Giọng suy ngẫm, triết lý

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết đoàn minh phượng (khảo sát qua và khi tro bụi và đốt cỏ ngày đồng) (Trang 71 - 74)

5. Bố cục của đề tài

3.3.1. Giọng suy ngẫm, triết lý

Mỗi tác phẩm văn học chính là thế giới khách quan được nhìn qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Tác phẩm ấy dung chứa những tư tưởng tình cảm, những triết lý sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm qua các nhân vật hay sự kiện. Sau năm 1975, hiện thực có nhiều thay đổi, văn học cũng bám sát sự thay đổi ấy để phản ánh rõ nét thực tại. Từ đó mà các nhà văn đều có nhu cầu thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm về về cuộc đời, về thế giới và con người.

Trong tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng, giọng điệu suy ngẫm, triết lý trở thành sắc thái cảm chủ đạo. Người đọc bị lôi cuốn bởi chất văn cảm xúc, tinh tế và ẩn chứa trong đó chính là sự từng trải của bà. Trong Và khi tro bụi, khi nhân vật luôn mang trong mình nỗi dằn vặt riêng tư, sống một cuộc đời đeo đuổi những giá trị vô hình của sự tồn tại như cố quên đi vết thương lòng hành hạ mình suốt những năm dài tháng rộng. Trải dài trong tác phẩm là những uẩn khúc, chất vấn tự thân về sự sống, những giằng xé trong tâm tưởng về cõi vĩnh hằng để truy ra đáp án cho câu hỏi “Tôi là ai?” của nhân vật chính. Những sự chất vấn ấy chính là biểu hiện của ý thức đi tìm bản thể,

66

và trên hành trình ấy, cô đã chiêm nghiệm ra những triết lý của đời người. Đối với cô, cái chết “là một dấu chấm chết. Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của câu đi trước nó. Chỉ còn lại cái chết được chọn lựa. Nó cần được hiểu, cho dù người hiểu nó chỉ là tôi mà thôi” [36, tr.8] . Bằng giọng điệu thấm đẫm chất triết lý ấy, Đoàn Minh Phượng đã gieo vào lòng người đọc những ám ảnh khôn nguôn. Có lẽ có người đang sống, nhưng cũng có một số người đang tồn tại. Cái chết liệu có thực sự đơn giản như thế không. Có phải là dấu chấm hết cho một sự sống, một đời người. Liệu cái chết có mang theo tất cả, cả nỗi đau đớn, dằn vặt và cả niềm hạnh phúc, ngọt ngào. Sau những chuyến đi đến nhiều nơi, hiểu được một vài câu chuyện, cái chết đối với cô vẫn là một ẩn số. An Mi càng muốn hiểu về cái chết, cái chết lại càng mờ mịt “tôi vẫn mơ hồ cảm thấy mình không thể chấm dứt một thứ mà mình không biết nó là gì. Người ta chỉ giết được người chứ không giết được ma. Như một loài ma trơi, tôi đã sống ở bên ngoài cuộc đời, vừa sống vừa xóa đi ngày tháng và ký ức. Tôi bập bềnh trong không khí, lo sợ sức hút của trái đất làm cho tôi đau đớn. Đến khi lựa chọn cái chết, tôi vẫn không hiểu nó, không tìm cho nó được một ý nghĩa cho dù rất nhỏ” [36, tr.42]. Không chỉ thế, những sự vật xung quanh cô cũng làm cho cô chiêm nghiệm về một điều gì đó. Đó là vào một buổi chiều, An Mi đứng nhìn dòng sông: “Sông chảy êm đềm. Nó luôn luôn êm đềm mỗi lần tôi trở lại. Nhưng tôi nhận ra là đầu nguồn nó hẳn cũng có thác ghềnh, người ta chỉ tìm những nơi sông chảy hiền lành để dựng lên thành phố” [36, tr.88]. Con người cũng như dòng sông, cũng có một dòng chảy liền nối từ quá khứ đến hiện tại, từ đầu nguồn ra sông rộng biển sâu. Có lẽ “đầu nguồn” của con người cũng có lắm thác ghềnh, lắm buồn thương, nên họ tự mình đắn đo nên nhớ hay nên quên. Nhớ để dòng chảy tuôn thành mạch thông, dồi dào sức sống, người biết mình là ai, từ đâu đến, sống để làm gì. Quên để dòng chảy đủ làm an tâm lòng người, họ tự lừa mình, quên mình để rồi suốt phần đời còn lại sống không vui buồn, cảm xúc, trái tim tâm hồn như đã vỡ từ lâu. Giọng điệu suy tư triết lý như một mạch nguồn chảy xuyên suốt tác phẩm, điều đó giúp cho người đọc cũng ngộ ra được những chân lý theo cách nhìn của riêng mình.

