Nhân vật mang cảm thức cô đơn, lưu vong

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết đoàn minh phượng (khảo sát qua và khi tro bụi và đốt cỏ ngày đồng) (Trang 29 - 33)

5. Bố cục của đề tài

2.1.1. Nhân vật mang cảm thức cô đơn, lưu vong

Nhân vật trong văn chương luôn là bóng dáng phản chiếu những ẩn ức mong muốn thầm kín của tác giả. Vì lẽ đó, trong tiểu thuyết, Đoàn Minh Phượng cũng thể hiện sự cô đơn, lạc lõng chính bởi cảm thức lưu vong của mình. Đoàn Minh Phượng rời khỏi Việt Nam qua định cư tại Đức chưa đầy hai mươi tuổi, sống trong lòng xã hội tư bản mà ở đó sự minh bạch, phân công đều rõ ràng, lạnh lùng vô cảm, cộng với sự cách biệt về ngôn ngữ, ứng xử đã tạo nên một vách ngăn và mặc cảm văn hóa sâu nặng trong tâm thức của con người lưu vong.

Nhân vật trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng thường trực trong nỗi buồn, nỗi cô đơn và sự lạc loài của sự “thiên di” nơi xứ người. Mang tâm thế của kẻ thiên di, phải hoài nhập với cuộc sống mới xa lạ và lạc lõng, kèm theo đó là những ký ức quê hương nguồn cội...khiến cho nhân vật triền miên chìm vào một nỗi buồn mênh mang xa ngái. Họ không còn lý tưởng, cuộc sống của họ không có mục đích rõ ràng. Họ trở nên mất niềm tin và mất phương hướng. Cuộc sống và những mối quan hệ xung quanh trở nên rối loạn. Đây là biểu hiện của con người, của tâm thức hậu hiện đại. “Trạng thái mà con người hậu hiện đại thường xuyên phải đối mặt chính là cái hỗn độn “chaos”. Bởi cái hỗn độn chaos này mà con người hậu hiện đại rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng đánh mất nhận thức của bản thân trước hiện thực cuộc sống. Điều đó khiến cho đôi khi hành vi, cách ứng xử của con người hậu hiện đại dường như không liên quan đến bản chất tính cách của họ, và tính cách của con người chỉ thực sự được bộc lộ trong những hoàn cảnh đặc biệt, trong tình huống hiện sinh tiêu biểu” [4, tr.57].

Trong tiểu thuyết Và khi tro bụi, nhân vật An Mi cũng hiện lên bóng dáng của

nhà văn trong đó. Nửa đời sống lưu vong, cô luôn cảm thấy cô đơn, trống vắng giữa cộng đồng. Và khi sợi dây kết nối giữa An Mi và xã hội bị đứt mạch – người chồng ra đi, thì “một sự tắt ngấm tuyệt đối” đã phủ lên quãng đời còn lại của cô. “Một kiếp người vội vã thành tro bụi, nhưng với người đàn bà ở lại, mất một người chồng là mất đi mọi ràng buộc mình với thế giới này. Không một người quen, không có việc gì trên

24

đời để làm, không nơi chốn nào để đến…” [36]. Cái chết của chồng chính là nỗi đau đớn lớn nhất đối với cô. Một con người rời quê hương đến nơi đất khách, chẳng có gì để bấu víu, duy nhất người chồng chính là chỗ dựa đối với cô thế mà giờ đây cũng chẳng còn gì nữa rồi. Người đã ra đi, bỏ lại cô với nỗi đau tột cùng và sự hoang hoải của kiếp người “Nỗi bất hạnh đã tước đi tất cả ao ước được sống của tôi”, sự thật phũ phàng đưa cô trở về một thực tại nguyên sơ, “tôi không còn gì, hồn tôi chỉ là một đám tro (…) Và tôi đi tìm cái chết” [36, tr.4]. Sở dĩ, An Mi luôn cảm thấy mình “mất cả trọng lực” và rất “dễ vỡ” bởi mặc cảm văn hóa đã làm cô trở thành người “khách lạ dù ở bất cứ đâu. Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ đưa đến bám rễ trên vách đá, tôi biết thân phận của mình rất dễ vỡ” [36,tr.67]. Chồng mất, sự va chạm văn hóa càng lúc càng sâu sắc hơn “nơi tôi sinh ra, màu trắng là màu tang chứ không phải màu đen. Tôi tưởng đã quên điều này vậy mà tôi lại nhớ, và khi nhớ lại rồi điều đó trở nên quan trọng. Quan trọng tuyệt đối trong một cuộc đời không còn gì là quan trọng nữa…” [36, tr.1]. Mạch nguồn quê hương tưởng chừng như đã ngủ yên trong tiềm thức của nhân vật An Mi sau bao năm bôn ba ở nước Đức. Thế mà, khi nó được khơi dậy, lại giống như ngọn lửa bùng lên, hừng hực, thôi thúc và chế ngự cả lí trí và để những cảm xúc thiêng liêng điều khiển những hành vi ứng xử khác thường “Ngày tang lễ anh tôi mặc một chiếc áo trắng dài. Lúc tôi bước vào nhà cầu nguyện, mọi người nhìn tôi rồi vội quay đi, như tế nhị tránh nhìn một điều sai sót lớn lao. Tôi nghĩ: đừng bắt tôi làm khác, tôi chỉ có một lần này trong đời để mặc chiếc áo trắng dành cho anh” [36, tr.1]. Nỗi cô đơn, lạc loài ấy cứ bám riết lấy cô, dằn vặt trong từng sợi cảm xúc hay lí trí. Để rồi, cô không dám dựa mình vào bất kì nơi chốn nào nữa. Cô quyết định sẽ sống trên những chuyến xe lửa. Phải chăng, vì cô sợ bản thân mình nếu quen, quá yêu thương với một vùng đất, một ngôi nhà, những con người ở quanh đó,chẳng may một lần nữa lại mất đi khỏi tầm tay thì chắc bản thân cô sẽ không thể nào trụ vững, không thể nào tiếp tục sống thêm một giây phút nào. “Tôi biết mặt đất là thứ khó chia tay, nên tôi sẽ sống trên những chuyến tàu” [36, tr.3]. Cuốn sổ mà nhân vật An Mi mua như “chuyến tàu quay ngược về những năm tháng” mà cô đã cố tình xóa đi tất thảy trước đây. Cô chọn cách ngủ quên với nó, để nó yên ắng trong một cõi tâm thức nào đó không muốn lật lại một chút nào. Cô lấy hết can đảm để viết ra nhưng chỉ viết được ba dòng “Tôi là một đứa trẻ mồ côi” “Tôi đến từ một đất nước có chiến

