toán nếu những chứng từ được xuất trình phù hợp với cam kết bảo lãnh đã được phát hành. Ngân hàng phát hành sau khi thanh toán cho bên nhận bảo lãnh sẽ truy đòi từ phía bên được bảo lãnh. Nếu bên được bảo lãnh từ chối hoàn trả, ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm hoặc đưa ra toà án, trọng tài trong trường hợp không có tài sản bảo đảm. Như vậy, trừ trường hợp bên được bảo lãnh cung cấp được bằng chứng chỉ rõ các chứng từ xuất trình bị giả mạo hoặc ngân hàng đã thiếu thận trọng và trách nhiệm trong quá trình thực hiện thanh toán cho bên nhận bảo lãnh, còn không thì bên được bảo lãnh vẫn phải chấp nhận những rủi ro này. Tuy nhiên, việc chứng tính chân thực của việc giả mạo chứng từ không khả thi trong trường hợp bảo lãnh vô điều kiện.

1.1.5.3. Rủi ro đối với bên nhận bảo lãnh

Mặc dù bảo lãnh quốc tế là một công cụ hữu hiệu giúp đảm bảo an toàn cho bên nhận bảo lãnh khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, nhưng chủ thể này vẫn gặp phải một số loại rủi ro nếu ngân hàng phát hành không chấp nhận thanh toán thay cho bên có nghĩa vụ.

Thứ nhất, rủi ro từ phía ngân hàng phát hành

Rủi ro phổ biến nhất đối với bên nhận bảo lãnh là bị ngân hàng từ chối thanh toán. Khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ đã thoả thuận, bên nhận bảo lãnh sẽ gửi văn bản thông báo cùng các chứng từ khác đi kèm yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ (đối với trường hợp bảo lãnh có điều kiện). Tuy nhiên, bên nhận bảo lãnh

có thể bị ngân hàng từ chối bởi những chứng từ xuất trình không đủ xác thực, không chuẩn bị đủ chứng từ trước khi hết thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh hoặc do phía ngân hàng cố tình gây khó khăn, làm chậm quá trình thanh toán. Các trường hợp bất khả kháng như hoả hoạn, chiến tranh, thiên tai, lũ lụt,… cũng là những nguyên nhân khiến cho ngân hàng gặp khó khăn hoặc chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh.

Thứ hai, rủi ro do sự thay đổi của môi trường kinh tế và pháp lý

Môi trường kinh tế xã hội, sự thay đổi của hệ thống chính trị, pháp luật được xem là những yếu tố có ảnh hưởng quyết định tới nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Đối với những giao dịch có yếu tố nước ngoài, sự tác động của những yếu tố môi trường chính trị, pháp lý ở quốc gia phát hành có ảnh hưởng lớn tới lợi ích của bên nhận bảo lãnh. Những thay đổi của hệ thống pháp luật tại quốc gia của ngân hàng phát hành như: quy định về bảo lãnh, quy chế ngoại hối, các văn bản điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu, … đều có thể là rủi ro đối với bên nhận bảo lãnh. Sự thay đổi của môi trường kinh tế và pháp lý có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng phát hành và có thể khiến cho ngân hàng không thể thực hiện được nghĩa vụ cam kết. Vì vậy, bên nhận bảo lãnh cũng cần thường xuyên cập nhật tình hình chính trị, pháp lý tại quốc gia của đối tác để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời trong trường hợp xảy ra rủi ro.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(105 trang)
w