Đến ngôn ngữ giàu chất thơ

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 100 - 103)

7. Bố cục của luận văn

3.3.2. đến ngôn ngữ giàu chất thơ

Nghiên cứu truyện ngắn Ma Văn Kháng, chúng tôi nhận thấy, ngôn từ của nhà văn phần nào chịu sự chi phối, tác động của nguyên tắc trữ tình hóa. Ông cho rằng:

“Văn xuôi nghệ thuật đích thực chính là thứ văn xuôi thấm đẫm chất trữ tình. Trữ tình là cái phẩm chất ám ảnh, gây âm hưởng lâu bền, ngân nga mãi trong lòng bạn đọc. Nó là cái hồn cốt của câu chuyện. Nó là cái chiều sâu thẳm của nhân vật. Không có nó thì câu chuyện sẽ nông choèn và nhân vật chỉ là hình nộm, rô bốt vô hồn. Thậm chí, chất trữ tình thể hiện ngay ở nhan đề câu chuyện mang tính ẩn dụ”[30, tr.5]. Vậy nên, khi viết về hiện thực con người và thể hiện bức tranh muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, Ma Văn Kháng thường hay sử dụng ngôn ngữ đời thường giản dị. Còn khi viết về không gian thiên nhiên, miêu tả con người, tâm trạng nhân vật, ngôn ngữ của nhà văn lại giàu chất thơ, giàu hình ảnh và sức gợi cảm.

Khi tả cảnh thiên nhiên, Ma Văn Kháng sử dụng ngôn ngữ đầy màu sắc và biểu cảm, làm cho thiên nhiên hiện lên với tất cả hồn cốt của nó. Nếu đã một lần đọc những câu văn miêu tả khung cảnh Na Le, hẳn rằng độc giả sẽ dành một tình cảm tha thiết với cảnh vật và con người nơi ấy. Nhà văn đã gửi vào câu chữ tình yêu của lòng mình để tạo nên một giai điệu trữ tình lãng mạn đến say người: “Na Le là một bức tranh hoang đường, hư ảo. Anh yêu khung cảnh thôn bản mập mờ sau những búi mai xanh như khói. Khu ruộng trước làng lờ mờ những đường nét uốn lượn. Sườn đồi cỏ lùng bùng nhằng nhịt sau cái mảng xanh như mực của loài vầu đại, vầu đắng. Con suối dưới chân ruộng ồn ào cuộc đời làm ăn nhộn nhịp. Bờ đá trắng ngoằn ngoèo nét trầm tư. Những cây đào tòe tòe xòe lá sau mùa quả sai. Cái dốc đá hun hút đi lên những tầng rừng già. Những đám mây nguyên thủy ôm trùm bản quê mỗi chiều đông giá. Khoảng xanh thẳm không đáy của những khu rừng nguyên sinh bí hiểm muôn đời. Na Le, nhà lẩn trong rừng giao hòa với rừng. Lợn rừng kết nghĩa cùng lợn nhà. Gà nhà ăn lẫn gà rừng cùng cất tiếng gáy buổi rạng động. Na Le tháng tư chim gáy gù tiếng đầm ấm nuột nà như trai ngọc. Mặt ruộng lóng lánh như thủy ngân. Sấm ran trên đỉnh núi giục nấm nở rộ trong rừng. Người rời bếp lửa cùng tiếng chân lội âm vang khe lũng..”[26, tr.285]. Việc nhà văn sử dụng tổng hợp các phương tiện và biện pháp tu từ kết hợp với những từ láy gợi hình tạo cho câu văn một sức cuốn hút và ám ảnh đến ma mị về một thế giới nửa thực nửa mơ. Với bút pháp tài hoa và một trái tim nhạy cảm, nhà văn đã mang đến cho người đọc một khung cảnh làng bản thơ mộng, cuốn hút lòng người, khiến cho người đọc mải mê chiêm ngưỡng.

