1.1.4.1. Môi trường vĩ mô - Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế tác động đến hoạt động bảo lãnh ngân hàng theo hai hướng: tích cực và tiêu cực. Môi trường kinh tế phù hợp và ổn định có thể tạo thuận lợi cho hoạt động ngân hàng phát triển trong đó có bảo lãnh. Trong môi trường kinh tế lành mạnh, các chủ thể tham gia trong nền kinh tế hoạt động hiệu quả thì sẽ thúc đẩy mở rộng hoạt động bảo lãnh. Nhưng nền kinh tế suy thoái, lạm phát cao sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, gây rủi ro cho hoạt động bảo lãnh.
- Môi trường chính trị - xã hội
Môi trường chính trị - xã hội sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy hoạt động đầu tư, từ đó đem đến cơ hội phát triển hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Các cá nhân, doanh nghiệp là khách hàng bảo lãnh của ngân hàng có môi trường để kinh doanh ổn định và hiệu quả, sẽ đảm bảo được khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình, ngân hàng sẽ không phải hoàn trả thay cho nghĩa vụ của khách hàng. Tuy nhiên, một sự
thay đổi trong hệ thống chính trị – xã hội sẽ có thể làm cho hoạt động ngân hàng rơi vào khủng hoảng và hoạt động bảo lãnh không tránh khỏi bị tác động.
- Môi trường pháp lý
Pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và bảo lãnh ngân hàng nói riêng. Nếu hệ thống pháp luật không đồng bộ, đầy đủ và ổn định, việc thực thi pháp luật không hiệu quả sẽ tạo khe hở trong hoạt động bảo lãnh. Cơ sở pháp lý đồng bộ sẽ tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng dễ dàng thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình, xây dựng những quy trình bảo lãnh nói riêng và quy trình nghiệp vụ tín dụng nói chung phù hợp với từng ngân hàng, tạo điều kiện cho hoạt động bảo lãnh phát triển, đảm bảo an toàn và tuân thủ cơ chế chính sách tín dụng của Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước.
- Môi trường công nghệ
Công nghệ ngày càng phát triển và phục vụ đắc lực cho mọi hoạt động của nền kinh tế xã hội. Đối với hoạt động bảo lãnh của NHTM cũng vậy, sử dụng công nghệ hiện đại vừa thể hiện mức độ hiện đại hoá của ngân hàng vừa giúp phục vụ khách hàng tốt hơn, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro của NHTM.
1.1.4.2. Khách hàng
Khách hàng là một trong những nhân tố khách quan có ảnh hưởng đến hoạt động BLNH mà ngân hàng không thể kiểm soát được. Do đó, công tác thẩm định khách hàng là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp ngân hàng hạn chế được tối đa các loại rủi ro có thể gặp phải đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động bảo lãnh. Những chỉ tiêu thẩm định mà ngân hàng không thể bỏ qua khi phân tích một khách hàng là: tính khả thi của dự án và hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính, tài sản bảm đảm,… Sự phát triển của hoạt động bảo lãnh ngân hàng cũng phụ thuộc trực tiếp vào khách hàng. Nhu cầu của khách hàng càng cao thì sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng đẩy mạnh hoạt động này.
1.1.4.3. Đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh cũng là một trong những yếu tố có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Các đối thủ cạnh tranh có nhiều thế mạnh có
thể thu hút được nhiều khách hàng, từ đó làm giảm thị phần của chủ thể kinh doanh. Bảo lãnh ngân hàng cũng không phải là một ngoại lệ. Ngoài việc tận dụng các điều kiện thuận lợi của môi trường vĩ mô, thực hiện chính sách thu hút khách hàng thì các ngân hàng cũng cần tập trung nghiên cứu đối thủ cạnh tranh và chính sách của họ, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh hợp lý.
1.1.4.4. Các yếu tố nội bộ ngân hàng
Là chủ thể trực tiếp cung ứng dịch vụ bảo lãnh ngân hàng, các yếu tố nội bộ ngân hàng như chiến lược phát triển kinh doanh, kế hoạch phát triển hoạt động bảo lãnh, chính sách về giá, chất lượng hoạt động bảo lãnh, quy trình nội bộ, trình độ nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức của nhân viên ngân hàng là những yếu tố đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của hoạt động bảo lãnh. Căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động của tổ chức, các ngân hàng cần xây dựng chính sách nội bộ phù hợp với những biến đổi của môi trường kinh doanh và pháp lý, tận dụng khai thác những điểm mạnh của tổ chức để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động bảo lãnh ngân hàng.