Phân loại bảo lãnh quốc tế

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 39 - 44)

Dựa trên mục đích của bảo lãnh cũng như tính chất của giao dịch cơ sở, bảo lãnh quốc tế gồm những hình thức sau: bảo lãnh hoàn tạm ứng, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hơp đồng,….

- Bảo lãnh thanh toán

Bảo lãnh thanh toán cung cấp sự đảm bảo cho người thụ hưởng có thể nhận được khoản thanh toán một cách thuận lợi, đầy đủ và đúng hạn về các sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ đã cung ứng cho người được bảo lãnh. Đây là hình thức bảo lãnh phổ biến, được sử dụng rộng rãi cả trong các quan hệ tín dụng, thương mại trong nước và quốc tế. Bảo lãnh thanh toán thường bao gồm: bảo lãnh thanh toán cho hợp đồng mua hàng, bảo lãnh hoàn tiền tạm ứng, bảo lãnh vay vốn.

+ Bảo lãnh thanh toán hợp đồng mua hàng

Bảo lãnh thanh toán hợp đồng mua hàng là cam kết của ngân hàng về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với bên xuất khẩu thay cho bên nhập khẩu trong

trường hợp bên nhập khẩu không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại hợp đồng mua hàng. Bảo lãnh thanh toán hợp đồng mua hàng thường có giá trị tương đương 100% giá trị của hợp đồng mua bán, có hiệu lực trong suốt thời hạn thực hiện của hợp đồng và được bên bán yêu cầu cung cấp ngay sau khi ký kết hợp đồng.

+ Bảo lãnh hoàn tạm ứng

Bảo lãnh hoàn tạm ứng/ hoàn trả tiền ứng trước là cam kết của ngân hàng với bên nhận bảo lãnh về việc bảo đảm nghĩa vụ hoàn trả tiền ứng trước, tiền đặt cọc của khách hàng theo hợp đồng đã kí kết với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng và phải hoàn trả tiền ứng trước, tiền đặt cọc mà không hoàn trả hoặc hoàn trả không đầy đủ thì ngân hàng sẽ thực hiện trả thay. Chứng thư bảo lãnh là cam kết của ngân hàng bằng văn bản dành cho đơn vị kinh doanh về việc ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho đơn vị kinh doanh trong thời gian có giới hạn khi đơn vị này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh là bên đơn vị thứ 3 (Bên bán hàng).

+ Bảo lãnh vay vốn: Bảo lãnh vay vốn được sử dụng nhiều trong quan hệ tín dụng có yếu tố nước ngoài, trong đó cam kết bảo lãnh thường được phát hành dưới hình thức thư tín dụng dự phòng.

Bảo lãnh vay vốn còn được gọi với tên gọi khác là bảo lãnh đảm bảo hoàn trả vốn vay, là cam kết của ngân hàng đối với bên cho vay (cá nhân, tổ chức tín dụng) về việc sẽ thực hiện thay nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi thay cho bên vay trong trường hợp bên vay không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Bảo lãnh vay vốn được thể hiện dưới dạng thư bảo lãnh hoặc điện do ngân hàng phát hành, trong đó quy định rõ nội dung, phạm vi và các điều kiện thực hiện của bảo lãnh. Bảo lãnh hoàn trả vốn vay tương đối đặc biệt hơn so với các loại bảo lãnh khác bởi giá trị của bảo lãnh thường tương đương với giá trị nghĩa vụ gốc lãi của khoản vay, có thể chỉ gồm phần gốc hoặc tính cả phần lãi và các chi phí có liên quan khác (bằng 100% giá trị khoản vay hoặc lớn hơn). Thời hạn của bảo lãnh vay vốn thường chính là thời hạn hoàn trả theo quy định tại hợp đồng tín dụng, tuy nhiên có thể gia hạn nếu thời hạn của khoản vay được kéo dài.

- Bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Bảo lãnh thực hiện hợp đồng là biện pháp bảo đảm được sử dụng nhiều trong hoạt động xuất khẩu hàng hoá hoặc thi công, xây dựng có yếu tố nước ngoài. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng thường gồm một số hình thức sau:

+ Bảo lãnh thực hiện hợp đồng bán hàng

Trong các giao dịch mua bán hàng hoá quốc tế, để hạn chế rủi ro xảy ra khi người bán nhận tiền trả trước cho một phần hoặc toàn bộ giá trị hợp đồng mà không giao hàng hoặc giao hàng không đầy đủ, người mua yêu cầu người bán cung cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Như vậy, bảo lãnh thực hiện hợp đồng mua hàng quốc tế là cam kết của bên bảo lãnh (TCTD) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho vi phạm của bên được bảo lãnh (người xuất khẩu) đối với bên nhận bảo lãnh (người nhập khẩu) xảy ra trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định tại hợp đồng mua hàng nước ngoài. Trên thực tế, giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng thường được quy định ở mức 10% giá trị hợp đồng, có thời hạn cùng với thời hạn hiệu lực của hợp đồng. Bảo lãnh thực hiện hợp đồng bán hàng là một trong những hình thức đảm bảo có tác dụng đốc thúc bên bán thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình.

+ Bảo lãnh dự thầu

Theo quy định tại Điều 4, Luật Đấu thầu 2013: “Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu”. Như vậy, bảo lãnh dự thầu là một trong những hình thức bảo đảm dự thầu.