Đến với Đốt cỏ ngày đồng, chúng ta vẫn nhận ra được giọng điệu triết lý là sắc thái chủ đạo của tác phẩm. Nhân vật Mây đã có những chiêm nghiệm về cuộc đời, về tình yêu và cả thân phận con người. Toàn bộ tác phẩm giống như một dòng chảy của

67

cảm xúc. Ở đó, có những câu chuyện, có những thân phận nhưng lại mang đầy xúc cảm và chất triết lý trong tâm tưởng của nhân vật Mây. Cô chìm trong những suy ngẫm về kiếp nhân sinh “Ngày nào còn mang thân người, ngày ấy người ta còn có thể bị ức hiếp, đày đọa, cách chia. Không còn thân người, sẽ không còn thân phận. Tự do chỉ có thể tìm được khi chúng tôi đã bỏ đi cái thân xác biết đau đớn, quẫn bách, đói khát, tuyệt vọng, mong mỏi. Và nếu người ta chết đi không còn linh hồn, thì chúng tôi chết đi sẽ còn lại một ý niệm, tựa như là một tứ thơ. Không ai biết đến nó, đứng bên ngoài cân nhắc của loài người, tứ thơ ấy nguyên vẹn biết là bao. Người ta sống và chết, vì một mục đích, một niềm tin nào đó, họ đem thân mình và cuộc đời mình để làm hiển thị một ý niệm, tại sao chúng tôi không sống và chết đi cho một tứ thơ của riêng chúng tôi thôi, duy nhất và nguyên vẹn, dù tứ thơ ấy không thể viết nên lời: nó là tiếng thở của thinh không” [37, tr.42]. Có lẽ đối với cô, thực tại đã quá đau đớn, nó đày đọa cô về cả tâm hồn lẫn thể xác. Cô không tìm được cho mình lý do để tiếp tục tồn tại. Anh với cô bây giờ đã quá xa cách. Anh không thể hiểu được nỗi cô đơn, lạc lõng của cô và chính cô cũng không còn cảm nhận được tình yêu của anh dành cho cô nữa rồi. Những lần gào thét trong chiêm bao rằng anh hãy gửi cho cô một tín hiệu, một dòng chữ hẹn ở hai nơi cùng tự vẫn để chẳng còn một sự chia ly nào nữa. Thế nhưng tất cả đều vô vọng. Và rồi cô nhận ra rằng “chúng tôi còn phải học bài học thế nào là đang sống trong một thân thể người. Những con người đã rơi khỏi ký ức của mình, ở hai nơi và hoàn toàn không biết giữa chúng tôi có bao nhiêu lần vô tận” [37, tr.55]. Thực tại dù đau đớn đến thế nào thì con người ta vẫn phải chấp nhận và học cách sống chung với nó. Còn tình yêu đối với cô là gì? Nó có còn tồn tại nữa không? Cô mơ hồ không biết anh và tình yêu của anh có thật hay chỉ là giấc chiêm bao. Trong dòng cảm xúc miên man ấy, ta nhận ra được những chiêm nghiệm của cô về tình yêu “Không có tình yêu của chúng tôi, thì không có gì để tôi biết rằng tôi có mặt trên đời này. Tình yêu hứa hẹn muôn đời, lời hứa đó có khi nói ra, đã chứa đựng sự tan vỡ. Lời hứa nào cũng nghe như một lời thoái thác. Tình yêu chỉ cho tôi sự giới hạn và tôi luôn luôn đứng ở biên giới giữa khoảnh khắc và sự vô thường, nơi mối tình bắt đầu, nơi sự chia ly bắt đầu, và chỉ ở đó tôi hiểu sự vô hạn của tôi” [36, tr.63]. Tình yêu chính là sự ràng buộc duy nhất để cô tiếp tục tồn tại. Sống để duy trì tình yêu ấy, dù nó chỉ còn là cảm giác đối với người yêu hay một ý niệm rằng mình phải giữ niềm trung kiên cho tình

68

yêu đó. Giọng điệu triết lý luôn trải dài trên những trang viết của Đoàn Minh Phượng, nó len lỏi trong suy nghĩ, nhận thức của các nhân vật trong tiểu thuyết của bà.

Ta thấy rằng, tác phẩm của Đoàn Minh Phượng giàu chất triết lý. Những cái tôi luôn trầm tư suy nghĩ về nhân sinh, về thân phận con người. Chiều sâu của cuốn tiểu thuyết đã chạm tới vấn đề sống chết của một con người – một vấn đề lớn của nền văn học đương đại. Triết lý trở thành giọng điệu của thời đại khi con người ý thức sâu sắc về mình, khi các nhà văn ý thức sâu sắc về cá tính sáng tạo.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết đoàn minh phượng (khảo sát qua và khi tro bụi và đốt cỏ ngày đồng) (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)