Con người sinh ra “không hề biết đến hạnh phúc”

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 36 - 40)

7. Bố cục của luận văn

2.1.1. Con người sinh ra “không hề biết đến hạnh phúc”

Khi viết về đề tài miền biên ải, nhà văn đã bày tỏ nỗi xót xa cho thân phận con người giữa chốn hoang sơ, dữ dội, bạo liệt của miền núi thuở mới khai thiên. Họ là những con người sinh ra mà không biết đến niềm hạnh phúc được làm người. Hình ảnh Khun trong truyện Vệ sỹ của quan châu gây ra một sức ám ảnh lớn đối với người đọc:

“Bây giờ thì nhìn vóc dáng, tướng mạo Khun người ta băn khoăn không hiểu là quỷ sứ hiện hình vào Khun hay chính Khun là quỷ hay sứ cỡ siêu đẳng. Thấp, lùn, hai chân đã cái cao cái thấp lại khuệnh khạng, vòng kiền. Một mắt lép, một tai không vành. Cả cái mặt cũng nham nhở như cái đầu lâu bị khoét, gặm dở dang, vì chỗ nào cũng thấy có vết sẹo, vết xây xước, vết dao chém. Cái sọ người gớm guốc ấy cuối cùng lọt thỏm vào đám tóc, râu, lông lá rậm bù, hôi rình. Chẳng phải thông thạo thuật tướng số mới nói được về con người Khun. Cái mặt ấy là trang lí lịch đời Khun, là cái bức dư đồ của hành trình đời Khun. Cái tai cụt là do đồng bọn cắt để trừng phạt tội phản thùng. Con mắt lép là hậu quả của lần vỡ nòng súng. Vết sẹo này đem từ cuộc đâm chém nọ về, vệt dao kia là chiến tích của một lần đi phục thù cho quan châu”[33, tr.33]. Cuộc sống của Khun “là sự tồn tại đáng sợ của một thứ vũ khí người, của nanh hổ, vuốt gấu, răng chó, dao, súng, đao phủ khát máu”. Hắn là sự “hồi tổ”, “lộn giống”của con người, bạo liệt tàn nhẫn nhưng không ý thức được hành động của mình. Một kẻ đáng sợ như thế tưởng chẳng có gì phải xót xa thương cảm, vậy mà nhà văn vẫn dành cho hắn những lời biện minh cho tất cả những hành động tàn bạo và man rợ ấy: “Khun bạo liệt tàn nhẫn, nhưng Khun không ý thức được hành động của mình”. Hóa ra, trong cuộc sống này vẫn còn có sự tồn tại của một kiểu người như vậy khiến cho người đọc cảm thấy vừa ghê sợ, kinh hãi, giận dữ vừa thấy đau đớn xót xa cho những kiếp người không được làm người đúng nghĩa, thương cho sự hoang sơ, mông muội và giận thay cho sự tàn bạo, man rợ mang hình sắc của thời mới khai thiên.

Đọc truyện ngắn Mã Đại Câu, người quét chợ Mường Can, chúng ta không khỏi ngậm ngùi, rưng rưng một nỗi niềm thương cảm cho số phận con người. Mường Can “vốn là đất dữ. Phố huyện biên giới, trong cuộc sống loạn ly triền miên, nơi hoành hành của thói hung tàn, bạo ngược miền phiên trấn, vốn là nơi tụ lại rồi tan đi, tan đi rồi lại tụ lại của bao kiếp người lầm than, cơ cực, bị xô đẩy, như hạt cát nhỏ,