25

tranh” “Ở Hildesheim, tôi hát trong ban đồng ca nhà thờ. Tôi không nhớ gì về ngôi nhà thờ ấy, ngoại trừ đá và hơi lạnh từ đá” [36, tr.7]. Quá khứ giờ đây như bị phân mảnh, trở thành những mảnh ghép rời rạc mà chính cô cũng không thể lắp lại chúng sao cho nguyên vẹn. Bởi cái gì đã vỡ rồi thì dù con người ta có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, có cất công xếp nhặt lại cũng sẽ chẳng bao giờ lành lặn như trước đây. Con người sống lưu vong nơi xứ người phải chịu những rào cản về mặt văn hóa bản sắc, họ luôn lạc lõng, cô đơn giữa biển người và không tìm được mối liên kết nào với thế giới bên ngoài. Dẫu vậy, mạch ngầm dân tộc vẫn luôn ngấm ngầm thai nghén, âm ỉ trong tâm hồn cô, dù cho nó được bộc lộ ít ỏi nhưng tiếng gọi từ cội nguồn ấy sẽ không bao giờ tắt.

Nếu An Mi trong Và khi tro bụi mang cảm thức lưu vong bởi xuất phát từ đứa trẻ mồ côi khi bước ra từ đất nước có chiến tranh và hòa vào dòng người lên con tàu qua Đức để sinh sống thì nhân vật Mây trong Đốt cỏ ngày đồng lại lưu vong trong

chính thân phận của chính mình. Đó chính là biểu hiện rõ nét của lưu vong tinh thần. Lưu vong tinh thần được hiểu như một trạng huống của lý trí. Con người sống trong một tâm thế bất ổn, tâm hồn họ bị lưu đầy trong những chuyến lưu vong bất tận, con người trở thành xa lạ với chính mình. Cảm thức lưu vong không chỉ là hoàn cảnh sống, mà còn là tình thế lưu vong trong trái tim mỗi con người. Nhân vật Mây cũng mang trong mình những trường cảm xúc như thế.Trái tim cô bây giờ là con đường tối tăm không lối thoát, không nơi trú ngụ. Dù trái tim ấy đã từng đập thổn thức vì tình yêu, đã từng khao khát được yêu nhưng giờ đây nó lạc lõng, vô hồn, thật cô đơn biết nhường nào. Trái tim hay tâm hồn con người cũng cần có “nhà” của nó, cũng cần có nơi chốn để thuộc về. Nhân vật Mây sau khi người yêu bị bắt giam vào tù, cô bị bán vào nhà chứa Huyền Trân, đi làm điếm. “Em vừa bước qua cánh cửa nhôm có giăng tấm vải in hoa đó để bước vào phòng, thì cuộc đời em đứt đoạn ngay lúc đó” [37; tr.84]. Mây lưu vong trong chính miền ký ức của mình. Con người lưu vong không có quê hương nào ngoài ký ức. Đến với một nơi hoàn toàn xa lạ_mảnh đất Sài Gòn phồn hoa đô hội, hay tòa nhà Elysia, đó đều là những nơi không thuộc về cô. Cô thuộc về nơi có anh, khi người yêu cô chưa bị bắt giam và cô được sống trong tình yêu “Buổi sáng của chúng tôi đẹp như nắng và như sương. Trăm năm chắc chắn không đủ dài để thương nhau, tôi yêu anh đến nỗi thời gian làm cho tôi thấy đau trong lồng ngực” [37, tr.45]. Cô cũng

