Sự đa dạng hoá trong sản phẩm, dịch vụ

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 44 - 47)

Cấp bảo lãnh là một trong những dịch vụ đem lại nguồn thu đáng kể và chi phí thấp cho các ngân hàng thương mại. Sự phát triển của hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế là cơ hội để các ngân hàng tìm kiếm nguồn khách hàng mới, mở rộng thị trường. Bên cạnh việc thúc đẩy các giải pháp bán hàng, áp dụng chính sách ưu đãi, các NHTM đã và đang tăng cường đầu tư, đa dạng hoá các sản phẩm và dịch vụ để tăng tính cạnh tranh và thu hút khách hàng. Đa dạng hoá là một giải pháp cơ bản, là yêu cầu tất yếu đối với tất cả các NHTM để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, hoạt động bảo lãnh quốc tế ngày càng được đa dạng hoá với các loại hình khác nhau, phục vụ nhu cầu của nhiều chủ thể kinh tế. Các loại bảo lãnh quốc tế phổ biến hiện nay ở Việt Nam bao gồm: bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh tiền ứng trước, bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo hành và bảo lãnh vay vốn. Ngoài các loại bảo lãnh nói trên, các ngân hàng còn có thể phát hành cam kết bảo lãnh cho các mục đích chuyên biệt khác mà pháp luật không cấm và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thời gian gần đây, nhiều NHTM tập trung nguồn lực và công nghệ để thúc đẩy sự tăng trưởng của hoạt động bảo lãnh quốc tế. Không chỉ mang đến nguồn thu từ phí dịch vụ, lợi ích trong dài hạn của dịch vụ bảo lãnh quốc tế là giúp các ngân hàng tăng thêm uy tín đối với các khách hàng trong nước và đặc biệt là đưa hình ảnh của mình đến với thị trường quốc tế. Với thế mạnh sẵn có từ nguồn khách hàng là các cá nhân, tổ chức kinh doanh nước ngoài, bảo lãnh quốc tế là dịch vụ rất phát triển tại các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện nay như HSBC, Citibank,… Các ngân hàng của Hàn Quốc như Woori Bank, Shinhan Bank hoặc một số ngân hàng Trung Quốc như ICBC, CCB lại rất nổi tiếng với các dịch vụ bảo

lãnh liên quan đến xây dựng bởi đa số các dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam đều có sự tham gia tư vấn, thi công từ các nhà thầu đến từ hai quốc gia này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các NHTM lớn của Việt Nam như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, … cũng đang chú trọng thu hút các khách hàng nước ngoài bởi những nguồn lợi to lớn mà bảo lãnh quốc tế đem lại.

Nhờ sự phát triển của công nghệ 4.0, các dịch vụ tiện ích và công nghệ mới trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng đã giải quyết rất hiệu quả các nhu cầu phát sinh của khách hàng. Tra cứu bảo lãnh online cho phép người dùng là khách hàng và bên thụ hưởng bảo lãnh có thể dễ dàng tra cứu thông tin về bảo lãnh cũng như đối chiếu, kiểm tra tính xác thực của các chứng thư bảo lãnh từ website của ngân hàng. Các ngân hàng tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ tra cứu bảo lãnh online là Vietcombank, BIDV, MB, Eximbank,…

Hình 2. 1. Màn hình tra cứu thông tin bảo lãnh Vietcombank

(Nguồn: vietcombank.com.vn)

Bằng một vài thao tác nhập các thông tin đơn giản như: số chứng thư bảo lãnh, ngày phát hành, số tiền, mã xác thực là khách hàng có thể xác thực được các thông tin cần thiết mà không cần trực tiếp đến ngân hàng hay thực hiện các thủ tục phức tạp.

Hình 2. 2. Màn hình tra cứu thông tin thư bảo lãnh BIDV

(Nguồn: bidv.com.vn)

Ngoài ra, các dịch vụ liên quan đến bảo lãnh thuế quan cũng đang được triển khai thực hiện online tại một số ngân hàng. Cụ thể, MSB cung cấp hình thức bảo lãnh thanh toán thuế XNK gửi bằng phương thức điện tử cho Cơ quan hải quan về việc nộp thuế xuất nhập khẩu thay cho doanh nghiệp khi hết thời hạn bảo lãnh mà doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Ngoài MSB, Sacombank cũng đã triển khai hình thức bảo lãnh thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử. Theo đó, Sacombank sẽ gửi thông tin xác nhận bảo lãnh điện tử đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan thông qua hệ thống kết nối trực tuyến giữa hai bên. Tại thời điểm thông tin xác nhận được gửi thành công, nghĩa vụ bảo lãnh thuế quan của Sacombank đối với khách hàng được xác lập, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thông quan hàng hoá mà chưa cần hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế cho cơ quan hải quan. Bên cạnh đó, Sacombank cũng là ngân hàng đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ chống làm giả trên chứng thư bảo lãnh bằng chất liệu giấy in đặc biệt có vân chìm hoa sen, sợi màu chống giả, số seri đỏ in bằng mực phản quang. Nhờ đặc điểm này, khách hàng có thể dễ dàng phân biệt được tính thật giả của chứng thư.

Sự mở rộng quy mô, hình thức bảo lãnh; cải thiện chất lượng dịch vụ; áp dụng công nghệ hiện đại trong việc xác thực cam kết và đảm bảo tính an toàn trong hoạt động bảo lãnh là những thành tựu đáng chú ý của các NHTM trong thời gian gần đây. Cùng với việc tiếp thu và cập nhật xu hướng phát triển của bảo lãnh thế giới, chắc chắn dịch vụ bảo lãnh quốc tế ở Việt Nam ngày sẽ càng lớn mạnh và vươn xa hơn.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng quốc tế tại Việt Nam (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(105 trang)
w