như những cái rơm, cái rác, trong cơn gió lớn phũ phàng của cuộc đời bất ổn. Và khối người đang sống hiện thời đã là những hạt cát, những cái rơm, cái rác bất hạnh ấy”[34, tr.45]. Trong những hạt cát, cái rơm, cái rác bất hạnh ấy có Mã Đại Câu với lai lịch mù mờ: “lai lịch của lão ra sao quả thật cho đến nay chẳng một ai, kể cả ông phó chủ tịch phụ trách hộ khẩu, biết một cách thật đích xác, rõ ràng”[34, tr.46]. Người ta chỉ nhớ đến lão “khi có việc nặng nhọc như vác đá, ghê tởm như chôn người chết vô thừa nhận”[34, tr.46]. Lão có mặt mũi gớm guốc với “cặp mắt trắng dã, mồm hõm, răng vẹo vọ, má trái bị một vết sẹo xẻ đôi, cái tai phải cụt, đôi môi trơn lì như hai vết sẹo và thâm đen”[34, tr.47] và sống lủi thủi một mình ngay từ khi xuất hiện ở trấn này: “Ngay từ thời ấy, lão cũng y hệt như bây giờ, mặt mũi cũng gớm guốc như thế, sống cũng lủi thủi như thế, tính nết cũng vừa dở người vừa ngu dại như thế”[34, tr.46]. Vì mặt mũi ấy mà người ta phỏng đoán về dòng giống và đời sống của lão:

“Quả thật, với cái mặt dị hình dị dạng quái gở này, lão chẳng gây được thiện cảm với ai cả. Mặt mũi ấy, nhìn thấy nó đã muốn nghĩ ngay rằng đích thực xưa ki nó là kẻ đầu trộm đuôi cướp, thằng thổ phỉ hung tợn, hay chí ít cũng là một gã vệ sĩ liều mạng của hào trưởng, ấp trưởng bên Tàu, bị đồng bọn trừng phạt vì ghen ăn ghét ở. Hoặc nếu không thì đích thị hắn đã phạm một tội ác gì lớn lắm nên đã bị ông trời đày đọa, bị tạo hóa ban cho cái mặt quỷ sứ, rồi đẩy ra giữa trần gian”[34, tr.47]. Càng về sau, người dân nơi đây càng “công nhận rằng, người Mã Đại Câu mỗi ngày một quắt queo, đứng cạnh lão, người lão toát ra hơi tử khí vừa lạnh lẽo vừa tanh tưởi thật; mỗi ngày lão càng giống một cái xác chết”[34, tr.46]. Lão đâu phải giống một cái xác chết, bởi lão đã... chết thật rồi. Ở trấn Mường Cang, dù lão đã sống “ở phố huyện này từ thời nảo thời nào”thì “thật sự chẳng có ai quen thân, gần gụi. Lão cứ thui thủi, vật vờ như cái bóng ma vậy”, lão không được thừa nhận làm người. Mà nếu được thừa nhận thì Mã Đại Câu cũng chỉ được thừa nhận là “một lão già ngu xuẩn và đần độn mà thôi”.

Trong chốn biên ải dữ dội và bạo liệt, thật xót xa khi những con người lương thiện dường như chưa bao giờ được hưởng niềm vui trọn vẹn, thậm chí những niềm hạnh phúc đơn sơ trong cuộc sống. Với Thím Hoóng – “Người đàn bà tính tình điềm đạm, hòa nhã, thậm chí khép kín, tránh né mọi sự va chạm, phiền hà”, hạnh phúc được làm người hiểu theo nghĩa giản đơn nhất là bình yên sinh sống bỗng trở nên quá lớn lao và dường như không bao giờ có được. Một đời Thím Hoóng tủi nhục với biết bao đau đớn, tuyệt vọng: lam lũ nuôi chồng, chồng chết, cật lực nuôi con để rồi khi cắn răng chịu đựng khi đứa con gái hư hỏng. Nó đã ngu muội nghe theo tiếng gọi của hồng vệ binh mà sẵn sàng đối xử tệ bạc với mẹ mình. Có nỗi đau nào hơn thế, bà đau khi cái Léng- đứa con gái đã lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà cùng dân bản và yên ấm hưởng hạnh phúc của tình mẫu tử giờ đây đã nhẫn tâm chà đạp lên tình cảm thiêng