Bảo lãnh dự thầu quốc tế là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh (bên mời thầu) để bảo đảm nghĩa vụ tham gia dự thầu của bên được bảo lãnh trong đâú thầu quốc tế. Trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm quy định dự thầu mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính khi tham gia dự thầu thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay. Theo quy định tại Điều 11, Luật đấu thầu 2013, giá trị của bảo lãnh dự thầu thường được quy định tại hồ sơ mời thầu, ở mức

từ 1-3% đối với đấu thầu lựa chọn nhà thầu và 0.5-1.5% đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong bảo lãnh dự thầu quốc tế, bên bảo lãnh thường phải đảm bảo các tiêu chí sau: Có uy tín hoặc có tài sản thuộc sở hữu của mình bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hoặc vừa có uy tín, vừa chứng minh được năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi đến hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ.

+ Bảo lãnh thực hiện hợp đồng xây dựng

Bảo lãnh thực hiện hợp đồng xây dựng là một biện pháp bảo đảm không thể thiếu trong hoạt động xây dựng có yếu tố nước ngoài. Ngoài phương thức đặt cọc truyền thống, các chủ thể thường lựa chọn biện pháp bảo đảm là bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Khoản 2, Điều 4 - Luật Đấu thầu 2013 quy định: “Bảo đảm thực hiện hợp đồng là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư”. Do đó, bảo lãnh thực hiện hợp đồng xây dựng là cam kết của ngân hàng về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh thực hiện không đúng và đầy đủ nghĩa vụ như cam kết trong hợp đồng xây dựng, gây tổn thất cho bên nhận bảo lãnh.

Ở Việt Nam hiện nay, hầu hết tất cả các công trình xây dựng có yêu cầu kỹ thuật cao và giá trị lớn đều do các nhà thầu nước ngoài đảm nhận, đặc biệt có thể kể đến: xây dựng cầu đường, thi công nhà máy sản xuất công nghệ cao, các dự án năng lượng, công trình y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội,… Những dự án càng có giá trị càng cao thì tầm quan trọng của bảo lãnh thực hiện hợp đồng càng lớn. Nếu như bảo lãnh dự thầu là điều kiện cần để mỗi nhà thầu tham gia đấu thầu thì bảo lãnh thực hiện hợp đồng là yêu cầu đầu tiên mà mỗi nhà thầu nước ngoài cần đáp ứng ngay khi trúng thầu các dự án xây dựng. Giá trị của bảo lãnh thực hiện hợp đồng xây dựng thường thường dao động ở mức từ 2-10% giá trị của hợp đồng, có thể thay đổi theo thoả thuận giữa các bên. Số tiền của bảo lãnh thực hiện hợp đồng sẽ giảm dần theo giá trị hoàn thành của hợp đồng. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo

lãnh kéo dài đến khi kết thúc hợp đồng, có thể kéo dài thêm một khoảng thời gian theo thoả thuận của các chủ thể hợp đồng. Ví dụ: Đối với các hợp đồng xây dựng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng thường có hiệu lực cho đến khi công trình được bàn giao đưa vào sử dụng.

+ Bảo lãnh bảo hành

Bảo lãnh bảo hành là cam kết của TCTD với bên nhận bảo lãnh, bảo đảm việc khách hàng sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ bảo hành về chất lượng của sản phẩm theo đúng nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp khách hàng vi phạm các điều khoản đã được quy định về bảo lãnh chất lượng sản phẩm và phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bên nhận bảo lãnh nhưng không thực hiện được, hoặc thực hiện không đầy đủ thì TCTD phát hành bảo lãnh sẽ phải thực hiện thay.

Bảo lãnh bảo hành thường được sử dụng nhiều đối với các hợp đồng thi công lắp đặt, xây dựng công trình, mua sắm máy móc thiết bị với giá trị bảo lãnh thường dao động ở mức 3-5% giá trị của hợp đồng. Thời hạn bảo lãnh bảo hành khá linh hoạt tuỳ theo thoả thuận giữa các bên, thường khoảng 1 năm đối với hàng hoá thông thường, từ 1-3 năm với máy móc thiết bị và 3-5 năm đối với các công trình xây dựng, có thể thay đổi với từng loại công trình khác nhau.

Bảo lãnh ngân hàng nói chung và bảo lãnh quốc tế nói riêng đều gồm nhiều loại hình khác nhau, tuỳ theo từng cách thức phân loại. Ngoài chịu sự điều chỉnh bởi những quy định chung về bảo lãnh, mỗi loại hình bảo lãnh còn phải tuân thủ theo quy định có liên quan đến từng lĩnh vực mà cam kết bảo lãnh đó được phát hành. Bên cạnh việc tuân thủ theo nguồn luật được quy định trong cam kết bảo lãnh, bảo lãnh ngân hàng được phát hành ở quốc gia nào còn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật ở quốc gia đó. Nội dung chi tiết về pháp luật điều chỉnh hoạt động bảo lãnh quốc tế và thực trạng áp dụng pháp luật trong nghiệp vụ bảo lãnh quốc tế sẽ được làm rõ ở Chương 2.

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT CHO HOẠT ĐỘNG BẢO LÃNH QUỐC TẾ TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(105 trang)
w