Ngôn ngữ miêu tả sinh động và rất mực tài hoa, những bức tranh thiên nhiên, những cảnh tượng sinh hoạt được dệt bằng ngôn từ sống động, tinh tế, giàu sức gợi hình và gợi cảm. Ma Văn Kháng đã phát họa một bức tranh thu giàu hình ảnh và đậm

chất thơ trong “Trái chín mùa thu”: “Chiều thu vời vợi. Chân đê, hoa sen bừng bừng những chấm đỏ nhòe, lay động trong gió nhẹ đưa hương lúa thơm rải khắp khu đồng. Lại như diễu vòng lại cảnh xưa, con trâu non xoải vó theo nhịp điệu cũ, nhẹ bẫng, rập rờn trên màu xanh đậm đà của ngọn cỏ thu. Thu đã vào giữa mùa”[33, tr.110]. Trong đoạn văn tả cảnh chiều thu nơi miền quê yên ả, thanh bình này, nhà văn đã dùng các từ chỉ màu sắc mang tính biểu cảm cao. Người đọc bắt gặp sự tự nhiên mà thành thục điêu luyện trong cách sử dụng ngôn từ của tác giả. Bức tranh thiên nhiên được ông dệt nên bằng ngôn từ trau chuốt, óng ả, chất trữ tình không thua kém Thạch Lam.

Trong truyện “Trăng soi sân nhỏ”, hình ảnh một vùng sơn thủy cực kỳ tráng lệ được nhà văn Nam cảm nhận :”Chiều đầu hạ. tiết xuân còn lưu luyến trong hơi sương phơn phớt tím dâng lên từ mặt đất ngập ngừng, cùng với khí núi từ dãy sơn mạch hùng vĩ phía trái tỏa ra, tạo nên một cảm hứng giao thoa, vừa hoang dã cô liêu vừa tràn đầy sôi động. Gió lướt thước như xiêm áo những linh hồn trinh nữ trong vũ điệu yêu đương. Cảnh đìu hiu và thanh tĩnh. Đang trong lúc chuyển giao thời gian giữa mặt trời hồng phấn chấm hết chu kỳ chiếu sáng và mặt trăng vành vạnh tươi vàng lặng lẽ nhô lên sau dãy trập trùng thoai thoải miền bán sơn địa”[33, tr.174]. Nhà văn đã không nhìn thiên nhiên đơn giản như bản thân nó vốn có mà thiên nhiên thấm đượm cảm xúc con người. Thiên nhiên bước đi cùng hơi thở của thời gian, của nhịp sống. Từng câu, từng chữ trong trẻo và hồn nhiên tạo nên một nhịp điệu thiết tha, đằm thắm. Một khung cảnh “Chợ hoa phiên giáp tết”rực rỡ sắc màu được nhà văn miêu tả lung linh với các loài hoa khoe sắc: “Hoa, vẫn là đã thân quen mà sao hôm nay mới mẻ và đắm say. Hồng đằm thắm, cúc đôn hậu. Thược dược tươi mưởi. Đồng tiền nhẹ nhõm. Bướm vui tươi. Loa kèn giản dị. Păng xê ưu tư. Ôi, những bông hoa như bật ra từ thiện lương trong sạch. Những bông hoa vừa mong manh vừa hoàn mỹ, chắt chiu gạn lọc từ những xô bồ thô lậu, trong khuôn khổ mà không hề câu nệ, gò gẫm. Hoa, sự lặp ghép và phối màu tưởng là tùy tiện mà vô cùng hoàn hảo, không chút lỡ lầm. Hoa, bước nhảy vọt của tự nhiên”[34, tr.282]. Trong khung cảnh ấy là hình ảnh những con người trí thức như ông Khoa, ông Huỳnh, cô Trang mang tâm hồn phong phú biết chân giá trị cuộc sống, biết cách ứng xử nhịp nhàng. Phải chăng, họ cũng là những bông hoa đẹp trong vườn hoa cuộc đời?

