Các nhân tố thuộc về môi trường bên trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Tạo động lực cho người lao động tại công ty cổ phần thời trang hà thanh, tỉnh bắc giang (Trang 29 - 31)

8. Kết cấu của đề tài

1.4.1. Các nhân tố thuộc về môi trường bên trong doanh nghiệp

1.4.1.1. Mục tiêu, chiến lược của doanh nghiệp

Mục tiêu của doanh nghiệp là kết quả cuối cùng mà doanh nghiệp hướng tới trong một khoảng thời gian nhất định. Để đạt được mục tiêu đó, doanh nghiệp cần phải xây dựng các chiến lược phát triển cho từng giai đoạn cụ thể, chiến lược được xây dựng phù hợp với từng thời điểm, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể khác nhau nhằm đưa doanh nghiệp phát triển để đạt mục tiêu đã đề ra. Thông thường mục mục tiêu của doanh nghiệp được chia thành hai loại bao gồm mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn. Thông qua mục tiêu của mình, doanh nghiệp sẽ đưa ra các chiến lược để đạt được mục tiêu đã đề ra. Mục tiêu, chiến lược của doanh nghiệp ảnh hưởng đến quá trình làm việc của người lao động, điều đó buộc doanh nghiệp phải có những hoạt động để tạo động lực cho người lao động phù hợp.

1.4.1.2. Hệ thống các chính sách quản lý

Để doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả, đạt được mục tiêu đã đề ra thì không thể thiếu được các chính sách quản lý. Các chính sách này có tác động rất lớn tới động lực làm việc của người lao động, chính vì thế cần phải xây dựng các chính sách quản lý phù hợp với doanh nghiệp và với người lao động.

Các chính sách được ban hành và áp dụng trong tổ chức sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm và động lực làm việc của mỗi cá nhân người lao động. Nếu những chính sách phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, tạo điều kiện để người lao động phát huy được hết tiềm năng, sở trường, các chế độ đãi ngộ tương xứng với công sức người lao động thì sẽ tạo ra động lực làm việc cho người lao động và ngược lại.

1.4.1.3. Bản thân công việc

Mỗi công việc sẽ có những đặc điểm, tính chất khác nhau, chính vì thế mà yếu tố bản thân công việc cũng ảnh hưởng rất lớn tới động lực làm việc của người lao động. Khi bố trí, sắp xếp công việc nếu phù hợp với đặc điểm, trình độ, năng lực, chuyên môn của người lao động thì sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác tạo động lực cho người lao động và ngược lại.

Người làm công tác tổ chức phải biết sắp xếp, phân công lao động hợp lý để phát huy hết năng lực và sở trường của các cá nhân để người lao động có động lực làm việc tốt nhất. Các khía cạnh thuộc về bản thân công việc như: Tính hấp dẫn của công việc; Các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết; Mức độ chuyên môn hóa trong công việc; Mức độ hao phí về trí lực; Cơ hội thăng tiến, … Nội dung này tác giả sẽ phân tích kỹ hơn tại mục 1.4.4.

1.4.1.4. Điều kiện làm việc

Trong tổ chức, điều kiện làm việc của người lao động được quan tâm, được đầu tư về trang thiết bị, về máy móc, về thiết bị an toàn, bảo hộ... người lao động sẽ cảm thấy yên tâm về tính mạng, sức khỏe, môi trường, tâm lý sẽ ổn định và chuyên tâm vào công việc… điều đó góp phần quan trọng vào việc tạo động lực cho người lao động trong công việc.

1.4.1.5. Văn hóa tổ chức

“Văn hoá tổ chức là toàn bộ những giá trị mà tổ chức tạo ra trong quá trình thực hiện các hoạt động để đạt tới mục tiêu của tổ chức. Nó tác động tới tình cảm, lý trí và hành vi của các thành viên trong tổ chức” [22, tr.236]

Văn hóa tổ chức doanh nghiệp bao gồm nhiều nội dung từ triết lý, các giá trị cốt lõi, tác phong làm việc, môi trường làm việc, trang phục, … ảnh hưởng lớn tới việc thu hút người lao động làm việc, gắn bó với tổ chức.

1.4.1.6. Phong cách quản lý của người lãnh đạo

Phong cách quản lý của người lãnh đạo là một trong những nhân tố quan trọng trong quản lý. Phong cách quản lý thể hiện tính khoa học, đồng thời thể hiện được tài năng và nghệ thuật quản lý của người lãnh đạo.

Phong cách quản lý của người lãnh đạo bao gồm nhiều phong cách khác nhau như phong cách dân chủ, phong cách độc đoán chuyên quyền, phong cách lãnh đạo kết hợp cả dân chủ và độc đoán chuyên quyền, … Phong cách lãnh đạo của nhà quản lý nếu phù hợp sẽ tác động đến người lao động, tạo động lực, khuyến khích họ cống hiến hết mình cho doanh nghiệp.

1.4.1.7. Mối quan hệ nhóm và bầu không khi tập thể

Trong doanh nghiệp, mối quan hệ nhóm và bầu không khí tập thể có vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn tới động lực làm việc của người lao động. Giữa các nhóm người lao động trong tổ chức nếu có mối quan hệ tương hỗ, giúp đỡ nhau thì hiệu quả lao động sẽ cao hơn. Bầu không khí tập thể thoải mái, sẽ tạo nên môi trường làm việc lành mạnh, giúp người lao động trong tổ chức làm việc tốt hơn.

Các doanh nghiệp cần chú trọng tới việc xây dựng mối quan hệ nhóm và bầu không khí tập thể phù hợp với điều kiện thực tế của mình để có thể thúc đẩy động lực làm việc của người lao động một cách hiệu quả.

Một phần của tài liệu Tạo động lực cho người lao động tại công ty cổ phần thời trang hà thanh, tỉnh bắc giang (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)