Yếu tố bên ngoài

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng chuyển đổi các viện nghiên cứu thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng/BQP sang Doanh nghiệp khoa học công nghệ từ góc nhìn tài chính. (Trang 40 - 46)

1.5.2.1. Chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công a) Chủ trương của Nhà nước

Ngày 15/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có 6 nội dung lớn là: cải cách thể chế; cải cách cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong đó, nội dung về cải cách tài chính công khẳng định sự cần thiết của việc tự chủ tài chính, chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, bao gồm các tổ chức KH&CN

trong quân đội, đó là: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng NSNN cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Yếu tố này có ảnh hưởng rất lớn vì đây là chủ trương Nhà nước về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Chủ trương của cơ quan chủ quản

Quán triệt chủ trương của Nhà nước về việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công, BQP đã đưa công tác cải cách, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công thuộc BQP sang mô hình DN vào chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng hàng năm và được quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị dự toán trong quân đội, các đơn vị lấy đó làm mục tiêu, đề ra phương hướng phát triển trong những năm tiếp theo.

1.5.2.2. Các quy định pháp lý liên quan tới tự chủ tài chính của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ

a) Quy định về quyền sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ là khía cạnh quan trọng hình thành DN KH&CN, bởi các sản phẩm của DN KH&CN là kết quả của hoạt động NCKH. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy các hoạt động đầu tư của DN, phát triển kinh doanh, phát triển KH&CN, góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách còn gặp nhiều khó khăn do cơ quan chủ trì phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính mới được giao quyền sử dụng, hơn nữa với đặc thù nghiên cứu KH&CN quân sự là tính cơ mật cao, liên quan trực tiếp tới bí mật quân sự và ảnh hưởng tới an toàn, an ninh của đất nước, việc đăng ký sở hữu trí tuệ của các tổ chức KH&CN trong quân đội càng khó khăn hơn. Vì vậy, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ có tác động lớn tới khả năng chuyển đổi sang DN KH&CN của các tổ chức KH&CN trong quân đội.

b) Các chính sách về thuế

Các chính sách về ưu đãi thuế DN sẽ làm giảm gánh nặng thuế cho các DN, tổ chức. Thông qua ưu đãi về mức thuế suất sẽ làm tăng phần lợi nhuận để lại cho DN, giúp DN có thêm vốn để đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Các chính sách này cũng tạo được động lực khuyến khích các tổ chức KH&CN phấn đấu để trở thành tổ chức tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.

Hiện nay, các DN KH&CN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập DN theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ, cụ thể: được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với DN KH&CN được tính liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN thì năm đầu tiên tính thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Trong thời gian đang được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập DN, nếu năm nào DN KH&CN không đáp ứng điều kiện về doanh thu của các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu năm của DN thì năm đó DN KH&CN không được hưởng ưu đãi và được tính trừ vào thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN của DN KH&CN.

c) Quy định về điều kiện công nhận DN KH&CN

Để có thể hưởng được các ưu đãi về thuế cho DN KH&CN, các tổ chức KH&CN cần được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN. Một trong những điều kiện để được chứng nhận là DN KH&CN là các tổ chức KH&CN phải chứng minh được việc sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả KH&CN. Tuy nhiên, đối với những tổ chức KH&CN có sản phẩm được hình thành từ kết quả KH&CN do NSNN đảm bảo, rất khó để thực hiện được điều này.

Ngoải ra, việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị chứng nhận DN KH&CN đòi hỏi các tổ chức KH&CN phải giải trình quá trình nghiên cứu, ươm tạo và làm chủ công nghệ. Các tổ chức KH&CN cũng gặp khó khăn để chứng minh mình là chủ sở

hữu của các kết quả KH&CN mà các đơn vị bỏ tiền ra nghiên cứu như: đánh giá, xác nhận kết quả giải quyết về mặt kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ…

d) Quy định về quản lý tài sản công

Theo quy định của pháp luật hiện nay, tài sản của các tổ chức KH&CN công lập phải tính khấu hao, hao mòn. Khi lập đề án chuyển đổi mô hình hoạt động, các tổ chức KH&CN phải xây dựng phương án đề nghị được giao quản lý và sử dụng tài sản, khấu hao tài sản. Tính khấu hao, hao mòn tài sản được giao theo từng phần như sau: - Tài sản sử dụng cho các hoạt động có thu được tính và vốn cố định của đơn vị và phải trích khấu hao theo quy định đối với DN nhà nước;

- Tài sản được giao để NCKH, phát triển KH&CN và dạy học, đào tạo thì phải lập phương án tính hao mòn (bao gồm hao mòn hữu hình và vô hình) làm cơ sở cho việc xác định giá trị tài sản.”

Tuy nhiên trên thực tế, rất khó phân định rạch ròi tài sản để sản xuất kinh doanh và tài sản để NCKH, dạy học và đào tạo.

