7. Bố cục của luận văn
3.2.3. Sự đột phá trong kết cấu trùng phức các mạch truyện
Ý thức làm mới những tác phẩm của mình thông qua việc xây dựng kết cấu tác phẩm được Ma Văn Kháng hết sức chú ý. Gắn với cảm quan hậu hiện đại, truyện ngắn thế sự - đời tư với quan niệm hiện thực là những mảnh vỡ đã đổ bóng xuống trang viết của thế hệ các nhà văn đương đại nói chung và Ma Văn Kháng nói riêng. Một trong những kết cấu đặc sắc của thể tài này là trùng phức các mạch truyện. Với kĩ thuật kết cấu này, tác phẩm của Ma Văn Kháng đã có sự đột phá, không còn bị ràng buộc bởi thi pháp truyền thống, nó được viết ra tự nhiên hơn. Kết cấu các tác phẩm được lắp ghép bởi từng mảnh cuộc đời, từng mảnh tâm trạng nhân vật chứ không quá lệ thuộc vào sự phát triển theo tiến trình sự kiện, theo thời gian tuyến tính. Những tình huống, cảnh ngộ, biến cố, số phận như không có quan hệ liên đới nhưng xích lại gần nhau, đặt cạnh nhau, nối kết với nhau tạo nên kết cấu chặt chẽ.
Bên cạnh sử dụng kết cấu đảo chiều, truyện “Bến bờ”còn là sự lồng ghép nhiều câu chuyện nhỏ xoay quanh chuyến trở về thăm quê, thăm mẹ của Nhâm. Tư tưởng chính của truyện được thể hiện khi chị nhận ra con người ai cũng cần có bến bờ để neo
đậu, có cội nguồn gốc gác để nương tựa tinh thần. Song tư tưởng đó được mở rộng phong phú thêm các lớp nội dung khi nhà văn lắp ghép nhiều câu chuyện nhỏ. Chuyện về gia đình Nhâm; chuyện của bà giáo Phụng bị học trò hãm hại, chuyện của tên Tư Xẩy dị dạng bán vé phà; chuyện thằng Bật dốt nát nhờ ô dù thăng quan tiến chức….Tất cả những câu chuyện ấy xen vào mạch cảm xúc của Nhâm như một nốt trầm buồn và gợi ra trong lòng người đọc nhiều ý nghĩa sâu xa về thế thái nhân tình với “hạnh phúc con người thật quá mỏng manh”. Kĩ thuật phân mảnh và lắp ghép kiến tạo nên hình thức kết cấu hiện đại cho truyện ngắn Ma Văn Kháng. Sự kết hợp này khiến hình thức tác phẩm được hoàn thiện với nhiều tầng bậc, đa sắc và linh hoạt. Nó cho phép nhà văn viết tự do, đi sâu vào nhiều khía cạnh, tạo ra các lát cắt khơi gợi nhiều suy tư về thời thế, cuộc sống, xã hội, con người. Mỗi mảnh ghép vừa có tính độc lập tương đối lại vừa liên kết, phụ thuộc, tác động lẫn nhau.
Hình thức trùng phức “truyện trong truyện”với kiểu kết cấu truyện ngắn thành từng chùm truyện, có những mối liên hệ nhất định về đề tài, chủ đề, tư tưởng. Tuy nhiên, giữa các truyện lại có khả năng tồn tại một cách độc lập tương đối. Đây là một kiểu kết cấu độc đáo, cho thấy được vốn sống phong phú và sự táo bạo của nhà văn trong việc thử ngiệm các hình thức mới. Lối kết cấu đa tầng giúp cho việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong những truyện ngắn giàu kịch tính trở nên dễ dàng và uyển chuyển, độ căng trong cảm xúc của người đọc về một lớp truyện này sẽ được giải tỏa hợp lí nhờ một lớp truyện khác.
Mỗi truyện ngắn của Ma Văn Kháng được tổ chức theo lối kết cấu này là tập hợp của những truyện, mảnh hồi ức, dòng nhật kí, những suy nghĩ, liên tưởng của các nhân vật được phân mảnh và lắp ghép cạnh nhau, không theo mạch thời gian tuyến tính. Tiếp cận kĩ thuật kết cấu trùng phức, tác giả thể hiện trạng thái đầy lo âu: chưa bao giờ con người xa nhau đến thế, ở giữa xã hội xô bồ này, mỗi cá thể chìm lút trong sự lo lắng thường nhật hay nỗi cô đơn sâu thẳm, có khi đánh mất mình trong từng phút giây. Mỗi truyện ngắn là những câu chuyện bị ngắt đoạn gồm nhiều mảnh truyện kể ghép lại, xong xoay quanh một ý nghĩa: nhà văn đưa ra tiếng chuông cảnh báo trước thực trạng con người bị bao vây, bị tha hóa từ nhiều phía. Từ đó, người đọc có cơ hội nhìn trực diện vào thế giới nơi đồng tiền, cái ác và cái xấu, những mánh khóe, thủ đoạn, hận thù hoành hành. Bên cạnh đó, nhà văn gửi gắm một niềm tin và khát vọng mãnh liệt thức tỉnh lương tâm, nhân tính của con người.
