7. Bố cục của luận văn
2.2.1. Con người thi vị, mang vẻ đẹp truyền thống
Nằm trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam trước năm 1975 và hoàn cảnh lịch sử lúc vận mệnh đất nước đang đặt lên hàng đầu, truyện ngắn của Ma Văn Kháng mang tính sử thi. Với khuynh hướng ấy, con người trong các tác phẩm mang ý thức chính trị cao, nhân vật được xem như một đại diện xứng đáng cho sức mạnh cộng đồng của cả dân tộc. Ở giai đoạn này, truyện ngắn của ông là những bức tranh sinh động đầy màu sắc về cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Hơn hai mươi năm sống và gắn bó cùng người dân miền núi, Ma Văn Kháng hiểu rằng: “Dù ở
bản người Dao, trong gia đình Phù Lá, là nhà người Tày hay người Hoa, dù trải qua mất mát, đau khổ, hi sinh nhưng sau hết tình người, tình đời vẫn gắn kết những số phận bên nhau và giúp họ vượt qua mọi biến cố để sống lạc quan, tràn đầy tin yêu”[27, tr.32]. Hình ảnh người dân miền núi hiện lên qua những trang viết với tình yêu quê hương xứ sở, sự trung thực thật thà, say mê, yêu đời và nhiệt tình cách mạng. Họ biết sống vì tập thể, sẵn sàng bỏ cả việc bán công sinh nhai như Lý A Lừ: “Việc làng, việc nước! Cái ý nghĩ tự nhiên mà sâu xa! Vì việc làng, việc nước mà xuân này bỏ cả việc bán công sinh nhai. Vì việc làng, việc nước mà mang cái khó nhọc vào thân. Việc làng, việc nước! Nào phải là đã hiểu thật hết ý nghĩa công việc mình đảm đương. Nhưng phàm đã là việc làng, việc nước tức thị là việc thiêng liêng, cao quý và do vậy phải tận lực mà làm cho trọn vẹn là thế!”[33, tr.260]. Cả cuộc đời Lý A Lừ chỉ biết làm lụng vất vả như con trâu, con ngựa để nuôi gia đình. Dẫu chẳng được học hành, nhưng ông luôn biết trọng danh dự, giữ chữ tín. Dẫu mệt mỏi đến kiệt cùng sức lực, Lý A Lừ vẫn cùng ba người dân khác vẫn thay phiên nhau canh gác phiến đá của đức vua:
“Còn bốn người chia thành hai tốp thay nhau canh gác. Họ đốt lửa thâu đêm. Sáng bừng, mặt trời rọi qua kẽ lá, phân tỏa thành ngàn tia sáng hân hoan, người lính mới mở mắt. Sức đã phục hồi. Những cảm giác tươi sáng đã trở lại. Ông nhìn bốn người bạn đường bỗng thấy yêu quý họ khác thường. Họ, đơn giản, thôi sơ vậy thôi mà thật là những tấm lòng vàng”[33, tr.261]. Niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao của ông và những người dân vùng U Ní là được đem sức lực của mình ra phục vụ việc làng, việc nước. Dẫu cho chỉ còn chút sức lực cuối cùng, con người ấy vẫn tận tụy phục vụ việc làng việc nước, vẫn một lòng thành kính với đức vua. Nghĩa cử cao đẹp của ông qua hành động kề vai, cõng cả phiến đá nặng trên lưng, băng rừng vượt suối để đưa báu vật của vua về với bản Mèo xuất phát từ tinh thần yêu nước, tình yêu thương người bạn đường đã kiệt sức và còn là tinh thần trách nhiệm với quê hương. Dù việc khó và vất vả đến đâu, nhưng nếu đó là việc làng, việc nước thì dẫu có phải chết ông cũng dốc toàn bộ sức lực để làm cho trọn vẹn: “Ông Lừ đã dựng phiến đá dậy, đặt nó vào hai sợi dây da. Ngồi xuống, áp lưng vào phiến đá, ngoằng hai đầu dây vào vai, tay nắm hai đầu dây còn lại, nhịn hơi, mặt căng nhức, ông từ từ đứng lên, hai đầu gối run lẩy bẩy chỉ chực trẹo đi, gẫy khục. Nhưng mà không, ông Lừ đã đứng dậy được. Ông đã bước đi. Loạng choạng mấy bước đầu, nhưng ngay ngắn dần. Ông quàng sợi dây da lên trán. Đầu ông giờ là cái cọc níu giữ phiến đá nặng”[33, tr.266]. Hành động này của ông đã phản ánh đúng bản chất, tính cách của con người miền núi. Lý A Lừ đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, tình yêu thương người, lòng dũng cảm, sự giản gị chất phác và ông cũng đã trở thành một hình mẫu lý tưởng của cái đẹp, nhân vật mang trong mình lý tưởng thẩm mĩ cao cả. Qua nhân vật này, Ma Văn Kháng đã cho thấy
được sự thi vị của vẻ đẹp bản thể chiều sâu tâm hồn miền núi.