26

đã từng có khát khao về một tình yêu bình dị như bao người khác, đó là được sống với người đàn ông mình yêu thương, bình đạm bước qua năm tháng. Nhưng rồi cô quyết định sống chung với cô đơn, nỗi buồn và khoảng không anh để lại. Tất cả khoảng không gian thời gian đều bao trùm bởi nỗi nhớ đến vô cùng vô tận. Và khi cô không còn cảm nhận được tình yêu của anh ở bên mình cũng chính là lúc cô rơi vào hố sâu của sự cô đơn. “Có khi ở chợ về đến trước cửa căn nhà của mình, tôi không biết tôi vừa đến đây hay vừa về đây. Bên ngoài chẳng thuộc về ai, không một ai yên ấm, không một ai lạc loài. Ở bên ngoài người ta luôn có một nơi nào để đi đến – hoặc trở về. Bên trong căn nhà của mình, người ta dừng lại, ngồi xuống, không còn nơi nào để đi tiếp. Nếu không cảm thấy được bao bọc trong hơi ấm và sự quen thuộc của nơi chốn thuộc về mình, người ta không còn nơi nào trú ngụ ngoài con tim bên trong thân thể. Vách con tim tôi mỏng, tôi biết vậy” [36, tr.38]. Rời xa anh cô cũng như rời xa trái tim tầm hồn của mình. Bởi tình yêu chính là thứ kết nối và sưởi ấm cho những con tim đang se sắt, cô đơn. Nhưng giờ anh không còn ở đây nữa thì còn chỗ dựa nào cho cô. Mây trở nên lạc lõng, vô loài, cảm thấy mình như bị ra khỏi rìa của thế giới, không có nơi nào là thuộc về mình cả. Tại sao những người ngoài kia ai ai cũng thật hạnh phúc, còn cô thì không? Ai ai cũng có ngôi nhà và hơi ấm, còn cô lại chỉ một mình? Sự cô đơn ấy chi phối cả tiềm thức của cô, khiến cô cũng không thể hiểu được suy nghĩ và hành động của chính mình. Có đôi khi cô hành động một cách vô thức và cũng có khi tất cả diễn ra xung quanh cô chỉ là sự ảo giác mà thôi. Không chỉ cô đơn, lạc lõng mà nhân vật trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng cũng luôn mang sự hoài nghi, phủ định sự tồn tại. Mây luôn chìm trong một cảm giác rằng anh không có thật. Tất cả những năm tháng sống với anh, ký ức bên anh và cả những cảm giác yêu của hai người phải chăng là một giấc chiêm bao? Những trạng thái ấy cứ dồn dập trong tiềm thức của cô. Vừa cô đơn, lạc lõng, vừa hoài nghi, bất an, tất cả những cảm xúc ấy chính là dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng. Nhân vật mang cảm thức cô đơn, lưu vong luôn xuất hiện trong sáng tác của Đoàn Minh Phượng như một nỗi ám ảnh thường trực khôn nguôi. Ẩn sau mỗi số phận, mỗi nhân vật trong tác phẩm chính là bóng dáng cuộc đời nhà văn. Một con người phải đi qua những năm tháng lưu lạc sống nơi đất khác, mang trên thân thể hàng trăm vết thương đau, nếm bao sóng gió cuộc đời, trải đủ mọi thế thái nhân tình nên trang văn của bà thấm đẫm sự từng trải và sâu

27

sắc đến tột cùng. Không có gì đáng buồn hơn, cô đơn hơn khi con người lạc lõng trước hiện thực, mà đồng thời cũng không tìm được chốn nương thân cho chính mình. Có thể nói, nhân vật lạc loài cô đơn trong cuộc sống đời thường hay hoàn cảnh tha phương xa xứ trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng là minh chứng cho sự bất tín nhận thức. Lối đả phá đại tự sự, mất niềm tin vào các đại tự sự đã làm xuất hiện sự bất tín nhận thức. Đây là phạm trù thế giới quan tiêu biểu của chủ nghĩa hậu hiện đại. Chính vì bất tín nhận thức, mà họ lạc lối giữa cuộc đời, với chính bản thân mình. Nó là sự mất phương hướng, khủng hoảng niềm tin vào các đại tự sự, vào các giá trị đạo đức, tinh thần và hệ thống các giá trị cũ; nó đẩy con người rơi xuống vực sâu của những ngờ vực, nghi kị, lạc lõng, cô đơn, mất phương hướng.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết đoàn minh phượng (khảo sát qua và khi tro bụi và đốt cỏ ngày đồng) (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)