Truyện “Mảnh đạn”là sự gắn kết, đan xen của nhiều câu chuyện nhỏ, rất khó tóm tắt liền mạch và hệ thống chi tiết sự kiện. Các mạch truyện dường như bị phân cắt và chồng chéo lên nhau một cách phức tạp. Chuyện của Tự hò hét điên dại, chuyện Lộc hằn học to tiếng với mẹ già, chuyện Tự về nhà gặp Liễu và trận đòn chí tử của anh
trai mình, chuyện thầy giáo Đức, và cuối cùng là chuyện bà mẹ bắt đầu lang thang trong phố với khuôn mặt ngẩn ngơ. Hàng loạt các chi tiết và sự kiện trong các câu chuyện nhỏ ấy là mạch thời gian của cuộc đời Tự - một thằng điên. Không chỉ trùng phức cách mạch truyện, tác giả còn trùng phức cả thời gian trần thuật, ranh giới giữa quá khứ và hiện tại cứ đan xen vào nhau. Qua đó, người đọc xác định được các tầng ý nghĩa trong tác phẩm. Phải chăng, “Mảnh đạn”là câu chuyện của người lính trở về hậu phương trong sự tàn phế? Là nỗi đau, sự mất mát của gia đình vì những di chứng của chiến tranh? Là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của tình cảm gia đình? ...Theo sát những chi tiết, sự kiện, ngôn ngữ, hành động của nhân vật, chúng ta thấy rõ tư tưởng của nhà văn. Dù ông không trực tiếp đưa ra lời bình luận nào nhưng vẫn gieo vào lòng người đọc những nỗi ám ảnh khôn nguôi, đặc biệt là hình ảnh bất ngờ đầy ý nghĩa ở cuối truyện: “Hôm sau, bà cụ bắt đầu đi rong phố. Chỗ nào có dăm bảy người là đứng lại, mặt ngẩn ngơ, chả ai hỏi cũng rao rao: - Ngày nó đi bộ đội, nó dắt người yêu của nó đến nhà thằng anh nó. Nó bảo: “Anh Lộc ơi, ở nhà, anh trông nom cô ấy hộ em nhé!”. Cô ấy tức thị là vợ thằng anh nó bây giờ đấy, các bác ạ (…). Ối con ơi, sao mày không chết ở ngoài mặt trận, để bây giờ dở dương thế này, con ơi…”[34, tr.115]. Thì ra, con người không phải chỉ phát điên vì mảnh đạn của quân thù mà còn hóa điên vì căn bệnh lãnh cảm của thói ích kỷ, thờ ơ, của sự thiếu hụt nhân tính, ngay trong cả gia đình. Bằng việc trùng phức các mạch truyện như vậy, Ma Văn Kháng đã thể hiện khả năng phân tích và khắc họa mọi biến động tâm lý phức tạp của một con người không đơn giản. Đồng thời, thể hiện cái nhìn về cuộc đời có chiều sâu của nhà văn khi đề cập đến nhiều mảnh đời thường nhưng ẩn chứa bao điều bất thường trong cuộc sống. Tất cả đều có chung âm điệu về tiếng nói lương tri và trách nhiệm cuộc sống của con người.
Nhìn chung, phương thức kết cấu trùng phức các mạch truyện được nhà văn sử dụng đã tạo ra những truyện có sức chứa lớn, có sự mở rộng biên độ và chiều sâu của sự tái hiện thế giới, mang khuynh hướng tư duy tiểu thuyết. Xu hướng này phù hợp với thị hiếu và tâm lý tiếp nhận của người đọc đương đại, khi mà thời gian dành cho việc đọc ngày càng ngắn lại trong khi nhu cầu tiếp nhận thông tin và thụ hưởng thẩm mỹ ngày càng cao. Với phương thức này, truyện ngắn Ma Văn Kháng hàm chứa lượng thông tin cô đặc, tạo ra sự dịch chuyển không gian và thời gian, đem đến cho người đọc trải nghiệm đa chiều trong dung lượng vừa phải. Việc chủ động trùng phức các mạch truyện, thay đổi linh hoạt các ngôi kể cũng như các hình thức xuất hiện của chủ thể trần thuật, mở ra nhiều dạng lời văn và giọng điệu trần thuật đa dạng, tạo tiền đề cho những đối thoại tư tưởng không ngừng vang lên trong tác phẩm đã phần nào thể hiện rõ bản lĩnh ứng xử nghệ thuật của Ma Văn Kháng trong bút pháp tự sự độc đáo
của mình.
Tóm lại, ở một khía cạnh nhất định, có thể khẳng định rằng lối xây dựng kết cấu truyện theo ý tưởng của Ma Văn Kháng đã phục vụ cho đắc lực cho mục đích của ông: “Viết văn để tranh biện, đối thoại với các ý thức xã hội, ý thức nghệ thuật về tất cả những vấn đề có liên quan đến quan niệm về con người, về đời sống và bản thân văn chương”. Nghệ thuật tổ chức kết cấu là một trong những phương diện tạo nên thành công của truyện ngắn Ma Văn Kháng. Dấu ấn nghệ thuật đậm nét nhất mà nhà văn tạo nên trong văn đàn Việt Nam là việc kết hợp và sử dụng linh hoạt nhiều kiểu kết cấu: từ lối kết cấu chính luận đến kết cấu tự do và cách thức trùng phức các mạch truyện. Điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn, phong phú và hiện đại cho truyện ngắn của ông. Đó là những sáng tạo nghệ thuật hết sức độc đáo, đồng thời cũng là kết quả của quá trình tiếp thu, học hỏi thành tựu văn học truyền thống và hiện đại, trong nước và thế giới .Ông thu hẹp tối đa khoảng cách hiện thực và văn chương. Những nỗ lực cách tân của nhà văn trên phương diện xây dựng kết cấu đã thổi luồng sinh khí mới lạ và góp phần không nhỏ thúc đẩy sự vận động và biến đổi của thể loại truyện ngắn Việt Nam đương đại.