Nhà văn luôn tin tưởng con người miền núi mang nhiều phẩm chất tốt đẹp. Sau bề ngoài mộc mạc là vẻ đẹp của đồng bào các dân tộc được nhà văn luôn ý thức và say mê khám phá. Vẻ đẹp truyền thống của các nhân vật được biểu hiện ở tấm lòng vàng, sự chân chất, chịu thương chịu khó trong lao động, giàu lòng tự trọng. Dẫu cho cuộc sống có nhiều thay đổi thì những nét đẹp đó vẫn trường tồn theo thời gian. Ngòi bút của Ma Văn Kháng đã đưa người đọc đến với hình tượng của một nhân vật thật đẹp trong truyện ngắn Người thợ bạc ở phố cũ. Đó là Lão Chư, một ông thợ bạc đã già – một con người mực thước, tài hoa. Bằng tài năng và nhân cách của mình, “Ông lão Chư đã hơn nửa thế kỷ ngày qua ngày cúi gò lưng tôm, làm cái công việc tô điểm cho con người, đem lại niềm vui sống cho con người”[33, tr.77]. Lão luôn cần mẫn làm ra những sản phẩm xinh xắn, bóng bẩy và tinh xảo. Trong con người bé nhỏ ấy là một khát vọng bình dị mà vĩ đại vô cùng: “Cả cuộc đời tôi, tôi chỉ ao ước đem lại hạnh phúc cho người khác”[33, tr.79]. Lời tâm sự thành thật với người đàn bà Mông đã thể hiện những gì đẹp nhất trong tâm hồn người thợ bạc. Chính vì thế, lão nghẹn ngào sung sướng khi người đàn bà Mông bày tỏ lòng tri ân: “Ấy là nỗi sung sướng cao cả, thuần khiết, không mảy may vụ lợi. Nỗi sung sướng thần diệu ấy đã biến đổi tâm tính con người, đến mức ông lão thợ bạc từ hôm ấy bông trở nên một kẻ xa lạ với chính bản thân mình. Lai láng trong ông, đến mức không kiềm chế được, một cảm xúc thiêng liêng về giá trị con người mình. Lâng lâng vui sướng, từ trong thâm tâm, ông đón đợi những khách hàng mới của mình”[33, tr.79]. Trong khi bao người tìm kiếm hạnh phúc từ những vị kỉ của riêng mình thì ngược lại, lão “luôn muốn được hưởng cái hạnh phúc của sự cho đi, sự ban tặng”. Vì lẽ sống đó, lão đã quyết định thay những đồng bạc giả của cô gái Tày vùng hạ huyện bằng những đồng bạc dự trữ của mình để cô có một đám cưới hoàn chỉnh: “Ông lão Chư quyết đóng trọn vai vị ân nhân của cô gái Tày vùng hạ huyện. Ông lão nhất quyết làm kẻ sửa chữa cái khiếm khuyết của cuộc sống chưa hoàn hảo để đoạn đời cần tới của cô gái được suôn sẻ mọi bề. Nghĩa là vẫn sẽ có cái đám cưới tưng bừng của cô gái, và cô dâu cũng vẫn se lóng lánh vòng bạc cổ ty, xà tích bên sườn, khuyên sáng đuôi tai… như mọi cô dâu Tày vùng hạ huyện”[33, tr.84]. Với một tâm hồn nhạy cảm và sự quan sát tinh tế, nhà văn nhận ra mộtsức sống mãnh liệt tiềm tàng đằng sau những bản làng ám sương khói, cũ kĩ, xa xăm. Nơi ấy có những con người dũng cảm, thông minh, yêu làng bản một cách nguyên sơ nhất, đầy tự do và ý chí nghị lực.
Người dân miền núi đâu chỉ mông muội và hoang dã, họ còn sống trách nhiệm và đầy tính nhân văn với những suy nghĩ đáng trân trọng. Ông lão Tài đã phải rời bỏ gia đình, một mình lên nông trường để hoàn thành nhiệm vụ trông coi vườn tam thất.
