Nghệ thuật xây dựng kết cấu

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 86 - 87)

7. Bố cục của luận văn

3.2. Nghệ thuật xây dựng kết cấu

Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, “Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm (…).Thuật ngữ kết cấu thể hiện một nội dung rộng rãi, phức tạp. Tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm (…). Kết cấu bao gồm bố cục, tổ chức hệ thống tính cách; tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật; nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thể của các thành phần của cốt truyện; nghệ thuật trình bày, bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện…sao cho toàn bộ tác phẩm thực sự trở thành một chỉnh thể nghệ thuật”[8, tr.156].

Ở một khía cạnh nhất định, kết cấu sẽ góp phần bộc lộ nhận thức, tài năng và phong cách của mỗi tác giả. Đọc các sáng tác của Ma Văn Kháng ở thời kì đầu, tác giả luận văn nhận thấy các tác phẩm được kết cấu với các sự kiện, sự việc theo một trình tự quen thuộc, truyền thống. Truyện thường xoay quanh cuộc đời, số phận của nhân vật chính theo một trình tự thời gian nhất định. Với cách kết cấu này, người đọc có thể xâu chuỗi các sự kiện, sắp xếp thành một mạch trình tự và kể lại câu chuyện một cách dễ dàng. Từ sau 1980, kiểu kết cấu cổ điển truyền thống này vẫn xuất hiện trong các truyện ngắn của ông, tuy nhiên với ý thức tìm tòi, đổi mới, nhà văn đã luôn chủ động chú trọng xây dựng những kiểu kết cấu mới đầy sáng tạo. Dễ dàng nhận thấy trong những sáng tác sau này là cách kết cấu khoáng đạt, tự do, không bị câu thúc bởi cách kết cấu cổ điển mà hoàn toàn tùy thuộc vào ý tưởng, mục đích của nhà văn. Ở đây, chúng tôi tiến hành khảo sát một số kiểu kết cấu tiêu biểu và thấy được sự vận động của nó trong truyện ngắn Ma Văn Kháng: từ lối kết cấu chính luận đến kết cấu tự do và sự đột phá trong kết cấu trùng phức các mạch truyện.

Với nghệ thuật tinh xảo, cấu trúc, tổ chức nghiêm ngặt, một số tác phẩm của Ma Văn Kháng có kết cấu phức tạp và khá độc đáo, cùng với một số nhà văn trong giai đoạn này, ông đã kích hoạt cho sự chuyển động cho sự phát triển của kết cấu truyện ngắn. Sau mỗi sáng tác, ngòi bút Ma Văn Kháng đều có sự biến chuyển. Nhà văn luôn có ý thức làm mới chính bản thân mình thông qua việc xây dựng kết cấu tác phẩm một cách đa dạng, biến hóa. Nhà văn có thể sử dụng cùng một lúc nhiều kiểu kết cấu để tạo nên cốt truyện trong một sáng tác và chính lối kết hợp linh hoạt, uyển chuyển này làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 86 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)