Hoàn thiện pháp luật phải phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 76 - 79)

Ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của xã hội, chủ trương và các chính sách của Đảng và Nhà nước luôn giữ vai trò định hướng, là khuôn khổ cho mọi hoạt. Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia được hình thành, điều chỉnh hay thay đổi đều phụ thuộc trực tiếp vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Do đó, để xây dựng những đề xuất, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh quốc tế nói riêng trước tiên phải xem xét trong mối quan hệ với chủ trương Nhà nước ở từng thời kỳ.

Tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó khuyến khích việc tăng cường giao lưu, hợp tác lâu dài dựa trên tinh thần bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh là chủ trương dài hạn của Đảng và Nhà nước được nêu rõ trong các văn kiện Đại hội IX (tháng 04/2001). Đại hội XII (tháng 01/2016) tiếp tục mở rộng, phát triển chủ trương trên như sau: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Đảng và Nhà nước ta chủ trương và nhất quán vận hành nền kinh tế thị trường chủ yếu bằng cơ chế thị trường và thông qua cơ chế thị trường nhưng coi trọng sự quản lý và sự điều tiết của Nhà nước, thực hiện phân phối công bằng, nhưng không cào bằng thành quả thu được cho mọi thành viên để không ai, kể cả những người yếu thế, bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là định hướng cực kỳ quan trọng cho toàn bộ quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa toàn bộ nền kinh tế.

Trong hoạt động ngân hàng, Nhà nước cũng đã xây dựng định hướng phát triển ngành đến năm 2030 và đề ra mục tiêu cụ thể để đáp ứng chiến lược phát triển cho đến năm 2025. Theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 07/01/2019, mục tiêu cụ thể của ngành ngân hàng trong giai đoạn này là: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng đến các đối tượng ít được tiếp cận, phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng hệ thống qua từng giai đoạn, tăng cường áp dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động ngân hàng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng trên cơ sở đáp ứng các nhu cầu kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng nhu cầu hội nhập,…Tóm lại, mục tiêu chính của chiến lược này là tạo ra một môi trường hoạt động an toàn, lành mạnh với hệ thống sản phẩm dịch vụ đa dạng, thuận lợi, tạo điều kiện cho sự phát triển của các chủ thể kinh tế.

Chính sách, chủ trương của Nhà nước trước hết phải căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội ở mỗi giai đoạn. Trước sự thay đổi trong xu hướng phát triển của thế giới, chính sách và chủ trương của mỗi quốc gia cần phải được điều chỉnh lại cho phù hợp. Một chính sách quản lý linh hoạt, nhạy bén chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tích cực hơn so với tư duy lạc hậu, cứng nhắc. Thực tế đã cho thấy chính sách quản lý theo phương thức chủ động, linh hoạt đã có tác dụng rất lớn tới sự tồn tại và phát triển của các hoạt động kinh tế, xã hội. Cụ thể, trong thời gian từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của nhiều cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ; tình trạng thất nghiệp, chậm lương của người lao động trở nên khá phổ biến; thậm chí rất nhiều khách hàng doanh nghiệp và cá nhân có thể lâm vào phá sản, mất khả năng trả nợ cho ngân hàng đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, hàng không, du lịch,…Trước tình hình đó, ngày 13/03/2020, NHNN đã ban hành quyết định số 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Quyết định này của NHNN đã giúp cho rất nhiều khách hàng tránh được tình trạng vỡ nợ, nợ xấu ngân hàng do không có khả năng hoàn trả. Mặc dù khi thực hiện quyết định này lợi nhuận của nhiều NHTM đã

bị giảm sút đáng kể nhưng về dài hạn, đây có thể là biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và các chủ thể kinh tế trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động bảo lãnh quốc tế cũng là một chiến lược quan trọng được các nhà lãnh đạo đề cao trong việc xây dựng nền tảng tài chính ngân hàng hiện đại, vững mạnh. Tuân theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là yêu cầu hàng đầu nhằm hướng tới sự tăng trưởng cả về chất và lượng của hoạt động bảo lãnh quốc tế.

3.1.2. Hoàn thiện pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hàng phải phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế là nhu cầu tất yếu của Việt Nam khi theo đuổi mục tiêu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ và công cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, hội nhập kinh tế quốc tế là bước đi ngắn nhất để một quốc gia có xuất phát điểm từ nông nghiệp như Việt Nam rút ngắn khoảng cách đối với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Tại Đại hội VI, Đảng ta đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác". Đây chính phương hướng đầu tiên khởi đầu cho các chủ trương tiếp theo của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế. Tới Đại hội VII, Đảng ta định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế". Tại Đại hội VIII, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập trong các văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”.

Bảo lãnh quốc tế hình thành và phát triển để phục vụ trực tiếp một trong các chủ thể kinh tế ở nước ngoài nên hoạt động này tất yếu gắn với xu hướng phát triển của hoạt động bảo lãnh quốc tế cũng như hệ thống các thông lệ, tập quán quốc tế. Sự mở rộng các loại hình dịch vụ bảo lãnh, áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng hay chỉ một sự thay đổi nhỏ trong pháp luật quốc tế cũng

có tác động trực tiếp tới hoạt động bảo lãnh quốc tế ở Việt Nam. Pháp luật về bảo lãnh quốc tế tại Việt Nam cần phải dựa trên nguyên tắc kế thừa, bổ sung các quy định của luật pháp quốc tế có liên quan. Việc gắn liền pháp luật trong nước với xu hướng phát triển quốc tế là thực sự cần thiết để đảm bảo tính cập nhật, cạnh tranh với các TCTD nước ngoài khác và thúc đẩy sự tăng trưởng an toàn, bền vữg của hoạt động bảo lãnh quốc tế trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 76 - 79)