Cuối cùng, nông trường bỏ mặt, người vợ đầu ấp tay gối cũng phản bội ông, trong đau xót và buồn tủi cùng cực, những lời tâm sự của ông với con chó Phúm kết thúc câu truyện để lại trong lòng người đọc những dư âm về vẻ đẹp nhân cách con người: “dẫu thế nào, ta cũng không thể lấy bội bạc để đáp lại bội bạc được”[34, tr.239]. Như vậy, ở đề tài miền núi, trước đây nhà văn phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu của đồng bào dân tộc. Ở giai đoạn sau, ông khai thác đề tài này trên một bình diện mới: phản ánh, đề cập những vấn đề về cuộc đời và số phận con người. Ở đó, còn có những chiến sĩ an ninh dũng cảm và hết mình vì công việc. Nhân vật Pao trong “Sa San Chải”rất chịu khó, đi cày nương đá, phá rừng lau, tham gia lực lượng công an. Pao tuy nhỏ tuổi nhưng trưởng thành trong công việc. Cậu làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, Pao quyết bắt được tên tội phạm mà cậu để xổng và nhất quyết không về làng khi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Cũng với ý thức trách nhiệm về công việc, trưởng công an xã Thào A Sẩu trong truyện Đỉa bám chân ai kiên quyết bắt giữ bọn buôn lậu, dẫu cho chúng có thách thức, dọa nạt mình: “Họ thách thức tôi! Họ dọa nạt tôi! Nhưng tôi không sợ đâu. Tôi biết, bọn họ bị đồng tiền làm mờ mắt, có thể điên cuồng như thú dữ. Có thể thí mạng liều chết. Có thể bắt tôi bỏ con đường sống. Tôi không sợ con đường chết”[35, tr.115]. Ma Văn Kháng đã hòa nhập, thấu hiểu cuộc sống vùng Tây Bắc. Vì vậy, ở các sáng tác của ông, người đọc bắt gặp những con người miền núi hiền lành thật thà, luôn giàu tình cảm yêu thương trong vùng đất mang vẻ đẹp ngàn đời. Không nằm ngoài dòng chảy chung của văn học trước đổi mới, nhà văn soi chiếu hiện thực đời sống trên cùng cảm hứng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Vì vậy, chúng ta vẫn bắt gặp sự đơn thanh, độc thoại trong các tác phẩm; sự đơn điệu, lặp lại chủ đề tư tưởng tác phẩm, trong cách nhìn nhân vật thuần nhất, chưa đậm nét, trong tính cách còn đơn giản, đơn tuyến. Đây là hạn chế của Ma Văn Kháng và cũng là hạn chế chung của thời kỳ văn học lúc bấy giờ.
Những con người cương trực, có tinh thần trách nhiệm và ý thức sâu sắc về công việc của mình luôn được Ma Văn Kháng đề cao. Ông Bân là một tổ trưởng dân phố, “Ông là người có nghĩa lý. Vả lại tính ông thẳng mực tầu không sợ đau lòng gỗ. Và, dù thế nào cũng phải công nhận ông là người sốt sắng với công việc. Vô cùng sốt sắng với tinh thần gần như vô tư, không mảy may vụ lợi. Trong ông lúc nào cũng như có máu mê của người say chân lý, có chút ngạo nghễ của kẻ đang lâng lâng trong ánh hào quang tự kỷ từ xa xôi đâu đó rọi về. Háo hức với công việc như một kẻ bị kích thích bởi lòng nghĩa hiệp và tinh thần trọng danh dự…”[28, tr.147]. Ông làm việc rất sốt sắng vô tư và không mảy may vụ lợi. Quan điểm sống rất rõ ràng, lời tuyên bố của ông với tướng Xùng cho thấy ông luôn chú trọng đến sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng: “Tự do của ông phải dừng lại ở chỗ khởi đầu tự do của người
khác. Để mãi mãi là con người tự do, con người tốt đẹp thì phải biết sống cân bằng giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng”[33, tr.152]. Chứng kiến ông một mình thân cô thế cô vào nhà tướng Xùng để thương thuyết, đấu lý đòi lại phần đất công do ông ta lấn chiếm, ta thêm kính phục ông tổ trưởng biết chừng nào. Qua nhân vật ông Bân, người đọc có thể thấy, trong truyện ngắn Ma Văn Kháng, hình ảnh những con người bình dị nhưng có tâm hồn cao quý được miêu tả một cách chân thực.
