7. Bố cục của luận văn
3.2.1. Từ lối kết cấu chính luận
Khi xây dựng tác phẩm, một trong những đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng là nhà văn sử dụng lối kết cấu chính luận. Vì vậy, trong các tác phẩm, tác giả nhiều khi như công khai ý định của mình về việc muốn luận bàn đến mức triệt để về một vấn đề nào đó trong đời sống xã hội. Ngay từ nhan đề, tác giả đã tuyên bố rõ ràng vấn đề, chủ đề cần triển khai. Theo đó, mọi chi tiết, tình tiết, mọi hình ảnh đều được đưa vào một quan hệ mang tính sắp đặt rõ rệt. Các sự kiện và nhân vật được nhà văn chủ động sắp xếp vào một tương quan đầy tính dụng ý, có khi khá khiên cưỡng.
Với kết cấu chặt chẽ, hệ thống chi tiết sự kiện được sắp xếp lô –gic theo một trình tự nhất định nhằm làm sáng tỏ cho một tư tưởng cơ bản nào đó. Trong kiểu kết cấu này, truyện ngắn của ông thường có sự đan xen lời kể, tả và những đoạn mang tính triết luận. Đồng thời, mọi chi tiết sự kiện, biến cố đều được sắp xếp tuân thủ nghiêm ngặt để phục vụ cho việc thể hiện tư tưởng mà nhà văn đang hướng tới. Qua “Trăng soi sân nhỏ”, để thể hiện quan niệm của mình đối với các vấn đề mang tính nghề nghiệp như chức năng, vai trò, cái tâm của nhà văn, Ma Văn Kháng đã tổ chức, sắp xếp các chi tiết, sự kiện, ngôn ngữ, tính cách theo một hệ thống lập luận để khẳng định nhân cách, quan điểm của nhà văn Nam. Ông đặt Nam trong mối quan hệ với đồng nghiệp Bân và Thuấn – một độc giả yêu văn. Các nhân vật được đặt trong những sự kiện, hành động xâu chuỗi để từ đó nhà văn đề cập đến những vấn đề đa dạng, phức tạp của cuộc sống, của sự sáng tạo nghệ thuật. Một nhà văn, nhà báo có cách sống đúng mực, ngại đua chen danh lợi như Nam được đặt đối lập với một kẻ thực dụng như Bân: “Bân thực dụng quá! Bân coi nghề chỉ là một phương tiện cần triệt để để lợi dụng để kiếm chác (…). Có bao giờ thấy nó cầm quyển sách đọc đâu, cái thằng hoa thơm đánh cả cụm, mít ngọt đánh cả xơ, mít ngon bòn cả vỏ”[33, tr.171]. Bân đích thị là một kẻ mang danh tri thức mà còn tệ hại hơn cả bọn bất lương vô học khi lợi dụng uy tín Nam để trục lợi, thậm chí anh ta còn đốn mạt đến mức kiếm lời trên thân xác bệnh tật của Thuấn. So với Bân, nhân cách của Nam càng trở nên cao quý và đáng nể trọng. Còn với Thuấn, Nam quả là nhà văn có thực tài. Thuấn yêu thơ và tập làm thơ với bút danh “Cóc vườn”. Anh ta “đang ở trạng thái sơ kì của căn bệnh tâm thần”với
“Thói huệnh hoang, tật ảo tưởng. Và những câu nói vô nghĩa”. Những sáng tác của Thuấn là “sản phẩm của một tâm trạng bấn loạn sau những cơn chấn thương tâm lí nặng nề và hậu quả của sự thất học, là những câu văn viết xuống dòng, đầu Ngô mình Sở, thỉnh thoảng mới bắt được vận và thật là ngô nghê”[33, tr.180]. Ma Văn Kháng đã đê nhân vật Nam độc thoại với chính mình trong sự xót xa: “Mình đang tiếp xúc với cái gì đây? Xác định mãi vẫn cứ nửa tin nửa ngờ. Gương mặt lớp người này chả lẽ là thế ư? Sao nó lại tự thị, bệnh hoạn, thiếu căn cốt, nền tảng thế! Nó đang ở trạng thái
rối loạn tâm thần?”[33, tr.182]. Với hàng loạt những tình tiết sự kiện được sắp xếp theo trật tự, tác giả đã bộc lộ quan điểm của mình một cách thẳng thắn: “Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào xới bản thể ở chiều sâu tâm hồn mình chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật. Đâu có phải cứ lăn lộn xuống cơ sở, gần gụi cái búa, cái bay, sống giữa tiếng máy, mùi than thì mới viết được văn hay!”[33, tr.165].