liêng ấy. Nó sẵn sàng tuyên bố “Trái tim tôi không có chỗ dành cho mẹ cha”, “lớn tiếng rủa mẹ cha là hạng người thối tha”. Từ “cái chết của thím thấm nhiễm nối đắng cay, thê thiết thế nào”, ta không khỏi ước ao: “Làm người! Làm người với tất cả đặc trưng người, chứ không là cái gì khác, ôi cái hạnh phúc bình dị mà lớn lao quá”[34, tr.73]. Cũng mang số phận éo le là cuộc đời Seo Ly bị săn đuổi, chiếm đoạt vùi dập ê chề nhục nhã : “Mười ba tuổi nàng là con dâu gạt nợ. Khổ sở quá, nàng bỏ nhà chồng, và làm gái hầu phàn ăn ở không công cho nhà lý trưởng. Rồi nàng lại bị gả bán lần thứ hai. Rồi lần thứ ba. Biết bao ê chề, đau đớn nàng đã trải qua trong thời ly loạn, lúc trời đất thảm sâu, khi mặt đất chỉ là máu và nước mắt”(Seo ly, kẻ khuấy động tình trường)[33, tr.307]. Rồi mười lăm tuổi, Seo Ly trở thành “cái máng lợn bị tha đi đá lại”[33, tr.312] trong cuộc tranh chấp giữa Lý Seo Phải và lý trưởng Cử A Tỏa. Nàng bị biến thành một thứ công cụ để những chức sắc rình rập, theo dõi, đuổi bắt, tranh chấp nhau. Khi chủ tịch huyện Giàn A Páo đưa nàng về làm nhân viên văn thư của Ủy ban huyện, cứ ngỡ cuộc đời nàng đã được tỏa hương. Không ai ngờ rằng, từ đó, Seo Ly giống như một món đồ trong tay đám đàn ông háo sắc. Nàng không được sống, được hưởng hạnh phúc như bao người phụ nữ khác. Thậm chí, nàng đâu được coi là con người. Những người xung quanh cho rằng nàng là bông hoa độc đã gây ra cái chết của bao gã đàn ông. Với bản năng dục vọng, bao kẻ khát khao chiếm đoạt nàng. Trong tay bọn họ, nàng bị biến thành vật tung hứng không hơn không kém nhưng không ai có thể chinh phục được, vì vậy nàng được xem là yêu phụ, là hoa ăn thịt người. Khi nàng bị khỏa thân diễu phố “Mắt nàng đẫm lệ và ngơ ngác như tự hỏi: “Tôi có tội tình gì?”[33, tr.317], những kẻ từng muốn chiếm hữu, chinh phục nàng không một ai đứng ra bảo vệ nàng. Thật cay đắng xiết bao cho một người phụ nữ Mèo đẹp nhưng bị vùi dập trong thung lũng đau thương và chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc.

Ở vùng biên ải, bao quanh cuộc sống của con người là núi rừng, muông thú, trình độ văn minh và giới hạn văn hóa ở đây đang còn xa lại với con người. Từ những con người cụ thể, nhà văn gợi lên những vấn đề có ý nghĩa khái quát về cuộc sống và con người miền núi còn nhiều hoang sơ ấu trĩ, tăm tối trong nhận thức và hiểu biết. Qua đó, nhà văn đã có cái nhìn xót xa thương cảm cho sự mông muội của kiếp người, ông hướng sự thể hiện đến những kẻ chưa được hoặc không được làm người nơi núi rừng hoang sơ. Họ là những số kiếp sinh ra “không hề biết đến hạnh phúc”.

Đau đớn thay, những con người sinh ra “không hề biết đến hạnh phúc ấy”đâu chỉ tồn tại ở chốn rừng núi mông muội mà họ còn xuất hiện đầy rẫy khắp nơi, cả chốn thị thành hoa lệ. Trong truyện ngắn “Người giúp việc”, dù trân trọng ca ngợi tấm lòng nhân ái của bà cụ Mạ, song ở một khía cạnh khác, Ma Văn Kháng đã đề cập đến tâm

lý, dòng máu nô lệ đã thấm vào máu bà từ thủa nhỏ, từ đời ông cha, trở thành một tập tính cố hữu. Bà cụ trở thành một nạn nhân đáng thương bởi bà không có tư tưởng hay ước muốn thoát kiếp đi ở. Trước sự lăng mạ vô lối của vợ chồng Hằng, bà cụ vẫn

