Hoàn thiện pháp luật cho hoạt động bảo lãnh quốc tế phải dựa trên

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 79 - 80)

nguyên tắc đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật

Ngân hàng là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và có tác động trực tiếp tới sự vận hành của các thành phần kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi sự liên quan đến nhiều chủ thể thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Không chỉ là một hoạt động then chốt trong cơ cấu dịch vụ của mỗi ngân hàng, bảo lãnh quốc tế đã và đang đem lại lợi ích cho nhiều chủ thể kinh tế khác nhau. Bảo lãnh quốc tế được sử dụng rộng rãi với vai trò là công cụ đảm bảo cho các hợp đồng thuộc nhiều lĩnh vực như: thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, xây dựng, y tế, tín dụng,… Chính vì những đặc điểm này mà hoạt động bảo lãnh quốc tế lại chịu sự điều chỉnh của rất nhiều nguồn luật khác nhau như: Luật Dân sự, Luật thương mại, Luật các TCTD, Quy chế ngoại hối, Luật Đấu thầu, Luật xây dựng,… Trước yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động bảo lãnh quốc tế, nguyên tắc thống nhất và đồng bộ với các quy định có liên quan giữ vai trò hết sức quan trọng. Đây là yêu cầu cần đáp ứng trong quá trình xây dựng và đề xuất giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho hoạt động bảo lãnh quốc tế.

Một chính sách pháp luật được coi là hiệu quả khi nó có thể điều chỉnh được mối quan hệ xã hội giữa các chủ thể và có khả năng áp dụng trong thực tế. Mối quan hệ trong hoạt động bảo lãnh quốc tế vẫn phát sinh giữa ba chủ thể: bên được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và bên bảo lãnh nhưng ít nhất một trong các chủ thể này là chủ thể mang yếu tố nước ngoài. Pháp luật cho hoạt động bảo lãnh quốc tế vừa phải đảm bảo tính tương đồng, phù hợp với hệ thống pháp luật quốc gia; không xung đột với pháp luật quốc tế; đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ thể trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, sự hiệu quả của một chính sách pháp luật còn được đánh giá bởi tính khả thi của chính sách đó. Tính khả thi của pháp luật được thể hiện ở việc một văn bản pháp luật có khả năng được thực hiện trong điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị cụ thể của mỗi quốc gia hay không. Khả năng thực hiện của quy định pháp luật phụ thuộc vào sự phù hợp của quy định đó với tình hình thực tiễn xã hội, phản ánh đúng trình độ phát triển của đất nước. Đồng thời, tính khả thi của pháp luật còn liên quan trực tiếp tới vấn đề năng lực, trình độ dân trí và khả năng thực hiện pháp luật của các chủ thể trong xã hội.

Để đảm bảo việc hoàn thiện pháp luật cho hoạt động bảo lãnh quốc tế thực sự phát huy vai trò điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia thì ngoài việc gắn liền pháp luật với chủ trương của Nhà nước, cập nhật xu hướng hội nhập và phát triển của thế giới thì cần phải dựa trên nguyên tắc tương quan giữa pháp luật về bảo lãnh quốc tế với hệ thống pháp luật quốc gia cũng như đánh giá đầy đủ về tính khả thi của pháp luật trong từng điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 79 - 80)