Để thể hiện tư tưởng nghệ thuật của riêng mình, Ma Văn Kháng chủ động xây dựng lối kết cấu chính luận rõ nét. Sự hấp dẫn người đọc ở truyện ngắn của ông là sức thuyết phục của lý lẽ. Bao giờ nhà văn cũng đặt vấn đề và đưa ra cách giải đáp, lối đối thoại, bàn bạc, tranh luận. Đoàn Minh Tâm cho rằng: “Ma Văn Kháng bằng cách này hay cách khác đều in đậm những tư tưởng- nghệ thuật, nghĩ suy của ông về một phương diện nào đó trong muôn mặt cuộc đời phồn tạp. Khi ông để nhân vật phát ngôn trực tiếp, khi trong vai trò người kể chuyện ông xen vào triết luận, đôi lúc ông lại để nghĩ suy của mình ẩn chìm trong cách bài tró, dựng truyện”[49, tr.83].
“Trốn nợ”là một truyện ngắn giàu sức hàm chứa và bao gói nhiều luận đề sâu sắc. Nhà văn khắc họa bức tranh chân thực về những con người dưới đáy xã hội, nhỏ bé, đáng thương và không thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn đói nghèo: “Nghèo khổ bần hàn : “Tiền! Tiền! Tiền! Y chỉ có mỗi ao ước là có thật nhiều tiền thôi. Tiền để đổi đời, để y thoát ra khỏi cảnh cơ khổ, bần hàn. Ôi! Nghèo khổ, bần hàn là cái tội, cái nợ, là nỗi đau đớn của cả kiếp người. Của bao kiếp người! Nghèo khổ, cái nợ tông đồ! Cái gông xiềng của chúng sinh!”[35, tr.176]. Thông qua nhân vật Bân, một phụ nữ quyết liệt, táo tợn, liều lĩnh, bằng mọi giá để kiếm tiền mong đổi đời, nhà văn gửi gắm nỗi lo lắng về việc giữ gìn bảo toàn nhân tính, những giá trị đẹp đẽ của con người trước vòng xoáy oan nghiệt của cảnh cơ hàn: “Nhưng để thoát ra khỏi nó mà vẫn là người lương thiện đâu có dễ dàng gì!”[35, tr.176]. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã để cho nhân vật của mình lên tiếng một cách tự tin, mạnh mẽ và đầy thách thức để bảo vệ quyền được sống thật với con người bản năng. Và ông cũng dành những trang viết ca ngợi vẻ đẹp, giá trị, sức mạnh của tình yêu. Tình yêu đã trở thành cứu cánh, nâng đỡ con người: “Y khóc cay đắng nức nở như đứa trẻ ngộ ra điều oan uổng. Khóc vì thương mình, vì thương vợ, vì nhận ra cái trớ trêu của cuộc sống là bây giờ đây bỗng may mắn vớt vát được chút hạnh phúc lứa đôi trong cái cuộc đời khốn nạn này, cái cuộc đời coi con người như một bóng ma, một bản giấy nháp sơ sài, một mớ hồ sơ tạp nham này!”[33, tr.183].
Từ những truyện ngắn, ta thấy nhà văn đã chú trọng việc đan cài, lồng ghép nhiều chủ đề, luận đề tạo cho tác phẩm nhiều tầng bậc ý nghĩa. Tính chất, ý nghĩa của truyện nằm sâu trong cấu trúc tác phẩm, từ cách lựa chọn chi tiết, hình ảnh, giọng điệu,
tổ chức kết cấu. Việc xây dựng kết cấu nhiều tầng bậc cùng tổ chức một hệ thống phức tạp những thủ pháp nghệ thuật ở mọi cấp độ đã góp phần tạo nên giá trị truyện ngắn Ma Văn Kháng.