“luôn nhẫn nhịn trong phận tôi đòi, vẫn cung cúc chu đáo không hề giảm sút với chức trách”. Bà nhất định không chịu về quê với con cháu, sẵn sàng chịu đựng sự mắng chửi, sự sỉ nhục và cả sự lừa dối cả người đời: “Khốn khổ thay cho bà cụ thật thà! Cái thật thà, thơ ngây, cái lòng vị tha bản năng, không sở cứ và vô duyên. Điều tưởng là cao thượng hóa ra chỉ là cái thói hay xúc động dễ dãi và thứ tình cảm mù quáng của kẻ thân phận nô bộc. Là nạn nhân mà không biết mình là nạn nhân”[34, tr.132]. Bà chấp nhận nhịn nhục để theo đuổi cái công việc tôi đòi ấy mà bỏ qua sĩ diện và quyền được tôn trọng tối thiểu đối với bản thân. Nhà văn cay đắng bày tỏ nỗi buồn thương xen lẫn kinh sợ hãi hùng cho số kiếp ấy: “Tôi thở dài, nghĩ đến cái khổ nhục vô lượng của tuổi già cô đơn không nơi nương nhờ. Khốn khổ, khi đã nghèo, đã yếu thì sinh ra hèn. Nhìn bà cụ bị nhục mạ, bêu riếu đến tàn tệ mà vẫn nuốt nhục, nhẫn nhịn trong phận tôi đòi, vẫn cúc cung chu đáo không hề giảm sút nhiệt tình với chức trách, tôi không khỏi vừa buồn thương vừa kinh sợ hãi hùng”[34, tr.128]. Lời cô con gái bà cụ trong rân rấn nước mắt sao nghe quặn lòng đến xót xa: “Em không biết nghĩ thế nào. Hay tôi đòi nó là cái số kiếp, là cái thói ỷ lại, dựa dẫm, là cái phận, là thói quen mà mẹ em và ai cũng có không ít thì nhiều. Thành ra vì thế mới cam chịu, nhẫn nhịn và nuốt nhục được. Không hiểu bây giờ bà cụ mẹ em lại vào cửa nhà nào rồi, chắc là thế, chứ mẹ em không chịu về làng đâu…”[34, tr.133].

Đọc truyện Ma Văn Kháng, chúng ta còn thấm thía những bi kịch của số phận kiếp người. Họ chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi mà sự thiếu thốn, khốn khó của cuộc sống vật chất cứ bám lấy họ từng ngày. Đâu chỉ có bi kịch về sự túng quẫn và thiếu thốn vật chất, con người còn chìm trong nỗi đớn đau với những tấn bi kịch tinh thần. Đó là bị kịch với nỗi đau đớn của con người nhận ra những người xung quanh mình, thậm chí cả bản thân mình đang từng ngày bị tha hóa trong cuộc hành trình tuyệt vọng chạy trốn nợ đời. Qua nhân vật Bỉnh trong truyện Trốn nợ, nhà văn đã phát họa bức tranh chân thực về những con người dưới đáy xã hội, nhỏ bé, đáng thương, bất lực trong vòng lẩn quẩn của đói nghèo: “Nghèo khổ bần hàn là cái tội, cái nợ, là nỗi đau đớn của cả kiếp người. Của bao kiếp người! Nghèo khổ, cái nợ tông đồ! Cái gông xiềng của chúng sinh!”[35, tr.176].

Thông qua việc xây dựng những nhân vật có số kiếp sinh ra “không hề biết đến hạnh phúc”, nhà văn thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia và niềm xót thương cho những số phận bất hạnh trước thế sự nhân sinh. Số phận con người được Ma Văn Kháng nhìn nhận trong nỗi xót xa:”Con người chưa bao giờ hạnh phúc, con người mới chỉ chạm

tới hạnh phúc thôi”[35, tr.204]. Có thể nói,mỗi nhân vật đều đã để lại nỗi ám ảnh, day dứt trong lòng người đọc.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)