Hình ảnh nàng Seo Ly được tác giả miêu tả với vẻ đẹp như kết đọng những gì tinh túy nhất của trời đất: “Nàng là trăng trên trời. Là chim quyên của các loài lông vũ. Là măng tre trong các loại rau ăn. Là quả vải trong các thứ trái cây. Là mùa xuân của thiên nhiên . Nàng là đàn bà hơn tất cả đàn bà. Vì nàng gây thèm muốn được chế ngự thèm muốn của đàn ông. Cơn rừng động, đất rung khởi sự tự nàng”[33, tr.314].

cho nàng trở nên một trang tuyệt thế lộng lẫy của núi rừng. Ma Văn Kháng thường ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ với tình cảm trìu mến, qua trò chơi con chữ, ông vẽ cho họ những chân dung quyến rũ đến nao lòng. Vẻ đẹp của cô Hương trong “Người đẹp phố huyện K”khiến chúng ta dậy lên xúc cảm dạt dào: “Cô Hương đẹp thật! Gương mặt tròn trắng phau. Đặc biệt là hai con mắt trong vắt và đen lay láy. Nhưng lạ hơn cả vẫn là hình vóc. Rõ ràng là một thể chất lao động mà vóc dáng lại thanh nhã, quyền quý như con gái nhà thế gia. Bờ vai tròn nhỏ xinh. Phập phồng sau làn vải mỏng tấm áo màu xanh thiên thanh, cài khuy bên sườn là một khuôn ngực nở nang, tròn đầy. Một miền da thịt thanh tân thấp thoáng nơi khuôn cổ, vùng ức và miền eo hông mượt mà em mướt!”[35, tr.265].

Không chỉ được thể hiện trong lời văn miêu tả, kể cả trong ngôn ngữ kể, chất thơ trong truyện ngắn Ma Văn Kháng cũng hiện diện đầy cảm xúc. Khi kể về một chiều đưa tang đầy nước mắt trong truyện ngắn “Trung du, chiều mưa buồn”, nhà văn đã khắc họa một cảnh tượng thê thiết, u buồn: “Mưa. Mưa ngâu, thấm đẫm không gian miền thượng trung du ướt át một nỗi buồn thê thiết. Hạt mưa lơ lửng phủ trắng mờ những eo đồi ắng lặng lúp xúp các bụi cây hoang dại. Cây cọ không diễn đạt nổi một khúc xạ ý tưởng thơ mộng nào. Dáng nó cằn, bóng nó trơ trọi giữa sa mù, đầy vẻ lạnh giá cô đơn. Vệt bánh xe bò quằn quại, chồng chất hỗn độn ven đồi đất vàng ệch như bức tranh cô liêu, buồn đến tận cùng xương tủy. Cỏ hung hãn xâm chiếm mặt đường, quệt ràn rạt vào bánh xe chầm chậm. Xe càng đi như vào chốn không người. Tôi nhớ mãi chiều thu rầu rĩ tang tóc ấy, mưa dai dẳng sụt sùi không lúc nào ngớt và rau diếp cá bị xéo nát bên bờ ruộng sực mùi tanh tửi đến buồn nôn, ám ảnh mãi trong tôi một cảm giác hoang tàn (…) Tất cả mọi người đều đang ngơ ngác, mặt ai cũng vàng nhợt, như vô hồn. Từ xa lắm, tiếng còi tàu văng vẳng tới như một lời giã biệt”[33, tr.95].

Những mảnh đời bạc phận, tình nghĩa con người trước nhịp điệu buồn của cuộc sống và sự hờ hững của những người thân thích được tác giả cảm khái một cách đầy đủ trong chiều mưa buồn thảm cô liêu. Thỉnh thoảng, nhà văn lại lồng ghép vào ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện những dòng thơ, ý thơ làm cho câu văn trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển: “Chị chỉ còn dang dở mỗi đường tình ái thì may thay, anh thợ chữa khóa tới “xoắn tay mở khóa động đào, rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai”“(Anh thợ chữa khóa) [33, tr.226]. Như vậy, ngôn ngữ gàu chất thơ, giàu sức gợi cảm đã giúp cho cái nhìn của Ma Văn Kháng về con người, về lẽ đời trở nên sâu lắng hơn, giúp cho những trang viết trở nên tha thiết và lấp lánh hơn, thể hiện tài năng của nhà văn trong lao động nghệ thuật ngôn từ. Với ngôn ngữ giàu chất thơ, nhà văn đã lôi cuốn người đọc bằng một văn phong giản dị, trong sáng.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 100 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)