Ngoài ra, sau khi chuyển đổi thành công, nguồn vốn được giao của của các tổ chức KH&CN chủ yếu là tài sản cố định, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm… Do đó, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn lưu động cho công tác nghiên cứu, sản xuất. Về việc sử dụng đất, khi còn được nhà nước đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, các tổ chức KH&CN không phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng sau khi chuyển đổi thành DN, đơn vị phải nộp tiền thuê đất hàng năm sử dụng cho hoạt động NCKH. Các tổ chức KH&CN có nhu cầu sử dụng đất lớn, vì vậy khoản thuế đất phải nộp khá lớn. Tuy Chính phủ đã có chinh sách ưu đãi đất đai cho DN KH&CN, nhưng việc không có vốn lưu động và phải trả tiền thuê đất cũng tạo thành rào cản lớn đối với việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN sang DN.

“Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1, điều 24 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, đơn vị không được phép sử dụng tài sản công để thế chấp vay vốn theo quy định tại khoản 5 Điều 54 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, gây khó khăn cho việc huy động vốn của đơn vị.”

1.5.2.3. Thị trường, khách hàng và nhà cung cấp a) Thị trường

Nhân tố thị trường tác động trực tiếp tới quá trình sản xuất và mở rộng của DN. Nó đóng vai trò quan trọng tới khả năng chuyển đổi các tổ chức KH&CN trong quân đội sang DN KH&CN. Nhân tố thị trường ở đây bao gồm: thị trường đầu vào và thị trường đầu ra.

Thị trường đầu vào: cung cấp các yếu tố cho quá trình sản xuất như nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị… Vì vậy, nó tác động tới giá thành sản phẩm, tính liên tục và hiệu quả của quá trình sản xuất của các tổ chức KH&CN trong quân đội khi chuyển đổi. Thị trường đầu ra: quyết định tốc độ tiêu thụ, tạo vòng quay vốn nhanh hay chậm, từ đó tác động đến hiệu quả kinh doanh của các tổ chức KH&CN trong quân đội khi chuyển sang DN KH&CN.

b) Khách hàng

Đối với bất cứ một DN, tổ chức dịch vụ sản xuất kinh doanh nào, khách hàng luôn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tới sự sống còn của DN. Đối với các tổ chức KH&CN trong quân đội, với đặc thù NCKH trong lĩnh vực quân sự, yếu tố khách hàng đóng vai trò quyết định khả năng chuyển đổi sang DN KH&CN.

Nhu cầu của khách hàng, thị trường quyết định sản phẩm và giá thành sản phẩm, ngoài ra, phương thức bán và phục vụ khách hàng là do khách hàng lựa chọn, vì trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh cao, người mua có quyền lựa chọn người bán theo ý thích của mình và quyết định phương thức phục vụ của người bán. Điều này đòi hỏi người đứng đầu các tổ chức KH&CN, các nhà nghiên cứu phải năng động, đổi mới hơn trong phương thức tiếp cận khách hàng, mở rộng kinh doanh.

c) Nhà cung cấp

Nhà cung cấp là người cung cấp các yếu tố đầu vào như vật tư, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị... phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hoạt động NCKH trong lĩnh vực quân sự đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng vật tư đầu vào, máy móc thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất. Việc tìm kiếm nhà cung

cấp các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu sử dụng gặp nhiều khó khăn khi hoạt động nghiên cứu, sản xuất của các tổ chức KH&CN trong quân đội yêu cầu nhiều loại vật tư, hóa chất ít có trên thị trường; một số thiết bị, máy móc không sẵn có trong nước mà phải đặt hàng gia công hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, các đơn vị cần dự tính nhu cầu của thị trường cũng như khả năng sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, từ đó có kế hoạch mua sắm vật tư, máy móc thiết bị tránh tình trạng khan hiếm vật tư, gây cản trở sản xuất, ảnh hưởng tới nguồn thu của các đơn vị.

Tiểu kết chương 1

Chương 1 của luận văn đã khái quát về khả năng chuyển đổi các tổ chức KH&CN trong quân đội từ góc nhìn tài chính. Khả năng chuyển đổi các tổ chức KH&CN trong quân đội từ góc nhìn tài chính được phân tích từ: cơ chế tài chính của các tổ chức KH&CN trong quân đội hiện nay; sự cần thiết của chuyển đổi các tổ chức KH&CN trong quân đội sang DN KH&CN; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và các yếu tố đánh giá, ảnh hưởng tới khả năng chuyển đổi các tổ chức KH&CN trong quân đội sang DN KH&CN từ góc nhìn tài chính.

Chương 1 đã cung cấp cơ sở lý luận để tác giả phân tích, đánh giá khả năng chuyển đổi sang DN KH&CN của các VNC thuộc Tổng cục CNQP từ góc nhìn tài chính trong chương 2 và đề xuất một số giải pháp nâng cao khả năng chuyển đổi trong chương 3.

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG KHẢ NĂNG CHUYỂN ĐỔI CÁC VIỆN

NGHIÊN CỨU THUỘC TỔNG CỤC CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG/BQP SANG DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỪ GÓC NHÌN TÀI CHÍNH

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khả năng chuyển đổi các viện nghiên cứu thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng/BQP sang Doanh nghiệp khoa học công nghệ từ góc nhìn tài chính. (Trang 40 - 46)