Viết về người phụ nữ, nhà văn đã gợi tả những phẩm chất cao đẹp của họ một cách rất bình dị mà tràn đầy ý nghĩa. Ông chú ý đến vẻ đẹp tâm hồn theo lí tưởng thẩm mĩ công, dung, ngôn, hạnh, đạo đức truyền thống trong lối sống. Hầu hết họ rất đảm đang và chịu thương chịu khó. Họ gánh trên vai trách nhiệm thật nặng nề: vừa sinh con đẻ cái, nuôi nấng và dạy dỗ chúng nên người, vừa hoàn thành công việc xã hội và đảm bảo cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền. Đọc truyện Nợ đời, ta thầm kính phục người phụ nữ ở đức hy sinh: “Cô ta yêu anh này từ lúc hai người còn là học trò trường huyện. Khi anh ta vào bộ đội đi B thì cô ta vào xung phong đi theo. Anh ta bị thương về dạy học, cô xin vào làm phục vụ cùng trường. Anh ta lên thành phố và bắt đầu viết kịch, cô ta lại khăn gói theo lên. Hai vợ chồng thoạt đầu dựng lều ở bãi rác thành phố, cơm không có mà ăn, giường không có mà nằm. Cô ta phải đi bới rác để kiếm sống. Chính cô ta cắt rốn cho con mình. Chính cô ta nhịn cho anh chồng ăn để có sức làm việc. Cô an ủi, khích lệ anh mỗi khi anh thối chí”[33, tr.330]. Người phụ nữ ấy có thể hiến thân, hy sinh phẩm hạnh của mình để cứu chồng thoát ra khỏi cơn tuyệt vọng:
“Anh ơi, anh có cách gì giúp em không? Em làm tất cả cho anh ấy, cho sự nghiệp anh ấy (…). Không được để anh ấy chết. Không thể để tài năng bị giết chết. Hãy cứu anh ấy! Có cách gì nữa, anh bảo em đi! Em sẽ làm tất cả cho anh ấy. Thậm chí cả tấm thân em, em cũng không tiếc”[33, tr.338]. Chị không quản khó nhọc và nghèo hèn rách rưới để nhờ vả, tìm cách cho vở kịch của chồng chị được diễn: “Trong tình yêu, phụ nữ quyết liệt hơn nam giới. Vẫn biết vậy nhưng quả là chưa bao giờ tôi được chứng kiến một tâm tình thiếu phụ thống thiết niềm hỉ xả như thế với sự nghiệp, với người đàn ông mà chị đã gắn bó”[33, tr.328]. Bởi vì chị biết, chồng chị là một nhà viết kịch tài hoa nhưng bị lũ tiểu nhân bất tài vùi dập nên không được công nhận, nên vở kịch của anh bị xuyên tạc. Ở chị chan chứa tình yêu thương, hết mực vì chồng con. Đó phải chăng là phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại? Chị xứng đáng được ngợi ca và được trân trọng bởi bao người: “Năm tháng qua đi, giữa bộn bề và liên tục trôi dạt, chuyện cũ đã chìm lấp, tan biến vào hư vô. Nhưng cảm xúc thăng hoa rạo rực khi xem vở Hoa tàn và niềm kính trọng lẫn thương cảm trước người phụ nữ xinh đẹp trong trạng thái tuẫn nạn bạo liệt đã trở nên phi thường, lớn lao nọ thì mãi vẫn còn in dấu trong tâm khảm tôi (…). Tôi đã nhận ra
vẻ đẹp lớn lao toàn vẹn và quyết liệt của tình yêu, của người phụ nữ nọ, với cảm giác mình luôn là kẻ mang nợ nần với cuộc đời này”[33, tr.328, 331]. Chị đã trở thành biểu tượng của cái đẹp, của sự cao cả với lòng hy sinh, xả thân vì sự nghiệp và sinh mạng của chồng, cao hơn nữa là vì nghệ thuật chân chính.
Bên cạnh những tiêu cực, cặn bã, xã hội còn có những tình cảm xúc động, cao đẹp, khơi dậy niềm tin của con người vào một xã hội mới tốt đẹp hơn. Trong các truyện ngắn Ma Văn Kháng, bên cạnh những kẻ đê tiện, bỉ ổi, còn có những nhân vật không hề bị thay đổi bản chất dù tồn tại giữa cuộc đời đầy cạm bẫy bon chen. Họ là minh chứng cho sự tồn tại bền vững của cái đẹp, cái thiện. Anh Thiều – thợ chữa khóa luôn “được mọi người tin cậy. Vì anh rất tận tình với công việc. Anh lấy giá rẻ. Anh không cậy tài, thừa cơ bóp khách. Chìa anh làm như chìa chính hiệu, đẹp và bền”[33, tr.223]. Tâm hồn anh trong sáng với nét đẹp cần mẫn trong lao động, nét đẹp của cái tâm đối với nghề nghiệp của mình, nét đẹp của phẩm giá con người. Vượt lên trên sự xô bồ, nhơ nhuốc của xã hội sâu mọt, anh hiện lên với những gì đẹp nhất của người lính bộ đội cụ Hồ, góp phần xương máu cho Tổ Quốc. Sau khi rời quân ngũ, anh trở về với đời sống thường nhật bằng tâm hồn thanh khiết, sống giữa đời nhẹ nhõm: “Rời